Trong những ngày cuối cùng của kỳ nghỉ Tết Nguyên đán ở Trung Quốc, đường phố Bắc Kinh vẫn được trang trí bằng đèn lồng đỏ rực, nhưng đường phố hoàn toàn vắng tanh.
Những nhà hàng và quán bar thường ngày bận rộn giờ đây không một ánh đèn. Các khu dân cư có an ninh lỏng lẻo trước đây đã bắt đầu đóng cổng và buộc bất kỳ ai đi vào phải đăng ký và đo nhiệt độ. Xe buýt chỉ có một vài hành khách. Những nhà hàng đang mở cửa chỉ có một nhóm nhỏ thực khách. Tại sân bay quốc tế thủ đô Bắc Kinh, số lượng nhân viên, bao gồm một số nhân viên y tế trong trang phục bảo hộ, còn nhiều hơn hành khách.
“Thật kỳ lạ”, cô Li, 42 tuổi, một giáo viên đến từ Bắc Kinh, người đã ở lại thành phố kể từ khi dịch do virus corona gây ra bùng phát nói với Guardian. “Đây không phải là Bắc Kinh. Bắc Kinh luôn có rất nhiều người. Bây giờ, đường sá, nhà hàng và trung tâm thương mại đều vắng tanh”.
Đường phố Bắc Kinh vắng tanh trong những ngày này. Ảnh: AFP. |
Các nhà chức trách đang quản lý theo kiểu không bỏ sót nơi nào để phát hiện ca nhiễm mới trong cộng đồng. Tuần qua, chính quyền khu phố đã gõ cửa từng nhà và hỏi xem có ai trong gia đình họ gần đây đã đến Vũ Hán hoặc các khu vực xung quanh ở tỉnh Hồ Bắc, nơi được cho là nguồn gốc của virus corona mới. Cảnh sát cũng gọi để kiểm tra những người ở Bắc Kinh đăng ký hộ khẩu tại Vũ Hán.
Tự giam mình trong nhà
Nỗi sợ hãi người ngoài trong một thành phố thường thu hút hàng triệu người trên khắp đất nước như Bắc Kinh đã gia tăng. Nhiều quận bên ngoài Bắc Kinh đã thiết lập các trạm kiểm soát, một số ngôi làng lập ra các khu vực cách ly, yêu cầu người dân không được rời khỏi và cấm bất cứ ai vào làng. Trước khi kỳ nghỉ Tết kết thúc, các quan chức đã cố gắng thuyết phục người dân không đối xử một cách thù địch với những người trở lại Bắc Kinh làm việc hoặc đi học.
“Nếu họ chưa được xác nhận đã nhiễm virus và không có dấu hiệu sốt hay ho rõ ràng, những người trở về sau kỳ nghỉ nên được tự do vào và rời khỏi cộng đồng”, ông Zhao Jigui, phó giám đốc văn phòng dân sự thành phố Bắc Kinh nói hôm 31/1. “Mỗi quận là một gia đình và chúng ta phải hỗ trợ lẫn nhau”, ông Zhao nói thêm.
Quốc gia đông dân nhất thế giới bỗng dưng vắng lặng khi cư dân các thành phố trên khắp cả nước tự cách ly trong nhà để tránh virus corona. Tính đến ngày 4/2, dịch bệnh do virus này gây ra đã giết chết hơn 425 người và lây nhiễm cho 20.625 người ở các tỉnh, lãnh thổ và đô thị ở Trung Quốc, cũng như 26 quốc gia và vùng lãnh thổ khác.
Cơn khủng hoảng ngày càng lan rộng này đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố là tình trạng khẩn cấp toàn cầu. Ngày càng nhiều quốc gia đưa ra cảnh báo du lịch đối với Trung Quốc hoặc chặn các tuyến giao thông qua đây. Sự thất vọng, lo lắng, và sự nhàm chán đã tăng lên trong những ngày này.
Người dân ở tỉnh Hồ Bắc đi lại trong làng. Ảnh: Guardian. |
“Tôi không ra khỏi nhà được 1 tuần rồi”, anh Yang, 39 tuổi, một doanh nhân gốc Thượng Hải sống cùng vợ và đứa con mới sinh nói với Guardian. “Tôi tự giam mình trong nhà. Tôi không muốn mang virus về nhà”.
