Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Kẻ thù giấu mặt của thành công

Chiếc điện thoại thông minh trở thành vật bất ly thân của nhiều người. Nhưng nó cũng là thứ khiến không ít người bị phân tâm, ảnh hưởng tới hiệu suất làm việc.

Tuoi tre vuot bao anh 1

Nhiều người trẻ lệ thuộc vào điện thoại thông minh. Ảnh: T.N.

Khi nhắc đến kẻ thù lớn nhất đối với thành công của bản thân, bạn sẽ nghĩ đến điều gì? Theo tôi, kẻ thù đó là một thứ có hình thù rất rõ ràng và đặc biệt, nó chỉ mới được ra đời.

Kể từ ngày chiếc điện thoại thông minh xuất hiện, thế giới đã thực sự thay đổi. Điện thoại thông minh trở thành kẻ thù nguy hiểm nhất đối với thành công của bạn bởi nó gây mất tập trung. Nó khiến mọi người, khiến cả thế giới mất tập trung, chứ không chỉ giới hạn ở một vài cá nhân.

Sự mất tập trung, nghe có vẻ là chuyện rất bình thường và nhẹ nhàng, nhưng tác hại nó gây ra có thể khiến cuộc đời bạn không thể vươn lên được. Thế giới hơn bảy tỷ người bị nó làm mất tập trung, vậy tính ra nó đã gây ra hậu quả khủng khiếp nhường nào.

Có một kỹ năng mà ngày xưa gần như ai cũng sở hữu, nhưng thời đại hiện nay lại rất ít người có, ai có được kỹ năng này sẽ tạo ra chênh lệch rất lớn so với người khác trong cuộc sống. Đó chính là kỹ năng làm việc sâu.

Làm việc sâu nghĩa là bạn tập trung toàn tâm toàn ý vào công việc mình đang làm, đóng kín cánh cửa giao tiếp với thế giới xung quanh, thế giới của bạn khi đó chỉ còn sự kết nối giữa tâm trí và công việc. Kỹ năng này rất quan trọng, một giờ làm việc sâu có thể đem lại hiệu quả ngoài sức tưởng tượng, bởi làm việc sâu là lúc tâm trí bạn tập trung hoàn toàn, không bị ngắt quãng, năng suất làm việc sẽ tăng lên rất nhiều.

Khi tập trung, bạn cũng sẽ khám phá ra những khía cạnh, những bí mật trong công việc, từ đó tạo ra sự đột phá mà nếu làm việc xao nhãng, bạn sẽ không bao giờ có cơ hội chạm tới.

Dường như tất cả những nghệ sĩ, nhà nghiên cứu, nhà hoạch định chiến lược hay bất kỳ ai, nếu muốn làm ra một sản phẩm thực sự nổi bật đều phải trải qua quãng thời gian sống tách biệt với thế giới để chìm đắm, làm việc sâu. Đây là bước bắt buộc, nếu không sản phẩm tạo ra chỉ là thứ nửa vời, đầy khuyết điểm.

Hãy tưởng tượng mỗi ngày bạn có thể làm việc sâu từ bốn đến năm tiếng thì hiệu quả công việc sẽ tăng lên như thế nào. Lượng sản phẩm và chất xám bạn tạo ra sau hàng chục năm liên tục làm việc sâu như thế chắc chắn đã đủ để cuộc đời bạn thay đổi.

Nhưng, kể từ khi chiếc điện thoại thông minh xuất hiện, số người có khả năng như thế rất hiếm hoi, nhất là đối với người trẻ, tìm được người có khả năng làm việc sâu khó như mò kim đáy bể.

Trong những bộ phim cổ trang, mỗi khi màn đêm buông xuống, các nhân vật trong phim nếu ở trong phòng thì đều đọc sách, ngâm thơ, vẽ tranh, cuộc sống rất nhẹ nhàng. Bây giờ nghĩ kỹ lại, đó không phải do đạo diễn cố tình muốn tạo ra các khung cảnh như vậy, mà ở thời đó, buổi tối không đọc sách, ngâm thơ thì chẳng còn việc gì để làm, ngoại trừ lên giường ngủ sớm.

