Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Kế hoạch đánh nhanh thắng nhanh của Nga bất thành

Kế hoạch giành chiến thắng nhanh chóng của Nga đang vấp phải nhiều khó khăn trước sự kháng cự mạnh mẽ từ quân đội và người dân Ukraine.

ke hoach cua Nga that bai anh 1

Chiến dịch của Nga bắt đầu vào sáng 24/2 với một cuộc không kích lớn nhằm vào sân bay Hostomel, phía tây bắc của Kyiv, được cho là sẽ giúp Moscow giành quyền kiểm soát thủ đô Ukraine một cách chớp nhoáng.

Thế nhưng, Nga đã gặp khó khăn trong việc đảm bảo chiến lược trước sự kháng cự quyết liệt từ các lực lượng đặc nhiệm của Kyiv, theo Financial Times.

Sự kháng cự của Ukraine và tính chất rủi ro cao trong chiến lược tấn công của Nga cho đến nay đã mang lại những kết quả trái chiều, các quan chức tình báo và nhà phân tích quốc phòng nhận định.

“Nếu Moscow có hy vọng đạt được mục tiêu nhanh chóng và dễ dàng thì họ đã quá lạc quan”, Michael Kofman, nhà nghiên cứu cấp cao tại CNA, tổ chức tư vấn có trụ sở tại Mỹ, cho biết.

Dù vậy, các quan chức phương Tây cho hay những thất vọng ban đầu này chỉ có khả năng trì hoãn, thay vì thay đổi mục tiêu cuối cùng của Nga là kiểm soát Kyiv và lật đổ chính quyền Tổng thống Volodymyr Zelensky.

ke hoach cua Nga that bai anh 2

Ba người lính Ukraine - Pinochet, Bonehead và Godzilla - bên chiến hào. Ảnh: Guardian.

Chậm bước tiến

Lực lượng Nga đã đẩy lùi các cuộc phản công của Ukraine và chiếm giữ sân bay Hostomel, ở vùng ngoại ô phía tây bắc của Kyiv, vào cuối ngày 25/2, nhưng đường băng đã bị hư hại nặng nề.

Trước đó, Moscow đã nhắm mục tiêu vào cơ sở này với ý định sử dụng nó để đưa vào số lượng lớn quân xung kích, nhằm kiểm soát thủ đô Ukraine một cách nhanh chóng.

Tuy nhiên, việc sân bay bị hư hại khiến Điện Kremlin phải chuyển hướng các cuộc triển khai trên không đến một sân bay cách đó 250 km ở Belarus, rồi di chuyển xuống phía nam bằng đường bộ.

Các quan chức phương Tây cho biết những trở ngại ban đầu trong việc chiếm giữ Hostomel đã đóng một vai trò quan trọng làm chậm bước tiến của các nhà lãnh đạo Nga.

Lầu Năm Góc hôm 26/2 cho biết quân đội Nga dường như "thất vọng" trước tiến độ chậm chạp, và động lực của họ đang bị sụt giảm lại bởi "sự kháng cự quyết liệt".

Một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ chia sẻ Nga đang phải đối mặt với sự kháng cự gay gắt nhất trên hai trục tấn công: Từ Belarus về phía Kyiv và cuộc tấn công vào thành phố phía đông Kharkiv, nơi ông nói vẫn còn "giao tranh ác liệt".

ke hoach cua Nga that bai anh 3

Lực lượng Nga cuối cùng đã có thể chống lại các cuộc phản công của Ukraine và chiếm giữ sân bay Hostomel. Đồ họa: Financial Times.

“Kế hoạch của Putin là giành chiến thắng trong thời gian ngắn, mang tính quyết định. Nhiều người đã nói rằng 'sẽ chỉ mất 5 phút hoặc 2 giờ là Ukraine sẽ sụp đổ', Pavel Felgenhauer, một chuyên gia quân sự Nga, cho biết. “Nhưng điều đó không xảy ra. Tuần tới sẽ thực sự mang tính quyết định”.

Chuyển kế hoạch

Giai đoạn đầu trong chiến dịch quân sự của Nga tập trung nhiều vào lính dù. Cuộc tấn công bắt đầu với việc Moscow phóng một loạt tên lửa hành trình vào các cơ sở quốc phòng quan trọng của Ukraine, bao gồm hơn 10 sân bay. Sau đó, lực lượng đặc nhiệm và lính dù đổ bộ vào các địa điểm quan trọng, chẳng hạn như Hostomel, nhằm tạo điều kiện cho việc triển khai thêm quân nhanh chóng.

