Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thanh tra EVN: Bộ Công Thương chỉ ra việc chậm đầu tư nguồn điện

Bộ Công Thương yêu cầu Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp căn cứ kết luận thanh tra xử lý một số tồn tại và khuyết điểm tại EVN.

Sáng 12/7, Bộ Công Thương công bố kết luận sau 1 tháng thanh tra Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về thực hiện quy định quản lý và điều hành cung cấp điện. Thông báo kết luận thanh tra EVN được Bộ Công Thương công bố chỉ sau 2 ngày đoàn thanh tra hoàn thành công tác thanh tra.

Theo đó, kết luận thanh tra đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế, khuyết điểm, vi phạm trong công tác chỉ đạo, điều hành cung cấp điện giai đoạn 2021-2023 của EVN và các đơn vị có liên quan.

Loạt sai phạm

Cụ thể, cơ quan thanh tra đã chỉ ra EVN chậm đầu tư, hoàn thành nguồn và lưới điện; chậm khắc phục sự cố tổ máy của một số nhà máy nhiệt điện làm giảm khả năng cung cấp điện; không chấp hành nghiêm một số chỉ đạo về kế hoạch cung ứng điện, biểu đồ cung cấp nhiên liệu cho sản xuất điện làm bị động trong việc chuẩn bị nguồn điện, giảm dự phòng an ninh năng lượng.

Bên cạnh đó, EVN và các đơn vị liên quan còn điều độ, vận hành hệ thống điện mất cân đối trong huy động các loại hình nguồn điện trong nhiều thời điểm.

Kết luận cũng chỉ rõ tập đoàn này đã để gián đoạn cung ứng điện trên diện rộng, đặc biệt khu vực miền Bắc từ nửa cuối tháng 5 đến trung tuần tháng 6.

Xử lý nghiêm tập thể và cá nhân liên quan

Từ những tồn tại, hạn chế, khuyết điểm, vi phạm nêu trên, Bộ Công Thương đã đề nghị và yêu cầu Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp căn cứ kết luận thanh tra, chỉ đạo, tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý hoặc kiến nghị xử lý nghiêm đối với Hội đồng Thành viên EVN, các cá nhân có liên quan.

"Tập đoàn Điện lực Việt Nam căn cứ kết luận thanh tra, chỉ đạo, tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý hoặc kiến nghị xử lý nghiêm theo quy định đối với ban tổng giám đốc, các ban tham mưu, các đơn vị thành viên và cá nhân, tập thể có liên quan", Bộ yêu cầu.

Bên cạnh đó, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản (TKV) và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) chỉ đạo Tổng công ty Điện lực - TKV, Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý hoặc kiến nghị xử lý nghiêm theo quy định đối với tập thể, cá nhân vi phạm có liên quan.

Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Cục Điều tiết điện lực, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, Vụ Dầu khí và Than căn cứ kết luận thanh tra, tổ chức kiểm điểm nghiêm túc, rút kinh nghiệm sâu sắc trong việc thực hiện chức năng kiểm tra, giám sát trong lĩnh vực được giao, tiến hành xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân sai phạm (nếu có).

Bộ Công Thương cũng yêu cầu EVN, PVN, TKV và các đơn vị có liên quan nghiêm túc thực hiện các biện pháp quản lý và điều hành cung cấp điện nêu tại kết luận thanh tra, chủ động khắc phục các tồn tại, hạn chế kịp thời, không để tình trạng thiếu điện, tiết giảm điện trong thời gian tới.

Trước đó, cuộc thanh tra EVN về thực hiện quy định quản lý và điều hành cung cấp điện của Bộ Công Thương là nội dung thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng, trong bối cảnh tình trạng thiếu điện, cắt điện luân phiên xảy ra ở nhiều tỉnh, thành phố miền Bắc.

Chỉ vài ngày sau khi Bộ Công Thương bắt đầu thanh tra, ngày 15/6, EVN đã ra quyết định tạm đình chỉ chức vụ Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia đối với ông Nguyễn Đức Ninh để tập trung phục vụ yêu cầu, nhiệm vụ công tác của đoàn thanh tra.

Liên quan đến vấn đề cung ứng điện, thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, ngày 20/6, EVN đã ký văn bản gửi Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia, các công ty, nhà máy trực thuộc EVN và một số đơn vị liên quan về việc kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân để xảy ra tình huống thiếu điện.

Độc giả có thể tìm thêm nhiều câu chuyện truyền cảm hứng về những gương doanh nhân thành công, kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp và những kiến thức mới mẻ thời đại 4.0 ở tuyển tập sách của Zing tại Tủ sách kinh tế

EVN lỗ hơn 20.700 tỷ đồng sau kiểm toán

Báo cáo tài chính sau kiểm toán của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa được công bố với khoản lỗ sau thuế kỷ lục hơn 20.700 tỷ đồng năm 2022.

Một công ty do EVN nắm hơn 54% vốn bị mất an toàn tài chính

Theo Kiểm toán Nhà nước, Công ty CP Tư vấn Xây dựng điện 1 do EVN nắm giữ 54,34% vốn điều lệ đã bị đưa vào diện giám sát tài chính đặc biệt theo quy định của Chính phủ.

Khó khăn tài chính, EVN nợ PV Power gần 13.000 tỷ đồng

Tổng giám đốc PVN yêu cầu rà soát lại hợp đồng giữa các bên, đồng thời hỗ trợ PV Power về công tác cân đối dòng tiền trong lúc khó khăn. 

Thanh Thương

Bạn có thể quan tâm