Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

John Kerry và hành trình của Đại học Fulbright

Giữa năm 1990, TNS trẻ John Kerry đi cùng với hai cô con gái đang học phổ thông tới thăm VN. Ý tưởng về hợp tác giáo dục để thúc đẩy quan hệ đến với ông từ chuyến thăm đó.

Tháng 12-2013, khi lần đầu tới VN trên cương vị ngoại trưởng Mỹ, một sự kiện quan trọng ngoại trưởng John Kerry thực hiện là gặp gỡ với những thành viên của chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright (FETP).

Tại cuộc gặp ở American Center, ngoại trưởng Mỹ ân cần hỏi từng thành viên của chương trình và các cựu học viên cũ. Với ông, FETP, chương trình Fulbright, hay Đại học Fulbright (FUV - mới được cấp giấy phép hôm 16-5) luôn mang một ý nghĩa đặc biệt.

John Kerry va dai hoc Fulbright anh 1
TNS trẻ John Kerry trong những năm 1990. (Ảnh: Boston Globe)

Trong thời kỳ khó khăn nhất của quan hệ Việt-Mỹ khi còn cấm vận, FETP và chương trình Fulbright là dấu nối quan trọng để xây từng viên gạch hợp tác giữa hai cựu thù.

Chuyến thăm mùa hè 1990

Người đứng đằng sau với đóng góp quan trọng cho cả hai dự án này chính là ngoại trưởng John Kerry từ thời ông còn là Thượng nghị sĩ trẻ bang Massachusetts.  Và cho đến giờ cả FETP và FUV là một trong những dự án hợp tác giáo dục quan trọng và thành công nhất của Việt Nam sau chiến tranh.

Khoảng giữa năm 1990, TNS trẻ John Kerry đi cùng với hai cô con gái đang học phổ thông tới thăm VN, mảnh đất ông từng tham chiến và phần nào đó cuộc đời ông bị ảnh hưởng lớn lao bởi nó.

Chứng kiến một Việt Nam đang vật lộn vì lệnh cấm vận và hậu quả chiến tranh, ý tưởng thúc đẩy hợp tác giáo dục nảy đến với vị Thượng nghị sĩ trẻ. Ông coi đó như bước tiếp theo tự nhiên cho hành trình bình thường hoá.

Trong bối cảnh cấm vận, việc thực hiện ý tưởng hợp tác không dễ khi không có sứ quán và kênh liên lạc chính thức. Ký ức đau đớn của cuộc chiến vẫn còn, Việt Nam lúc đó gần như là chủ đề “cấm kị” ở chính trường Mỹ.

Những dự án liên quan tới VN khi đó như tù nhân chiến tranh (POW) hay người Mỹ mất tích (MIA) đều bị coi là “điên rồ” và “tự sát về chính trị.” Bất chấp điều này, TNS trẻ John Kerry vẫn kiên trì thúc đẩy ý tưởng về hợp tác giáo dục.

300 ngàn USD và nỗ lực các cựu binh

Bước đột phá đầu tiên của nỗ lực này là trong dự luật ngân sách 1991 khi lần đầu tiên 300 ngàn USD để cấp học bổng cho sinh viên VN (Harvard sau đó góp thêm 300 ngàn USD) được đưa vào. Đột phá được thực hiện bởi John Kerry cùng cùng với sự hỗ trợ của các cựu binh như John McCain, Richard Kessler,...

Năm 1992, chương trình học bổng Fulbright, dưới sự dẫn dắt của Thomas Vallely – một cựu binh Việt Nam khác – bắt đầu đi vào hoạt động. Từ số tiền này, những nhóm sinh viên đầu tiên của chương trình Fulbright như Phạm Bình Minh, Nguyễn Thiện Nhân, Cao Đức Phát, ...đã được đưa sang Mỹ để học tại những ĐH hàng đầu.  

John Kerry va dai hoc Fulbright anh 2
Ngoại trưởng John Kerry gặp gỡ các thành viên chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright (FETP) tháng 12-2013. (Ảnh: Thanh Tuấn)

Cùng thời gian đó Vallely cùng với nhóm giáo sư của ĐH Harvard như Dwight Perkins, David Dapice đang làm tư vấn cho Uỷ Ban kế hoạch nhà nước mà người đứng đầu khi đó là ông Phan Văn Khải.

