Theo AP, những kẻ bịt mặt đã xả súng vào đám đông người biểu tình ở Karbala, thành phố linh thiêng của người Hồi giáo dòng Shia ở miền Trung Iraq, khiến ít nhất 18 người chết và hàng trăm người bị thương.
Các quan chức an ninh cho biết đây là cuộc tấn công lớn nhất vào đám đông kể từ khi các cuộc biểu tình chống chính phủ nổ ra hồi đầu tháng này.
Vụ tấn công xảy ra vào ban đêm, khi những người Iraq xuống đường trong ngày thứ 5 liên tiếp nhằm phản đối tình trạng tham nhũng, thiếu thốn dịch vụ cơ bản và nhiều bất bình khác, đặc biệt là tình trạng thất nghiệp trong giới trẻ.
Karbala là một địa điểm hành hương quan trọng với người Hồi giáo dòng Shia, đánh dấu nơi một nhân vật đáng kính của dòng Shia bị giết trong trận chiến từ thế kỷ thứ 7. Vụ việc được cho là sẽ đánh dấu một bước ngoặt trong các cuộc biểu tình vốn đã khiến 240 người thiệt mạng kể từ đầu tháng này.
Xe cấp cứu đưa nạn nhân khỏi hiện trường vụ tấn công. Ảnh: Getty. |
Hiện chưa rõ ai là người đứng sau vụ tấn công. Người biểu tình nói rằng họ không biết liệu những kẻ nổ súng là cảnh sát chống bạo động, lực lượng đặc biệt hay thành viên nhóm vũ trang thân Iran. Người biểu tình cũng cho biết binh sĩ Iraq đã đóng quân quanh khu vực biểu tình nhưng họ rút đi sau khi nhóm nổ súng bắn hơi cay.
Trong bối cảnh các cuộc biểu tình bị lực lượng an ninh đàn áp, rất khó để xác định điều gì đứng sau vụ tấn công.
Karbala, cùng với Baghdad và nhiều thành phố trên khắp miền nam Iraq, đang phải đối mặt với một làn sóng phản đối chính phủ lan rộng. Bạo lực nổ ra khi lực lượng an ninh thường nổ súng trong khi người biểu tình đập phá các tòa nhà chính phủ và trụ sở của các nhóm vũ trang thân Iran.
Làn sóng biểu tình thường nổ ra ở các khu vực có đa số dân theo dòng Shia, nhắm vào chính quyền do người Shia thống trị và dân quân Shia - nhiều người trong số này được nhận sự hỗ trợ từ Tehran.
Người biểu tình tỏ ra tức giận trước tình trạng tham nhũng tràn lan, kinh tế đình trệ và các dịch vụ công cộng không hoạt động. Mặc dù có khối lượng dầu mỏ khổng lồ, tỷ lệ thất nghiệp trong xã hội Iraq vẫn ở mức cao, đặc biệt là người trẻ.
Trong khi đó, cơ sở hạ tầng yếu kém, điện và nước thường xuyên bị cắt, khiến người dân phải phụ thuộc vào máy chạy điện bằng dầu. Các cuộc biểu tình vẫn đang tăng lên về quy mô, kêu gọi những thay đổi sâu rộng, không chỉ là sự từ chức của chính phủ.