Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Jose Mourinho nên nhìn Pep Guardiola để học tập

Chelsea nhàm chán được dẫn dắt bởi Mourinho cũ kỹ về chiến thuật. Họ sẽ khó hồi sinh nếu còn tiếp tục chơi bóng như bây giờ.

Dị biệt giữa Jose Mourinho và Carlo Ancelotti là ví dụ điển hình của sự đối lập. Đối lập nổi bật nhất là chiến lược xây dựng đội bóng.

Ancelotti là mẫu HLV luôn nhìn vào đội ngũ có sẵn rồi mới nhào nặn chiến thuật và định hình sơ đồ. Mua thêm cũng được, không mua cũng chẳng sao. Nói cách khác, ông là vua xoay sở.

Pirlo không đá được tiền vệ công thì ông cho đá tiền vệ kiến thiết lùi sâu (regista). Di Maria đá cánh dở, Ancelotti kéo vào đá tiền vệ trung tâm. Chủ tịch Perez thích James Rodriguez, Kroos với Isco? Cứ mua về hết sẽ có cách dùng.

Người Italy thích nghệ thuật phòng ngự? Ancelotti cho AC Milan đá "cây thông" 4-3-2-1. Chán 1 tiền đạo rồi muốn đá 2 tiền đạo? Thế thì lại "kim cương" 4-1-2-1-2. Real thích tấn công? Chuyển hẳn sang 4-3-3 luôn. Nhiều tiền vệ công dùng không hết? Ancelotti cho ra cánh, đẩy Ronaldo lên đá tiền đạo, mình cùng chơi 4-4-2.

Mourinho và Ancelotti - hai nhà cầm quân đại tài với chiếc lược khác biệt nhau. Ảnh: Getty.

Mourinho khác biệt. Ông luôn định hình sẵn sơ đồ và lối chơi rồi mới mua người đắp vào khung xương ấy. Về Chelsea lần hai, ông xác định đội sẽ chơi 4-2-3-1, lập tức đẩy đi Mata và trọng dụng Oscar, đồng thời đòi đưa về Willian, Matic hay Fabregas là mẫu cầu thủ mà đội nào cũng cần.

Về đặc điểm định hình lối chơi từ trước, Mourinho giống hệt Pep Guardiola. Chỉ có điều Pep là “vua xoay sở”. Ông dùng 9 sơ đồ trong một năm qua, trong đó có sơ đồ cực dị như 3-1-2-1-3. Mourinho chỉ đóng đinh ở 4-2-3-1. Không còn gì khác. Mourinho chỉ thực sự đáng sợ khi được chủ động hoàn toàn mọi thứ. Còn khi bị đặt vào thế bị động, mọi thứ rất dễ chệch khỏi đường ray.

Để cứu rỗi Chelsea, Mourinho cần học tập sự linh hoạt của chính cựu kỳ phùng địch thủ.

Một học trò cũ của Mourinho từng chia sẻ với Goal: “Trong các buổi họp đội ở Real Madrid, Mourinho rất ít khi nói về chiến thuật. Dù nắm trong tay nhiều siêu sao, lối chơi của Real Madrid chưa thực sự linh hoạt.”

Xoay quanh sự sa sút khó hiểu của Chelsea, hàng tá những  lý thuyết được đặt ra. Mourinho gặp khó khăn từ hội chứng mùa thứ ba? Phòng thay đồ rạn nứt? Cô bác sĩ lắm lời? Rất nhiều thuyết âm mưu. Nhưng là thiếu sót nếu không kể đến hoài nghi về sự cũ kỹ chiến thuật của người thuyền trưởng.

Trong ba năm dẫn dắt Real Madrid và hai năm rưỡi nắm Chelsea, Mourinho biến thành “con nghiện” sơ đồ 4-2-3-1. Đây là sơ đồ được tin dùng phổ biến nhất của bóng đá đương đại.

Nhưng có một điểm rất đáng ngạc nhiên: Barcelona, Bayern Munich, Real Madrid, Atletico Madrid, Juventus và PSG - các đội bóng hàng đầu châu Âu, kiên quyết ngoảnh mặt với 4-2-3-1.

Vì nó quá phổ biến, vì người người nhà nhà đều biết rõ điểm mạnh và điểm yếu của nó để bắt bài nên các đội mạnh cần sự khác biệt.