Tại tỉnh Hồ Bắc, tâm của dịch do virus corona mới gây ra, nơi có hầu hết trường hợp tử vong, cư dân còn sống cô lập hơn. Tại một huyện gần Hoàng Cương, nơi có tình hình dịch tồi tệ chỉ sau Vũ Hán, cô Li, 31 tuổi, làm việc tại một ngân hàng, đã ở nhà với cha mẹ một tuần qua. Nhiều con đường ở đây cũng bị ngăn lại.
Mỗi ngày đều có loa phát hai lần vào buổi sáng và hai lần vào buổi chiều khuyên cư dân ở đây không nên ra ngoài. Ủy ban khu phố đến kiểm tra nhà người dân mỗi ngày. Trước cửa nhà 2 gia đình trong khu phố từng đến khu vực tâm dịch có biển cảnh báo khuyên những người dân khác không nên đến thăm họ.
Bất cứ khi nào thành viên trong gia đình đi vứt rác, họ sẽ được khử trùng ngay khi trở về. Cô Li lo lắng nhiều nhất về những rủi ro mà nhân viên y tế phải chịu và việc thiếu trang thiết bị, vật dụng tại các bệnh viện. “Tôi không dám xem tin tức. Người ta đang chết đi mỗi ngày”, cô nói.
“Chúng ta không thể để con quỷ này ẩn náu”
Trước sự bức xúc về sự bùng phát dịch quá nhanh, chính quyền Trung Quốc đã cố gắng tỏ ra quyết đoán và minh bạch hơn.
Sau khi ra lệnh hạn chế giao thông trên diện rộng khiến khoảng 50 triệu người ở tỉnh Hồ Bắc bị cách ly, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gọi dịch do virus corona mới gây ra là một con quỷ. “Chúng ta không thể để con quỷ này ẩn náu”, ông nói vào ngày 28/1, hứa hẹn sẽ “công bố thông tin kịp thời” trong nước và cả quốc tế.
Sau khi ông Tập cam kết sẽ buộc các quan chức địa phương phải chịu trách nhiệm, một quan chức y tế ở Hoàng Cương đã bị sa thải.
Có rất ít người đi tàu điện ngầm ở Bắc Kinh khi dịch bệnh bùng phát. Ảnh: AP. |
Tuy nhiên, sự chỉ trích và ngờ vực vẫn tăng lên. Người dùng mạng Trung Quốc cho rằng các quan chức đang đùn đẩy trách nhiệm bằng cách đổ lỗi cho các cơ quan khác hoặc các quan chức khác về cuộc khủng hoảng này. Nhiều người dân ở Hồ Bắc nói rằng họ không thể được chữa trị hoặc đến bệnh viện vì các nhân viên làm việc quá sức và thiếu trang thiết bị. Điều này chỉ làm tăng sự tức giận của công chúng.
Hội Chữ thập đỏ Trung Quốc, cơ quan phụ trách nhận các khoản quyên góp, đã bị chỉ trích nặng nề vì chỉ phân phối một phần tám số tiền mà tổ chức này nhận được, ngay cả khi một bác sĩ ở Vũ Hán nói rằng bệnh viện của ông đã hết thiết bị bảo vệ. Nhiều hình ảnh trên mạng cho thấy nhân viên y tế phải làm đồ bảo hộ từ túi đựng rác và ga trải giường. Một cậu bé 17 tuổi bị bại não đã chết vì đói ở Hoàng Cương tuần trước sau khi cha và anh trai cậu bị cách ly.
Một nghiên cứu được công bố vào ngày 29/1 đã làm tăng thêm sự thất vọng của công chúng. Nghiên cứu trên Tạp chí Y học New England đã sử dụng dữ liệu từ 425 trường hợp nhiễm virus đầu tiên ở Vũ Hán và tìm thấy bằng chứng có sự lây virus từ người sang người vào giữa tháng 12. Tuy nhiên, cho đến ngày 20/1, các quan chức Trung Quốc vẫn khẳng định rằng không có bằng chứng nào cho thấy căn bệnh này có thể lây từ người sang người và vẫn có thể kiểm soát được virus.