Thế hệ 8X hoặc đầu 9X sẽ cảm nhận được rất rõ điều đó, đa phần đến hết cấp ba vẫn chưa có điện thoại di động, mạng xã hội lúc đó cũng chưa ra đời, buổi tối sau khi ăn cơm xong, lựa chọn duy nhất là ngồi vào bàn học.

Tôi nhớ như in thời điểm mình ôn thi đại học, có những hôm ăn xong là học, sáng ngủ dậy mở mắt là ngồi vào bàn học, đang đêm đôi khi bị lũ chuột đánh thức mất ngủ thì liền bật dậy ngồi đọc sách. Nghĩ lại, nếu năm đó tôi có một chiếc điện thoại thông minh trong tay thì chưa chắc đã lựa chọn ngồi vào bàn học nhanh chóng như thế.

Với những người trưởng thành, áp lực và trách nhiệm của cuộc sống đã ở ngay ngoài cửa, không có cách nào khác là làm việc ngày đêm, nên đôi khi họ vẫn làm việc sâu. Nhưng đối với người trẻ, chuyện cơm áo gạo tiền chưa tạo ra áp lực đủ lớn, trách nhiệm phải lo cho người khác cũng chưa nhiều, nên đa phần sự nỗ lực không vì áp lực bên ngoài mà dựa vào ý chí của bản thân.

Nhưng ý chí bản thân có hạn, hơn nữa chúng ta cũng không phải thánh nhân hay bậc tu hành có ý chí sắt đá, đứng trước một thế giới đầy màu sắc của vật nhỏ phát sáng bên cạnh, đa phần sẽ gục ngã.

Tất nhiên, điện thoại thông minh hay các ứng dụng của nó như mạng xã hội, ghi chú và nhiều ứng dụng khác đối với một số người chính là công cụ hỗ trợ làm việc đắc lực. Thậm chí, nhiều người trên thế giới đã đổi đời nhờ tận dụng được chúng. Nhưng có lẽ còn rất lâu nữa để bạn, một người trẻ, thực sự điều khiển được chúng mà không bị làm mất tập trung.

Nếu đã tận dụng được chiếc điện thoại trong khi làm việc, trước hết chúc mừng bạn, nhưng tôi vẫn phải cảnh báo: Công việc mà bạn dùng chiếc điện thoại thông minh làm công cụ đó có đang thực sự tạo ra một sản phẩm chất lượng hay chỉ là một sản phẩm nửa vời?

Rất có thể việc dùng điện thoại làm công cụ làm việc chỉ là một lý do ngụy biện mà tâm trí đưa ra nhằm hợp lý hóa cho việc sử dụng điện thoại thông minh mỗi ngày của mình, hãy cẩn thận!

Thế giới ngày một phát triển sẽ đem lại cho chúng ta rất nhiều tiện ích mới trong cuộc sống, nhưng tất cả đều có hai mặt, tốt và xấu. Bạn có thể rất khó để sử dụng mặt tốt, nhưng lại dễ dàng sa vào mặt xấu ở mọi lúc, mọi nơi.

Kẻ thù số một đối với thành công của bạn có thể không phải thứ gì vĩ mô hay trừu tượng quá đâu, có thể nó chính là vật nhỏ phát sáng trong túi quần bạn mỗi ngày.

Sự đáng sợ của kẻ thù này là nó không khiến cuộc đời bạn tuột dốc không phanh, nó chỉ chiếm hết thời gian của bạn, làm bạn mất tập trung ngay trong lúc làm việc, khiến bạn không thể làm được bất kỳ điều gì ra hồn, không làm nên được bất kỳ thứ gì nổi bật giúp cuộc đời bứt phá, để rồi mãi sống một cuộc đời làng nhàng, ảm đạm.

Hà Duy Quang/ Skybooks & NXB Thế giới

Bình luận

SÁCH HAY