Ngay sau khi tiếp quản Real Madrid từ tay Mourinho, HLV Ancelotti lập tức đập bỏ sơ đồ 4-2-3-1. HLV Benitez thậm chí không thèm ngó ngàng đến.

4-2-3-1 được sử dụng quá phổ biến ở nước Anh. Chelsea khó mà tạo được sự khác biệt, khó ra khỏi cơn khủng hoảng nếu không chịu thay đổi. Thậm chí, 4-2-3-1 nhàm chán có thể là nguyên nhân thất bại của bóng đá Anh trong vài năm qua ở Champions League. Bốn đại diện của Ngoại hạng Anh năm nay, Arsenal, Man City, Chelsea và MU đều dùng 4-2-3-1!

Chelsea của Mourinho về cơ bản là một tập thể cực kỳ cứng nhắc. Hai cầu thủ tự do nhất là Hazard và Willian được chạy khắp sân, chuyển cánh khi tấn công, nhưng Willian vẫn canh cánh nỗi lo phòng ngự. Các vị trí còn lại của Chelsea đều bất di bất dịch. Mourinho bị ám ảnh bởi việc gia cố sự chắc chắn cho khung thành nên ông đóng đinh đội ngũ phải có 4 hậu vệ và 2 tiền vệ phòng ngự.

Các đội bóng hàng đầu cần linh hoạt và rộng mở hơn thế. Công nghệ phân tích giăng khắp sân, trên đầu và dưới chân các cầu thủ, trong từng mét vuông sân cỏ. Đối thủ dễ dàng phát hiện ra điểm yếu và loại trừ điểm mạnh của đội bạn nhờ công nghệ phân tích.

Mà nói về áp dụng hiệu quả công nghệ phân tích, Bayern của Pep Guardiola mà nhận số hai thì không ai dám đứng ra ưỡn ngực nhận số một.

Pep Guardiola đang đi trên con đường trở thành “triết gia bóng đá” giống như một trong những người thầy của ông – “triết gia” Marcelo Bielsa. Cuối tuần trước, lần đầu tiên sau… 100 trận đấu, Pep Guardiola đưa ra sân đội hình xuất phát giống trận trước. Nhìn sang Chelsea, mùa trước họ có 10 cầu thủ cùng ra sân…26 trận, trong đó có 3 người ra sân đủ cả 38 trận.

Cố gắng giải mã cách dùng người của Pep Guardiola hiện là điều bất khả thi. Với Pep, không có công thức cố định, chỉ có sự linh hoạt dựa trên đối thủ và vị trí của trái bóng, đây là hai yếu tố hàng đầu để Pep xây dựng lối chơi. Sau đó, Bayern cố gắng thiết lập những “đường ray chuyền bóng” để cung cấp nhiều sự lựa chọn phương án tấn công. Kết quả là Bayern có thể chuyển sang sơ đồ 2-3-5 khi 10 giây trước còn đang thi đấu với sơ đồ 3-4-3 hoặc 4-3-3.

Đây là thành quả của quá trình “kẻ vẽ” sân tập Saebener Strasse của Bayern thành nhiều phần. 

Diego Costa - vấn đề lớn nhất của Mourinho và Chelsea

Tiền đạo người Tây Ban Nha vừa khuấy động bầu không khí vốn không yên ả tại Stamford Bridge bằng hành vi ném áo tập về phía huấn luyện viên Jose Mourinho.

Khu vực trọng tâm trong lối chơi của Bayern nằm ở khu vực màu đỏ. Đây là sân tập của Bayern Munich. Ảnh: Spiegel

“Chúng tôi có thể chơi 3 hoặc 4 hậu vệ đều được, chúng tôi có thể chơi với 1 hay 2 hộ công cũng ổn. Nói chung tùy thuộc đối thủ là ai. Tôi không biết và không thể đếm nổi Bayern hiện tại có bao nhiêu sơ đồ.”, đó là phát biểu của Phillip Lahm – cầu thủ thông minh nhất theo lời Pep.

Anh là người đội trưởng và hạt nhân trong chiến thuật của Pep. Năm ngoái khi Bayern gặp Barca, sau 20 phút đầu chơi 3 hậu vệ không chọi nổi với Messi-Suarez-Neymar, Pep gọi Lahm, giơ 4 ngón tay và thế là họ chuyển sang sơ đồ 4 hậu vệ.

