Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Kết cục của tập đoàn địa ốc nợ nhiều nhất thế giới

Trước khi trượt đến bờ vực vỡ nợ, China Evergrande và chiến lược "vay nợ để mở rộng" của tỷ phú Hứa Gia Ấn từng được coi là biểu tượng cho sự trỗi dậy của kinh tế Trung Quốc.

Hôm 9/12, Fitch Ratings đã hạ xếp hạng của China Evergrande xuống "vỡ nợ giới hạn" sau khi tập đoàn không thể trả hai khoản lãi trái phiếu coupon trong khoảng thời gian ân hạn.

Đây là lần đầu tiên China Evergrande vỡ nợ trái phiếu bằng đồng USD. Bloomberg nhận định diễn biến này có thể đặt dấu chấm hết cho gã khổng lồ bất động sản được tỷ phú Hứa Gia Ấn thành lập cách đây 25 năm.

"Fitch Ratings đã hạ xếp hạng của China Evergrande xuống mức 'vỡ nợ giới hạn'. Các cơ quan xếp hạng khác cũng có thể tiếp bước. Giờ, sự chú ý của giới đầu tư sẽ chuyển sang quá trình tái cấu trúc của tập đoàn bất động sản Trung Quốc", chuyên gia tài chính Craig Erlam (có trụ sở ở London) bình luận với Zing.

"Nhà chức trách Trung Quốc đã vào cuộc và bơm thêm tiền vào thị trường. China Evergrande đang được tái cấu trúc dưới sự giám sát của giới chức Bắc Kinh", ông nói thêm.

"Nhưng chỉ thời gian mới có thể trả lời liệu những hành động của Bắc Kinh có đủ hay không", ông nhận định.

China Evergrande vo no anh 1

China Evergrande rơi vào cuộc khủng hoảng tiền mặt sau nhiều năm vay nợ ồ ạt để mở rộng. Ảnh: Wall Street Journal.

Kết cục được đoán trước

China Evergrande - tập đoàn địa ốc lớn thứ hai Trung Quốc - hiện nợ khoảng hơn 300 tỷ USD. Đây là nhà phát triển bất động sản nợ nhiều nhất thế giới.

Kết cục của China Evergrande đã phơi bày những lỗ hổng trong hệ thống tài chính của Trung Quốc. Cuộc khủng hoảng của tập đoàn địa ốc khổng lồ cũng là phép thử cho các nỗ lực cải cách của giới chức Bắc Kinh.

China Evergrande không chỉ bán một căn hộ nhỏ cho khách mua nhà. Khách hàng còn được sống trong một khu phức hợp khổng lồ với hàng chục tòa nhà giống hệt nhau.

Theo South China Morning Post, vào cuối những năm 1990, trước khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), các doanh nghiệp quốc doanh thống trị ngành công nghiệp bất động sản. Bởi họ có khả năng tiếp cận những vị trí đắc địa nhất.

Ở thời điểm đó, các căn hộ thường lớn và đắt đỏ, vượt quá khả năng chi trả của hầu hết người tiêu dùng, trừ những người mua giàu có.

China Evergrande vo no anh 2

Tỷ phú Hứa Gia Ấn và China Evergrande từng được coi là biểu tượng cho sự trỗi dây của kinh tế Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

Trong khi đó, ông Hứa tập trung xây dựng những căn hộ giá cả phải chăng, phục vụ bộ phận người mua đông đảo hơn. Bởi ông cũng từng là một đứa trẻ nông thôn mơ về cuộc sống thành thị. Ông Hứa vay tiền để xây dựng với chi phí thấp, bán các căn hộ chưa hoàn thành và sử dụng dòng doanh thu cao đầu tư lại vào tập đoàn.

Với chiến lược vay tiền ồ ạt, tập đoàn của ông Hứa đã phát triển từ một công ty nhỏ, nhân viên chưa tới 10 người, thành một trong những nhà phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc.

China Evergrande thường đầu tư mạnh tay vào các dự án ở tỉnh. Những dự án này nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của các quan chức địa phương.

Để thúc đẩy sự phát triển của China Evergrande, ông Hứa thường vay 2 lần trên mỗi dự án mà ông phát triển. Trước tiên, ông vay từ các ngân hàng. Sau đó, ông vay của khách mua nhà. Nhiều người mua nhà thậm chí trả trước 100%.

Khi China Evergrande và các đối thủ cạnh tranh tích cực mở rộng, bất động sản đã đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. China Evergrande xây dựng hơn 1.000 dự án ở hàng trăm thành phố và tạo ra hơn 3,3 triệu việc làm mỗi năm.

