Chiến binh IS phá những bức tượng cổ trong Bảo tàng Nineveh ở thành phố Mosul trong video mà chúng công bố trên mạng. Ảnh: AP |
Hồi tháng 3 năm ngoái, nhờ thông tin của người dân, cảnh sát đột kích 4 ngôi nhà ở Shumen, một thành phố phía đông Bulgaria, để tìm những hàng lậu mà bọn tội phạm đưa sang nước này trước khi tiếp cận các thị trường ở Tây Âu và Mỹ.
Họ phát hiện 19 bức tượng cổ và nhiều phiến đá cẩm thạch. Chúng đều có niên đại gần 5.000 năm. Hình dạng của chúng cho thấy chúng tới từ thành phố cổ Lagash, thuộc miền nam Iraq.
Theo New York Times, cuộc đột kích là một trong những thắng lợi hiếm hoi trong cuộc chiến chống buôn lậu đồ cổ. Hoạt động tội phạm này đã vươn tới mức độ mới từ khi tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) kiểm soát nhiều vùng đất ở Iraq và Syria, cướp và phá hủy nhiều cổ vật. Các quan chức và giới chuyên gia đều nhận định nhiều yếu tố đang cản trở cuộc chiến chống nạn buôn đồ cổ trái phép.
Buông lỏng luật pháp
Luật pháp trên khắp thế giới vừa yếu vừa mâu thuẫn, còn các lực lượng hải quan chỉ có thể phát hiện một phần nhỏ số lượng cổ vật di chuyển qua biên giới quốc tế, theo các quan chức và chuyên gia chống buôn lậu. Những tổ chức buôn lậu lâu đời rất lọc lõi trong việc tìm những mặt hàng dành cho người có nhiều tiền, và chúng có đủ sự kiên nhẫn để giấu cổ vật trong kho tới khi hoạt động trấn áp của chính quyền giảm.
Bất chấp làn sóng căm phẫn dành cho IS, rất ít quốc gia quan tâm tới việc ban hành các đạo luật để ngăn sự bùng nổ của hoạt động buôn đồ cổ, một công việc mang về hàng tỷ USD mỗi năm cho bọn tội phạm.
“Đó là một hệ thống luật pháp rạn nứt để IS hay bất kỳ tổ chức nào khác có thể lợi dụng”, Donna Yates, một nhà khảo cổ của Trung tâm Nghiên cứu Tội phạm thuộc Đại học Glasgow, Scotland, phát biểu.
Giới chức vẫn chưa biết cách thức bọn tội phạm đưa cổ vật tới Shumen, cũng như việc chúng từng di chuyển qua những lãnh thổ mà IS kiểm soát hay chưa. Họ tin rằng bọn buôn lậu sẽ đưa chúng tới Vienna, Munich, London, New York để bán cho những người có nhu cầu. Nhiều thương nhân lợi dụng hoạt động giao dịch cổ vật hợp pháp để đưa những món hàng từng bị lấy cắp trong xung đột tại Iraq và Syria, cũng như Libya, Yemen và Ai Cập.
Dù IS chỉ mới gia nhập phong trào cướp cổ vật, phiến quân đã thực hiện việc đó trên quy mô lớn trong những vùng mà chúng chiếm nhằm tăng ngân sách cho “thể chế Hồi giáo” mà chúng thành lập vào năm 2013. Giới phân tích dự đoán đồ cổ mà IS cướp sẽ tràn ngập châu Âu và Bắc Mỹ trong những năm tới.
Những ảnh vệ tinh cho thấy vài nghìn địa điểm khai quật cổ vật trái phép đang tồn tại ở Syria và Iraq. Mặc dù vậy, các lực lượng chức năng vẫn không thể theo dõi những cổ vật mà IS lấy từ những địa điểm kể trên.
“Chúng ta đang đối mặt với hoạt động phá hủy di sản văn hóa từ Chiến tranh Thế giới II và chúng ta phải hành động để ngăn chặn tình trạng đó”, France Desmarais, giám đốc phụ trách các chương trình và hợp tác của Hội đồng Quốc tế Các bảo tàng, bình luận.
Một bảo tàng ở thành phố Sofia, thủ đô của Bulgaria. Ảnh: New York Times |
Những nỗ lực
Quy mô cướp cổ vật của IS khiến nhiều nước tìm giải pháp để ngăn chặn hoạt động vận chuyển cổ vật của phiến quân, cũng như lợi nhuận mà chúng hưởng. Tất nhiên, cổ vật không phải là nguồn thu lớn nhất của IS. Dầu mỏ mới là nguồn thu lớn nhất của chúng.
Chẳng hạn, mới tháng trước, Bộ trưởng Tài chính từ 15 quốc gia thuộc Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cam kết thực hiện các biện pháp để ngăn chặn IS bán dầu và cổ vật. Hồi tháng 9, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố họ sẽ thưởng 5 triệu USD cho mọi thông tin có thể dẫn tới việc ngăn chặn hoạt động bán cổ vật và dầu của phiến quân.
Tháng 12 năm ngoái, Hội đồng Quốc tế Các bảo tàng đã ban hành một “danh sách đỏ” những món cổ vật và tác phẩm nghệ thuật mà phiến quân có thể cướp tại Libya. Họ cũng từng công bố danh sách tương tự dành cho Syria vào năm 2013, trong khi danh sách dành cho Iraq ra đời vào năm 2003 và được cập nhật vào năm ngoái.
Mặc dù vậy, những nỗ lực như thế không thể trám vào lỗ hổng trong luật pháp đối với nạn buôn cổ vật, hay triệt tiêu nhu cầu vô độ trên thị trường đồ cổ. Tại Đức và một số nước khác, luật riêng tư cá nhân bảo vệ người mua và người bán cổ vật khỏi sự giám sát của nhà chức trách. Luật Mỹ không cấm hành vi bán cổ vật từ Syria.
Một số nhà sưu tầm từ những nước vùng Vịnh Persian sẵn sàng mua cổ vật từ chợ đen. Nhưng giới chuyên gia tin rằng nhiều nhà sưu tầm từ phương Tây cũng sẵn sàng làm vậy.
“Dường như sự quan tâm của giới sưu tầm đồ cổ phân chia theo địa lý. Những món đồ từ thời kỳ tiền Hồi giáo tới châu Âu và Bắc Mỹ, trong khi các tác phẩm nghệ thuật của người Hồi giáo được ưa chuộng tại các nước vùng Vịnh”, Markus Hilgert, giám đốc Bảo tàng Cổ vật Cận Đông ở Berlin, bình luận.
Một báo cáo gần đây của Quỹ Bảo vệ Các nền dân chủ - đặt trụ sở tại thành phố Washington, Mỹ - cho thấy phần lớn người mua cổ vật là những người nghiên cứu lịch sử và nghệ thuật tại Mỹ và châu Âu. Oái oăm thay, họ đại diện cho những xã hội phương Tây muốn tiêu diệt IS.