EVN và một số đơn vị có liên quan đã vi phạm trong công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành cung cấp điện giai đoạn 2021-2023. Ảnh: EVN. |
Theo kết luận thanh tra EVN của Bộ Công Thương vừa được công bố, EVN và một số đơn vị liên quan đã để xảy ra những tồn tại, hạn chế, khuyết điểm và vi phạm trong công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành cung cấp điện giai đoạn 2021-2023.
Thủy điện được huy động nhiều
Về công tác chỉ đạo, điều hành điều tiết các hồ chứa thủy điện, kết luận thanh tra cho biết việc lập và phê duyệt các phương án, kế hoạch vận hành tháng, tuần của các nhà máy thủy điện không bám sát với kế hoạch vận hành hệ thống điện năm đã được Bộ Công Thương phê duyệt.
Bên cạnh đó, từ tháng 7/2022, các đơn vị của EVN vẫn tăng cường khai thác nước phục vụ phát điện của các nhà máy thủy điện lớn khu vực phía Bắc. Bao gồm 8 hồ chứa thủy điện là Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Bản Chát, Tuyên Quang, Thác Bà, Trung Sơn, Bản Vẽ. Điều này làm giảm mực nước các hồ so với Kế hoạch vận hành hệ thống điện năm 2022 gây ảnh hưởng đến việc điều tiết chuẩn bị nước cho phát điện mùa khô 2023.
Để xảy ra tình trạng nêu trên, cơ quan thanh tra cho rằng trách nhiệm thuộc về Hội đồng thành viên, Ban tổng giám đốc EVN, Trung tâm điều độ hệ thống điện Quốc gia (A0) và các cá nhân, tập thể có liên quan.
Theo đoàn thanh tra, nguyên nhân giảm mực nước các hồ thủy điện một phần do EVN vẫn tăng cường khai thác nước phục vụ phát điện từ tháng 7/2022 dù đã được dự báo về lưu lượng nước về chỉ đạt 60-80% so với trung bình. Ảnh: EVN. |
Cơ quan thanh tra cho biết EVN đã vi phạm chỉ đạo tại quyết định phê duyệt biểu đồ cấp than cho sản xuất điện và quyết định phê duyệt kế hoạch cung cấp điện, vận hành hệ thống điện quốc gia, ảnh hưởng đến công tác chuẩn bị than cho sản xuất điện.
Hơn nữa, để xảy ra tình trạng thiếu than cục bộ ở một số ngày trong các tháng đầu năm 2022 (EVN chậm thống nhất giá than) và năm 2023 dẫn đến dừng tổ máy là trách nhiệm của EVN, các công ty liên kết và các chủ đầu tư nhà máy nhiệt điện than liên quan.
Việc các nguồn điện chậm trễ đầu tư, xây dựng là một trong những lý do quan trọng nhất khiến miền Bắc trải qua thiếu điện vừa qua. Kết luận thanh tra cho biết việc thực hiện dự án nguồn điện và lưới điện không đảm bảo tiến độ theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh đã duyệt thuộc trách nhiệm của EVN, các Ban quản lý dự án điện và 5 Tổng công ty Điện lực trực thuộc EVN.
Các đơn vị thuộc Bộ Công Thương cũng có trách nhiệm
Đoàn thanh tra cũng chỉ rõ tại một số thời điểm, việc kiểm tra, giám sát của các đơn vị thuộc Bộ Công Thương chưa bám sát tình hình thực tế cũng là một phần nguyên nhân để xảy ra tình trạng nêu trên.
"Trách nhiệm thuộc về Cục Điều tiết điện lực, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, Vụ Dầu khí và Than", kết luận nêu.
Theo đó, Bộ trưởng Công Thương yêu cầu các cơ quan trên căn cứ kết luận thanh tra, tổ chức kiểm điểm nghiêm túc, rút kinh nghiệm sâu sắc trong việc thực hiện chức năng kiểm tra, giám sát trong lĩnh vực được giao, tiến hành xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân có sai phạm (nếu có).
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đề nghị và yêu cầu Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp căn cứ kết luận thanh tra, chỉ đạo, tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý hoặc kiến nghị xử lý nghiêm đối với Hội đồng Thành viên EVN, các cá nhân có liên quan...
"Tập đoàn Điện lực Việt Nam căn cứ kết luận thanh tra, chỉ đạo, tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý hoặc kiến nghị xử lý nghiêm theo quy định đối với ban tổng giám đốc, các ban tham mưu, các đơn vị thành viên và cá nhân, tập thể có liên quan", Bộ yêu cầu.
Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...