Pep Guardiola là con chiên ngoan đạo của tôn giáo bóng đá tổng lực. Trên sân tập, Pep nhắc đi nhắc lại một câu: “Đừng để đối phương có thời gian suy nghĩ”. Ông yêu cầu học trò bao phủ mọi không gian trên sân.

So sánh giữa hàng hậu vệ cơ động của Bayern gồm Boateng, Lahm và Alaba sẵn sàng dâng lên đá như tiền vệ, với hàng hậu vệ bó chặt của Chelsea, rất hiếm khi dâng lên vạch giữa sân trừ khi…tham gia phạt góc, quả là một trời một vực.

Rồi tiếp theo, nhìn vào anh chàng Diego Costa của mùa giải này. Di chuyển không bóng cực kém, di chuyển ngang sang hai biên hầu như rất ít, Diego Costa trở nên quá dễ để bắt bài. Hệ quả là anh chàng phải dùng đủ mọi tiểu xảo để thoát khỏi đối thủ. Trước đây Mourinho từng có trong tay một tiền đạo chơi độc lập siêu phàm là Drogba. Nhưng mẫu tiền đạo sử dụng sức mạnh như Voi rừng đã lỗi thời.

Mourinho tái sinh Chelsea từ nơi bắt đầu

"Vòng tròn cuộc sống đưa Jose Mourinho trở lại nơi ông bắt đầu. Nổi lên từ Porto, và cũng sống lại nhờ đội bóng Bồ Đào Nha", cây bút Paul Hayward bình luận trên Telegraph.

Trò cưng Diego Costa của Mourinho giờ chỉ còn giỏi khiêu khích đối thủ, thậm chí còn chê Shawcross là...hôi nách. Ảnh: Getty.

Các đội bóng hàng đầu thế giới đều linh hoạt. Barca có bộ ba M-S-N và hàng loạt “họng súng trong tay áo” sẵn sàng xé lưới đối thủ. Man City có bộ tứ tấn công Aguero – Silva – Kevin de Bruyne – Sterling chơi rất bốc lửa.

Juventus của mùa giải trước có thể chuyển từ 4-3-1-2 sang 3-5-2, 4-4-2, 4-2-3-1 hoặc 4-3-3. Evra gọi điều này là “thay đổi thực đơn”, rất quan trọng. Cựu HLV của Chelsea, ông Gianluca Vialli cho rằng Juve đang phát triển một hệ thống chiến thuật có thể được nhiều ông lớn của bóng đá châu Âu sử dụng.

Chelsea cực kỳ thiếu linh hoạt. 13 trong số 28 bàn của họ đến từ chấm đá phạt, không ít bàn đến từ sai lầm của đối phương. Rất ít bàn đến từ sự phối hợp ăn ý của tập thể.

Mourinho cần thay đổi. Ông không thể giậm chân tại chỗ mãi như thế. “Pep Guardiola vẫn đang đổi mới chiến thuật từng ngày”, HLV Sampaoli của ĐT Chile – một chuyên gia chiến thuật, nói vậy.

Huyền thoại Sir Alex Ferguson gặt hái nhiều thành công vang dội cũng nhờ đổi mới. Ông đoạt cúp Champions League đầu tiên bằng sơ đồ 4-4-2 truyền thống. Nhận thấy nó quá cũ kỹ, ông chuyển sang 4-4-1-1. Ông giành cúp tai voi lần 2 bằng sơ đồ 4-3-3, rồi lại trở về 4-4-2 để đoạt chiếc cúp Ngoại hạng Anh lần thứ 13.

4-2-3-1 của Mourinho đơn giản là quá cũ kỹ. Năm năm gần đây ông giành 5 chiếc cúp nhưng đã trải qua 2 mùa giải trắng tay. Nếu so sánh với bảy năm rưỡi trước đó khi Mourinho giành tổng cộng 17 danh hiệu, gồm 6 chiếc cúp vô địch quốc gia, 2 Champions League và cả UEFA Cup, tất cả chúng ta đều đồng tình với sự sa sút và cảm giác Mou bị "bắt bài".

Ở tuổi 52, Mourinho đang trên đường trở thành một trong những HLV hàng đầu của lịch sử bóng đá. Nhưng quá khứ hào hùng không thể che lấp thực tại khó khăn. Mourinho cần thay đổi để cứu Chelsea, cứu chiếc ghế và giành thêm danh hiệu trong những năm tới. Ông đã quá cũ kỹ.

Anh Dũng

Bạn có thể quan tâm