Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Kết hợp thuốc trị cúm và thuốc HIV có phải là giải pháp trị corona?

Việc kết hợp thuốc trị cúm và kháng virus HIV có thể là giải pháp điều trị cho bệnh nhân nhiễm virus corona khi chưa có thuốc và vắc xin đặc hiệu.

Khi quá trình điều chế vắc xin và thuốc đặc trị virus corona vẫn chưa hoàn tất, thì việc sử dụng liệu pháp kết hợp một số loại thuốc kháng virus đang mang lại tín hiệu tích cực trong việc đối phó với bệnh viêm phổi do virus corona chủng mới đang bùng phát mạnh ở Trung Quốc và nhiều nước, South China Morning Post cho biết.

Các liệu pháp đã được áp dụng tại các bệnh viện ở Bangkok, Thái Lan, và Chiết Giang, Trung Quốc, với một số bệnh nhân đã khỏi bệnh.

Một số công ty Trung Quốc đang gấp rút nghiên cứu và sản xuất thuốc kháng virus và các loại dược phẩm khác được cho là có hiệu quả trong việc chống lại virus corona chủng mới. Tuy vậy, các thử nghiệm lâm sàng vẫn cần thiết trước khi hiệu quả khoa học được chứng minh.

Những tín hiệu tích cực

Tại một bệnh viện ở Bangkok, Thái Lan, các bác sĩ đã sử dụng kết hợp thuốc chống cảm cúm Oseltamivir với thuốc kháng HIV Lopinavir và Ritonavir trên 3 bệnh nhân nhiễm virus corona có triệu chứng nghiêm trọng, theo truyền thông Thái Lan, trích dẫn lời ông Somkiat Lalitwongsa, Giám đốc Bệnh viện Rajavithi ở Bangkok.

Dich viem phoi Vu Han anh 1

Sử dụng kết hợp thuốc trị cúm và kháng virus HIV cho kết quả tích cực trong việc điều trị cho bệnh nhân nhiễm virus corona. Ảnh minh họa: Reuters.

Một bệnh nhân nữ 71 tuổi đã có dấu hiệu cải thiện sức khỏe sau khi sử dụng liệu pháp trên 48 giờ. Tương tự ở Trung Quốc, 3 bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm virus corona đã phục hồi sau khi sử dụng kết hợp thuốc Lopinavir và Ritonavir.

Theo một hồ sơ ủa Ascletis Pharma được trích dẫn bởi ủy ban y tế tỉnh Hà Nam, Ascletis Pharma nhà sản xuất thuốc điều trị viêm gan ở Hong Kong, cho biết họ đã nhận được yêu cầu từ các tổ chức y tế và nghiên cứu y khoa giấu tên để sử dụng thử nghiệm thuốc kháng virus ASC09 kết hợp với Ritonavir trong các thử nghiệm lâm sàng cho bệnh nhân nhiễm corona.

Virus corona chủng mới, đại dịch virus thứ 2 bùng phát từ Trung Quốc kể từ khi dịch SARS bùng phát vào năm 2003. Virus corona chủng mới đã lây nhiễm cho hơn 20.000 người, 99% trường hợp nhiễm bệnh ở Trung Quốc.

Virus corona đã khiến 425 người chết ở Trung Quốc, chiếm tỷ lệ khoảng 2% trên tổng số người nhiễm bệnh, với 2 trường hợp tử vong bên ngoài Trung Quốc. Vài tuần sau khi dịch bùng phát, rất khó để tìm ra một loại thuốc đặc trị hoặc vắc xin.

Cuộc tìm kiếm phương pháp điều trị vẫn chưa cho kết quả rõ ràng, với các cách chữa lạ từ y học cổ truyền cho đến sử dụng tỏi luộc tại nhà. Trong cuộc tìm kiếm này, sự kết hợp giữa thuốc kháng virus và thuốc trị cúm dường như cho thấy tiềm năng nhất.

Dich viem phoi Vu Han anh 2

Một bệnh nhân nhiễm virus corona được chăm sóc đặc biệt ở Bệnh viện Đại học Vũ Hán. Ảnh: Tân Hoa Xã.

Hơn 20 trường hợp bệnh nhân nhiễm corona đã được xác nhận âm tính với virus sau khi dùng kết hợp thuốc Lopinavir và Ritonavir, trích dẫn cuộc khảo sát sơ bộ của đội ngũ y tế tại một số bệnh viện ở tỉnh Chiết Giang.

Liệu pháp kết hợp thuốc kháng HIV Ritonavir và thuốc kháng virus ASC09 cho thấy lượng virus giảm 62 lần ở bệnh nhân nhiễm corona sau 14 ngày điều trị, Ascletis Pharma cho biết, trích dẫn thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 đã hoàn thành.