Hợp tác của cả hai khi đó gồm hai việc: đi học hỏi kinh nghiệm từ các nước Đông Á và Đông Nam Á như Hàn Quốc, Đài Loan, Indonesia,...và viết cuốn sách “In search of the Dragon’s trails” (Theo dấu rồng bay) gồm một loạt những gợi ý về chiến lược từ kinh nghiệm của các nước để từ đó các nhà lãnh đạo có thể đưa ra các chính sách kinh tế.

Khi cả đoàn đi trên chuyến học tập ở Đông Á, kỉ niệm nhớ nhất là khi cả đoàn đọc các tài liệu kinh tế trên đó, con số so sánh giữa các nước không hề có Việt Nam. “Sao không có VN nhỉ, họ cứ lật sách rồi hỏi tôi,” Vallely nhớ lại. VN khi đó đóng cửa và hoàn toàn không hề có mối liên hệ nào với bên ngoài.

Tầm nhìn xa, chương trình duy nhất

Cùng thời gian đó, ông Vallely vào TP HCM để thành lập chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright (FETP) với mục tiêu đơn giản là dạy những kiến thức tốt nhất, cập nhật nhất về kinh tế thị trường cho cán bộ nhà nước phù hợp với điều kiện của VN.

Cùng thời gian này số tiền viện trợ từ Quốc hội Mỹ cho giáo dục VN với sự ủng hộ của các cựu binh bắt đầu tăng. Từ 300 ngàn lên 1 triệu USD, từ 1 triệu rồi lên 3 triệu USD,...Quan hệ hai nước ngoại giao hai nước sau đó cũng được thiết lập.

John Kerry va dai hoc Fulbright anh 3

Ngoại trưởng John Kerry với các thành viên chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright (FETP) tháng 12-2013. (Ảnh: Thanh Tuấn)

Thành công của FETP chính là nền tảng cho việc đề xuất thành lập ĐH Fulbright vào năm 2013 trong chuyến thăm của chủ tịch nước Trương Tấn Sang tới Mỹ. Tới tháng 12-2014, quốc hội Mỹ phê chuẩn khoảng 20 triệu USD để tài trợ cho trường ĐH Fulbright với yêu cầu trường phải đảm bảo độc lập, không vì lợi nhuận và đảm bảo yêu cầu chất lượng đại học Mỹ.

Một nhà ngoại VN thừa nhận 20 năm sau bình thường hoá, giờ khi VN thật sự bước chân vào hội nhập với thế giới, ý nghĩa của các chương trình giáo dục này rất có ý nghĩa: VN đang cần hơn bao giờ hết nguồn nhân lực chất lượng cao đạt đẳng cấp thế giới.

“Đó là tầm nhìn xa và nhìn rộng của những cựu binh như Kerry và Vallely,” nhà ngoại giao này nhận định. “Đó là tầm nhìn trước, nhìn xa về vấn đề giáo dục khi thời kỳ cũ vẫn còn rất khó khăn.”

Giám đốc Sở Ngoại vụ TP HCM Nguyễn Vũ Tú, người từng làm nhiệm kỳ ở Philippines, kể ông từng giới thiệu một nhóm sinh viên Philippines tới tìm hiểu về VN và một trong những địa điểm tới thăm của họ chính là chương trình FETP.

Khi về thì họ rất ấn tượng với chương trình. Câu hỏi của họ khi đó là “tại sao chương trình này chỉ dành cho VN mà không làm cho cả Đông Nam Á để cho các nước khác cùng được hưởng?” Cho đến giờ, mô hình của FETP vẫn là chương trình duy nhất mà Mỹ từng thực hiện trên thế giới.

Đại học Fulbright chính thức có giấy phép thành lập

Nguồn tin của Zing.vn cho biết Đại học Fulbright đã chính thức nhận được giấy phép thành lập. Đây là trọng tâm trong chuyến thăm của Tổng thống Obama tới Việt Nam từ 23-25/5.

Mỹ tham gia thành lập ĐH Fulbright VN

Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius khẳng định chìa khóa để nâng cao tính cạnh tranh của Việt Nam sau khi tham gia AEC và TPP chính là những sáng kiến, sự đổi mới.

Thanh Tuấn

Bạn có thể quan tâm