Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Kabul sau ngày Mỹ rút quân

Taliban đã hoàn toàn kiểm soát sân bay quốc tế của Kabul vào ngày 31/8, sau khi chiếc máy bay cuối cùng của Mỹ rời đường băng, đánh dấu sự kết thúc cuộc chiến dài nhất của nước Mỹ.

Các phương tiện chở lính Taliban chạy qua chạy lại dọc đường băng duy nhất ở phía bắc của Sân bay Quốc tế Hamid Karzai. Trước khi bình minh ló dạng, các chiến binh Taliban được trang bị vũ khí hạng nặng đã đi qua các nhà chứa máy bay, trong đó có vài trong số bảy máy bay trực thăng CH-46 mà Bộ Ngoại giao Mỹ dùng để sơ tán, trước khi khiến chúng không còn sử dụng được.

Các thủ lĩnh Taliban sau đó đi qua đường băng, tạo dáng cho chiến thắng của họ trong khi những chiến binh Badri tinh nhuệ của quân nổi dậy vây quanh. Họ chụp ảnh trước ống kính các nhà báo.

Chiến thắng của Taliban

"Afghanistan cuối cùng đã được tự do", Hekmatullah Wasiq, một quan chức hàng đầu của Taliban, chia sẻ với tờ AP. "Phía quân sự và dân sự đều thuộc về chúng tôi và nằm trong tầm kiểm soát. Chúng tôi dự định công bố bộ máy lãnh đạo của mình. Hy vọng rằng tất cả đều bình yên và an toàn".

My rut quan khoi Afghanistan anh 1

Các chiến binh Taliban đứng gác bên trong Sân bay Quốc tế Hamid Karzai sau khi Mỹ rút quân ở Kabul, Afghanistan ngày 31/8. Ảnh: AP.

Wasiq cũng kêu gọi mọi người quay lại làm việc và nhắc lại cam kết ân xá của Taliban. "Mọi người phải kiên nhẫn", ông nói. "Chúng tôi sẽ từ từ đưa mọi thứ trở lại bình thường. Việc đó cần thời gian".

Phát ngôn viên của Taliban Zabihullah Mujahid phát biểu trước các thành viên Badri: "Tôi hy vọng các bạn thận trọng khi ứng phó với những vấn đề quốc gia. Quốc gia chúng ta đã phải hứng chịu chiến tranh và xâm lược. Người dân không thể chịu đựng nhiều hơn thế".

Trong một buổi phỏng vấn với kênh truyền hình nhà nước Afghanistan, Mujahid cũng thảo luận về việc khởi động lại những hoạt động tại sân bay. Đây vẫn là một lối thoát quan trọng cho những người muốn rời khỏi đất nước.

Ông nói: “Đội kỹ thuật của chúng tôi sẽ kiểm tra các yêu cầu kỹ thuật và hậu cần của sân bay. Nếu chúng tôi có thể tự mình sửa chữa mọi thứ, chúng tôi sẽ không cần bất kỳ trợ giúp nào. Nếu cần trợ giúp về kỹ thuật hoặc hậu cần để sửa chữa thiệt hại, chúng tôi có thể nhờ Qatar hoặc Thổ Nhĩ Kỳ giúp đỡ”.

Ông không nói chi tiết về những thứ đã bị phá hủy. Tướng Thủy quân lục chiến Frank McKenzie, người đứng đầu Bộ Chỉ huy Trung tâm của quân đội Mỹ, trước đó cho biết quân đội đã "phi quân sự hóa" hệ thống để nó không bao giờ có thể sử dụng nữa.

Các quan chức cho biết quân đội đã không cho nổ tung thiết bị để đảm bảo sân bay có thể hoạt động được trong tương lai, sau khi chúng bắt đầu lại. Ngoài ra, ông McKenzie cho biết Mỹ đã vô hiệu hóa 27 chiếc Humvee và 73 chiếc máy bay để chúng không thể được sử dụng lại.

Ăn mừng sau chiến thắng

Các chiến binh Taliban treo cờ trắng biểu tượng của họ trên hàng rào tại sân bay trong khi những người khác canh gác phía dân sự của sân bay. Bên trong nhà ga, hàng chục vali và hành lý bị bỏ lại trên sàn trong lúc hỗn loạn. Quần áo và giày dép cũng nằm rải rác. Một tấm áp phích của Ahmad Shah Massoud, chiến binh nổi tiếng chống Taliban, đã bị phá hủy.

My rut quan khoi Afghanistan anh 2

Các quan chức Taliban được các nhà báo phỏng vấn bên trong Sân bay Quốc tế Hamid Karzai sau khi Mỹ rút quân ở Kabul, Afghanistan ngày 31/8. Ảnh: AP.

Sân bay đã chứng kiến cảnh tượng hỗn loạn và chết chóc kể từ khi Taliban tấn công khắp Afghanistan và chiếm Kabul ngày 15/8. Hàng nghìn người Afghanistan đổ xô đến sân bay, một số thậm chí rơi xuống đất thiệt mạng sau khi liều mình bám vào thân máy bay quân sự chở hàng C-17 của Mỹ. Một vụ đánh bom của Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS ngày 26/8 đã giết chết ít nhất 169 người Afghanistan và 13 quân nhân Mỹ.