Tuy nhiên, Ascletis Pharma cho biết không thể đảm bảo chắc chắn rằng “chúng tôi có thể có được sự chấp thuận hoặc cuối cùng là đưa ra thị trường sự kết hợp giữa Ritonavir và ASC09 một cách thành công hay không”, dù họ đã tích cực hỗ trợ các nhà nghiên cứu y tế bắt đầu thử nghiệm lâm sàng ở bệnh nhân nhiễm virus corona.

Liệu pháp kết hợp không phải là khái niệm mới, vì nó ngày càng được sử dụng nhiều trong điều trị ung thư.

“Vì chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu được chứng minh đối với virus corona chủng mới, các loại thuốc chống virus hiện có như Oseltamivir được sử dụng để điều trị cho bệnh nhân nhiễm corona”, Carol Dou, chuyên gia phân tích chăm sóc sức khỏe cao cấp của UOB Kay Hian, ngân hàng đầu tư toàn cầu có trụ sở tại Singapore nói.

Tiến tới sản xuất Ritonavir ở Trung Quốc

Lopinavir và Ritonavir được sản xuất bởi Abbvie Inc, có trụ sở tại Chicago, Mỹ để điều trị các bệnh về miễn dịch, bao gồm HIV. Tuy nhiên, Ritonavir không được bán ở Trung Quốc. Ít nhất 2 công ty dược phẩm Trung Quốc tuyên bố sẽ sản xuất Ritonavir ở nước này.

Dich viem phoi Vu Han anh 3

Một bệnh nhân nhiễm virus corona ở Hong Kong được chuyển bằng xe cứu thương đến bệnh viện Princess Margaret. Ảnh: Getty.

Ascletis Pharma tuyên bố họ đã phát triển thành công phiên bản Ritonavir đầu tiên ở Trung Quốc và đã nộp đơn vào tháng 8/2019 cho Cơ quan Quản lý sản phẩm Y tế quốc gia để xin phép sản xuất và bán loại thuốc này.

China Health Group, công ty dược phẩm có trụ sở tại Bắc Kinh, tuyên bố công ty con của họ là công ty dược Hạ Môn Wanquan Wante là đơn vị duy nhất ở Trung Quốc sản xuất nguyên liệu thô cho Lopinavir và Ritonavir. Tuy nhiên, một quan chức của Wante cho biết họ không có mối quan hệ cấp phép với Ascletis Pharma.

Tuy nhiên, Wante đã nộp đơn xin chính phủ cho phép tiếp tục sản xuất nguyên liệu và China Health sẽ đầu tư vào nghiên cứu lâm sàng về sản xuất và tiếp thị thuốc Ritonavir ở Trung Quốc.

Trong khi đó, công ty dược phẩm Trường Giang Yichang HEC được cấp phép bởi tập đoàn dược phẩm khổng lồ Roche của Thụy Sĩ để sản xuất thuốc trị cúm Oseltamivir, được biết đến với tên gọi Tamiflu tại Trung Quốc. Loại thuốc này đang được tiêu thụ mạnh ở Trung Quốc.

Bên cạnh thuốc kháng virus, Tongfang Kontafarma Holdings, nhà sản xuất clanhke cho xi măng, cho biết chloroquine phosphate được sử dụng để điều trị sốt rét đã được thử nghiệm và chứng minh có hiệu quả nhất định trong việc chống lại virus corona.

Đại diện Tongfang cho biết chính quyền thành phố Trùng Khánh đã nói với họ về việc tiếp tục sản xuất thành phần dược phẩm chloroquine phosphate, ngay cả khi những công ty khác bị cấm hoạt động cho đến ngày 10/2.

Việc sản xuất chloroquine phosphate đã được nối lại tại công ty con của công ty dược phẩm Trùng Khánh mà Tongfang quản lý, nhưng không đưa ra chi tiết.

Vũ Hán gấp rút chuyển trung tâm triển lãm thành bệnh viện dã chiến

Chính quyền Vũ Hán đang chuyển đổi nhà thi đấu, phòng triển lãm và trung tâm văn hóa thành bệnh viện với tổng số 3.400 giường để điều trị cho những bệnh nhân có triệu chứng nhẹ.

Trung Quốc thừa nhận 'thiếu sót' trong ứng phó với virus corona Vũ Hán

Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc kêu gọi hoàn thiện "hệ thống quản lý khẩn cấp quốc gia" sau "những thiếu sót và bất cập" trong quá trình ứng phó với dịch bệnh".

Trung Hiếu

Bạn có thể quan tâm