John S Chen, 58 tuổi, xuất thân từ một gia đình nghèo ở Trung Quốc và được sinh ra tại Hong Kong. Năm 1973, ông theo cha mẹ sang định cư tại Mỹ. Trong 5 năm vừa học vừa thích nghi với môi trường mới, ông đã tốt nghiệp đại học Brown University danh tiếng và trở thành thạc sĩ tại Học viện công nghệ California vào năm 1979.
Chen khởi nghiệp với vai trò là kỹ sư thiết kế của Unisys, một công ty công nghệ đa quốc gia. Với tài năng của mình, Chen dần được tín nhiệm và leo lên hàng ngũ lãnh đạo của công ty với chức vụ Phó chủ tịch hội đồng quản trị. Năm 1991, Chen chuyển qua làm phó chủ tịch điều hành của Pyramid Technology. Đến năm 1995, ông gia nhập công ty Siemens Nixdorf với cương vị tương tự.
Chen được biết đến như một người "mát tay" chuyên vực dậy các công ty công nghệ. |
Tuy nhiên, cái tên John S Chen chỉ thực sự được biết đến rộng rãi khi ông gia nhập Sybase vào năm 1997. Trong vòng 13 năm làm việc tại đây, ông đã biến một công ty đang thua lỗ triền miên và giá trị chỉ 362 triệu USD trở thành một thương hiệu số một trong lĩnh vực cung cấp phần mềm cho doanh nghiệp để rồi được SAP mua lại với giá 5,8 tỷ USD vào năm 2010.
Với những thành công trong quá khứ, Chen được đánh giá là một người có kinh nghiệm "vượt kra ngoài mảng kinh doanh" và là con người sinh ra để hoạch định các chiến lược giải cứu.
Rõ ràng với thành tích vực dậy các công ty đang khủng hoảng và kinh nghiệm trong mảng cung cấp phần mềm cho doanh nghiệp, John S Chen chính là "vị cứu tinh" phù hợp cho BlackBerry thời điểm hiện tại.
John S Chen sẽ thay đổi BlackBerry như thế nào?
Cuộc "giải cứu" của Chen không thể diễn ra trong ngày một ngày hai. Ông cho biết vẫn chưa quyết định số phận mảng thiết bị cầm tay của BlackBerry mặc dù đây chính là bộ phận khiến công ty thua lỗ.
Giới quan sát cho rằng có thể Chen sẽ bắt đầu bằng việc khôi phục lại sự tự tin của các nhân viên và lãnh đạo BlackBerry, như cái cách ông từng làm với Sybase, sau đó hướng BlackBerry tập trung vào những lĩnh vực mà công ty này có thể làm tốt. Giống với Sybase, BlackBerry có thể sẽ phải trải qua thêm một cuộc tái cấu trúc để tinh gọn hơn và phản ứng linh hoạt hơn với những biến động của ngành công nghiệp di động.
"Tôi đang làm điều này trong dài hạn. Tôi sẽ xây dựng lại công ty này", "Tôi có đủ các yếu tố cần thiết để xây dựng nên một doanh nghiệp phát triển bền vững", "tôi đã thực hiện một điều tương tự trước đây và tôi cũng đã chứng kiến cùng một hoàn cảnh vào trước đây", Chen cho biết trong một bài phỏng vấn với Reuters.
BlackBerry đã sở hữu một thuyền trưởng "lâm thời" có kinh nghiệm vượt bão. Hãng cũng vừa nhận thêm một tỷ USD tiền đầu tư từ Fairfax khi bất thành trong việc rao bán chính mình. Liệu kinh nghiệm và ý chí của Chen sẽ giúp được BlackBerry qua cơn sóng dữ? Câu trả lời thuộc về thời gian.