Tình thế thay đổi

"Ông Hứa đại diện cho một phần rất quan trọng của cải cách kinh tế Trung Quốc", giáo sư Victor Shih tại Đại học California, San Diego, bình luận.

"Ông ấy sử dụng trí thông minh và sự táo bạo của mình để mở rộng các hoạt động kinh doanh. Chúng rất quyết liệt, thậm chí nguy hiểm nếu nhìn từ góc độ kế toán tài chính", ông nói thêm.

Với khả năng tiếp cận nguồn tiền rẻ và tham vọng lớn, ông Hứa đã mở rộng sang các lĩnh vực mà China Evergrande không có chuyên môn hay kinh nghiệm. Đó là nước đóng chai, xe điện, chăn nuôi lợn và thể thao chuyên nghiệp.

Trên thực tế, trong 10 năm qua, từng có nhiều cá nhân và tổ chức lên tiếng cảnh báo về mô hình tăng trưởng của China Evergrande. Năm 2012, nhà đầu tư Mỹ Andrew Left khẳng định tập đoàn này sẽ vỡ nợ. Ông mô tả China Evergrande sử dụng hàng loạt chiêu trò để che giấu các vấn đề tài chính nghiêm trọng.

Khi đó, China Evergrande phủ nhận mọi thông tin ông Left đưa ra. Ủy ban Chứng khoán Hong Kong (SFC) cũng có hành động bênh vực tập đoàn của ông Hứa Gia Ấn. SFC đâm đơn kiện dân sự, cáo buộc ông Left tung tin giả để bôi nhọ China Evergrande.

Giờ đây, thời thế đã thay đổi. Những gì chính phủ cần không phải là các công ty hay tỷ phú sử dụng đòn bẩy tài chính cao, mà là lĩnh vực này trở lại mức tăng trưởng hợp lý

Giáo sư Gan Li tại Đại học Tài chính và Kinh tế Tây Nam

"Các công ty như China Evergrande đã kiếm hàng tỷ USD dựa vào kế hoạch bán trước (bán những căn hộ hoàn thành trong tương lai) và đòn bẩy cao trong những ngày đầu của cải cách kinh tế Trung Quốc", giáo sư Gan Li tại Đại học Tài chính và Kinh tế Tây Nam bình luận.

"Giờ đây, thời thế đã thay đổi. Những gì chính phủ cần không phải là các công ty hay tỷ phú sử dụng đòn bẩy tài chính cao, mà là lĩnh vực này trở lại mức tăng trưởng hợp lý", ông nói thêm.

Ưu tiên hiện tại của chính quyền Bắc Kinh là duy trì sự ổn định xã hội. Do đó, tập đoàn địa ốc của tỷ phú Hứa Gia Ấn cần sớm trả nợ cho các khách hàng, nhân viên và nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Tuần trước, China Evergrande cho biết họ đã "lên kế hoạch để làm việc tích cực với các trái chủ nước ngoài, nhằm xây dựng kế hoạch tái cơ cấu khả thi". Hôm 7/12, China Evergrande cho biết đang thành lập một ủy ban quản lý rủi ro. Ủy ban này đóng vai trò giảm thiểu và loại bỏ những rủi ro trong tương lai.

Giới chức Trung Quốc cũng cử một đội ngũ đến giám sát China Evergrande trong việc quản trị rủi ro, tăng cường kiểm soát nội bộ và đảm bảo kế hoạch diễn ra bình thường.

Theo giới quan sát, China Evergrande của tỷ phú Hứa Gia Ấn có thể trải qua quá trình tái cơ cấu tương tự HNA Group. HNA Group đệ đơn phá sản vào tháng 1 và đang trong quá trình tái cơ cấu dưới sự giám sát của chính quyền đảo Hải Nam - nơi HNA đặt trụ sở. Chủ tịch và giám đốc điều hành cũng bị bắt giữ.

HNA cũng là đế chế đa ngành sụp đổ vì chiến lược chi tiêu mạnh tay để thâu tóm các doanh nghiệp trên toàn cầu.

Ai gánh chịu thiệt hại khi China Evergrande vỡ nợ

Việc China Evergrande bị hạ xếp hạng xuống "vỡ nợ giới hạn" sẽ thúc đẩy quá trình tái cơ cấu của tập đoàn. Nhưng các trái chủ nước ngoài sẽ là đối tượng ưu tiên trả nợ cuối cùng.

Các startup công nghệ Trung Quốc bị chặn đường huy động vốn nước ngoài

Financial Times đưa tin danh sách đen sắp được chính quyền Trung Quốc công bố có thể gây khó cho các startup công nghệ muốn huy động vốn nước ngoài.

Thảo Phương

Bạn có thể quan tâm