Tuy nhiên, ngày 31/8, chiến thắng hoàn toàn cho Taliban đã đến. "Sau 20 năm, chúng tôi đã đánh bại người Mỹ", Mohammad Islam, một lính canh của Taliban tại sân bay từ tỉnh Logar, cầm trên tay khẩu súng trường Kalashinikov, nói. "Họ đã rời đi và giờ đây đất nước của chúng tôi được tự do. Chúng tôi muốn Shariah (luật Hồi giáo), hòa bình và ổn định".

Mohammad Naeem, phát ngôn viên của văn phòng chính phủ của Taliban ở Qatar, cũng ca ngợi việc tiếp quản trong một video trực tuyến vào đầu ngày 31/8.

“Tạ ơn Chúa, tất cả những người xâm phạm đã rời bỏ đất nước của chúng ta hoàn toàn”, ông nói, chúc mừng các chiến binh bằng cách gọi họ là mujahedeen, hoặc chiến binh thánh chiến. “Chiến thắng này là do Chúa ban cho chúng tôi. Đó là do 20 năm hy sinh của mujahedeen và các nhà lãnh đạo. Nhiều mujahedeen đã hy sinh mạng sống của họ”.

Zalmay Khalilzad, người quan sát các cuộc đàm phán của Mỹ với Taliban, đã viết trên Twitter rằng "Người Afghanistan phải đối mặt với thời điểm quyết định và cơ hội" sau khi Mỹ rút quân.

“Tương lai của đất nước họ nằm trong tay họ. Họ sẽ chọn con đường của họ trong chủ quyền hoàn toàn", ông viết. "Đây cũng là cơ hội để kết thúc cuộc chiến của họ".

Khó khăn sắp tới

Tuy nhiên, Taliban phải đối mặt với những thứ có thể là một loạt khủng hoảng lớn khi họ hoàn toàn nắm chính quyền. Số lớn của hàng tỷ USD Afghanistan dự trữ ngoại hối hiện bị đóng băng ở Mỹ, gây áp lực lên đồng tiền của Afghanistan đang mất giá. Các ngân hàng đã thực hiện các biện pháp kiểm soát rút tiền, vì lo ngại việc tiền gửi của họ sẽ bị cạn kiệt trong tình trạng không chắc chắn. Công chức trên khắp đất nước cho biết họ đã không nhận được lương trong nhiều tháng.

My rut quan khoi Afghanistan anh 3

Các phương tiện lật nhào được nhìn thấy bên trong Sân bay Quốc tế Hamid Karzai sau khi Mỹ rút quân ở Kabul, Afghanistan ngày 31/8. Ảnh: AP.

Trang thiết bị y tế vẫn còn thiếu, trong khi hàng nghìn người chạy trốn khỏi sự tiến công của Taliban đang sống trong điều kiện tồi tàn. Một trận hạn hán lớn cũng đã cắt giảm nguồn cung cấp lương thực của đất nước, khiến việc nhập khẩu của nước này càng trở nên quan trọng hơn và làm tăng nguy cơ người dân bị đói.

Theo Nhà Trắng, trong cuộc sơ tán, Mỹ đã giúp sơ tán hơn 120.000 công dân Mỹ, người nước ngoài và người Afghanistan, biến đây trở thành cuộc không vận lớn nhất trong lịch sử quân đội Mỹ. Lực lượng liên quân cũng sơ tán công dân của họ và người Afghanistan. Song, các quốc gia khác và Mỹ đều thừa nhận rằng họ không thể di tản tất cả những người muốn đi.

Tại cổng phía đông của sân bay, một số ít người Afghanistan vẫn cố gắng thử vận may với hy vọng lên được một chuyến bay nào đó. Tuy nhiên, hiện tại, các hãng hàng không thương mại không cất cánh trong sân bay và chưa rõ ai sẽ tiếp quản không phận của đất nước. Trên đường rút quân, quân đội Mỹ đã cảnh báo các phi công rằng sân bay "không được kiểm soát" và "không có hệ thống kiểm soát không lưu hoặc dịch vụ sân bay".

Cuộc chiến dài nhất của nước Mỹ đã kết thúc

Chiếc máy bay quân sự cuối cùng của Mỹ đã rời Kabul đêm 30/8, chấm dứt cuộc chiến 20 năm nhưng không đánh bại được Taliban và bỏ lại hàng chục nghìn người Afghanistan.

Người tị nạn Afghanistan chân trần đến Anh

Các nhà lãnh đạo của Hội Chữ thập Đỏ mô tả cảnh tượng tại sân bay "rất hỗn loạn", nhưng cũng ca ngợi phẩm giá phi thường của người dân Afghanistan.

Thế khó của Taliban

Sau khi người lính Mỹ cuối cùng rời khỏi Kabul, Afghanistan sẽ hoàn toàn chịu kiểm soát của Taliban. Điều này đặt ra nhiều thách thức mà Taliban phải nhanh chóng khắc phục.

Canh bao cua bao 'kep' hinh anh

Cảnh báo của bão 'kép'

0

Chuyên gia nhận định trong tương lai, hiện tượng bão kép - 2 cơn bão đổ bộ vào cùng một khu vực trong thời gian ngắn - sẽ diễn ra ngày càng thường xuyên vì biến đổi khí hậu.

Việt Linh Nguyễn

Bạn có thể quan tâm