Tuy nhiên, một số quan chức phương Tây cảnh báo rằng các chỉ huy quân sự của Nga có thể chuyển từ cách tiếp cận có mục tiêu này sang một cuộc tấn công rộng hơn trên thực địa, sau khi tăng cường quân số tham gia.

Quan chức Mỹ hôm 26/2 cho biết hơn một nửa trong số gần 150.000 binh sĩ chiến đấu mà Nga tập hợp ở biên giới Ukraine đã được triển khai, tăng mạnh so với 1/3 vào hôm 25/2.

“Điện Kremlin giờ đây sẽ thấy kế hoạch không diễn ra như họ đã vạch sẵn, và sẽ có đủ loại thách thức xung quanh công tác hậu cần hỗ trợ chiến đấu mà họ không mong đợi”, James Heappey, Bộ trưởng Lực lượng vũ trang Vương quốc Anh cho biết.

Ông Heappey nói với BBC rằng những trở ngại trong giai đoạn đầu làm tăng khả năng Nga sẽ sử dụng đến các cuộc pháo kích hạng nặng. “Chờ đợi phía trước Ukraine sẽ là những ngày rất ‘tàn bạo'”.

Vào chiều 26/2, Ukraine vẫn kiểm soát phần lớn thủ đô, bất chấp một số cuộc tấn công của Nga vào phía bắc và phía tây thành phố. Giao tranh ác liệt đã diễn ra suốt đêm, một số pháo kích đã bắn trúng cả vào các tòa nhà dân cư.

“Người Ukraine đã bảo vệ thành phố của họ”, một quan chức phương Tây cho biết. Nhưng ông cảnh báo rằng khả năng quân sự lớn hơn của Nga có nghĩa sự kháng cự của Ukraine không thể kéo dài vô thời hạn.

ke hoach cua Nga that bai anh 4

Binh sĩ Ukraine bên một xe quân sự bị phá hủy tại Kyiv, ngày 26/2. Ảnh: AP.

Ukraine tuyên bố họ đã phá hủy hơn 100 xe tăng và tiêu diệt 3.500 lính Nga. Các tuyên bố quân sự về tổn thất của cả hai bên không thể được xác minh một cách độc lập.

“Chúng tôi đã chống đỡ và đẩy lùi thành công các cuộc tấn công của kẻ thù”, Tổng thống Zelensky nói trong một bài phát biểu trên truyền hình. "Chúng tôi đã phá vỡ kế hoạch của họ".

Ông Felgenhauer cho biết chiến thắng quan trọng mà Điện Kremlin hy vọng - sự chào đón nồng nhiệt từ những người Ukraine coi Nga là anh em của họ - đã thất bại nặng nề.

“Họ tin rằng người Ukraine sẽ gặp những 'người giải phóng' Nga với hoa. Họ cho rằng quân đội Ukraine sẽ buông súng, ngừng bắn và mọi thứ kết thúc tốt đẹp”, ông nói.

“Nhưng đó là vấn đề chính. Người dân Ukraine thấy rằng họ có thể chống trả”, ông nhấn mạnh. "Cuộc chiến này có thể trở thành một vấn đề rất nghiêm trọng đối với Nga".

ke hoach cua Nga that bai anh 5

Những nơi quân Nga đang tiến vào và nơi diễn ra giao tranh. Đồ họa: Washington Post. Việt hóa: Bảo Châu.

Chiến thuật mới của Nga trong ngày giao tranh thứ tư Ngày giao tranh thứ tư ở Ukraine bắt đầu với đợt bắn tên lửa của Nga vào kho dầu ở Vasylkiv, phía tây nam Kyiv. Trong khi đó, đường ống dẫn khí đốt tại Kharkiv bốc cháy dữ dội.

Phương Tây 'lên nòng' vũ khí trừng phạt mạnh nhất với Nga

Mỹ, Anh và Liên minh châu Âu nhất trí dùng tới “vũ khí” trừng phạt mạnh nhất nhằm vào Moscow mà phương Tây đã đắn đo rất nhiều trước khi quyết định sau khi Nga tấn công Ukraine.

Đức phá lệ, gửi vũ khí chống tăng và tên lửa Stinger cho Ukraine

Thủ tướng Đức hôm 26/2 cho biết nước này sẽ gửi 1.000 vũ khí chống tăng và 500 tên lửa Stinger cho Ukraine.

Minh An

Bạn có thể quan tâm