Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Desaix Anderson và chuyến thăm đặc biệt của tổng thống Mỹ

Ông là đại biện lâm thời đầu tiên của Mỹ ở Việt Nam với gần 50 năm gắn bó với VN trên nhiều cương vị. Đón Tổng thống Obama tại sân bay lần này sẽ là học trò ông, Đại sứ Ted Osius.

Khi chuyên cơ Air Force One của Tổng thống Barack Obama hạ cánh xuống sân bay Nội Bài rạng sáng 23/5, có một người ở New York bồi hồi nhiều cảm xúc.

Hơn 20 năm trước, Desaix Anderson là người tích cực tham gia vào quá trình bình thường hoá. Bản thân ông là đại biện lâm thời đầu tiên được Tổng thống Bill Clinton chỉ định tới Hà Nội vào năm 1995 để lập đại sứ quán Mỹ đầu tiên tại Việt Nam sau chiến tranh.

Desaix Anderson va chuyen tham cua Obama anh 1

Đại biện lâm thời Desaix Anderson và vợ chồng cựu tổng thống Mỹ

George H. W. Bush tại đại sứ quán mới mở ở Hà Nội tháng 9/1995. Ảnh: AFSA  

Ted Osius, học trò cưng của đại biện Anderson, cũng đi cùng ông trong những ngày đầu đó. Giờ ông Ted Osius là đại sứ Mỹ tại Hà Nội và ông sẽ đón Tổng thống Obama ở chân cầu thang của Air Force One.

Người mở sứ quán đầu tiên

Năm 1995, khi Anderson tới Hà Nội, không khí khi đó vẫn còn nhiều nghi kỵ giữa cả hai bên vốn khác biệt cả về ý thức hệ, thế giới quan sau cuộc chiến dài đẫm máu, tang thương.

“Chúng ta bắt đầu gần như từ con số không, với những nghi ngờ từ cả hai nước”, ông Anderson, người gắn bó với Việt Nam trong suốt hơn 50 năm qua, viết cho Zing.vn từ New York. “Nhưng chúng ta đã tiến nhanh tới quan hệ đối tác ngày một mở rộng và hiệu quả”.

Ông gọi chuyến thăm của Tổng thống Obama tới Việt Nam hôm 23/5 là “dấu mốc đặc biệt quan trọng của quan hệ đối tác đang phát triển giữa Việt Nam và Mỹ” sau các chuyến thăm của cựu tổng thống Clinton và cựu tổng thống Bush.

Với Anderson, người có hành trình dài gắn bó với Việt Nam trong suốt 50 năm qua, đó là cả hành trình dài. Ông 6 lần thực hiện các nhiệm vụ liên quan tới Việt Nam: học tiếng Việt từ 1964, làm cố vấn cho tỉnh trưởng tỉnh Biên Hoà giai đoạn 1965-1967, nhóm công tác Việt Nam giai đoạn 1967-1968, theo dõi hiệp định hoà bình Paris,...

Sau chiến tranh, trong giai đoạn 1977-1980, ông ở Thái Lan và chủ yếu phỏng vấn người tị nạn coi chuyện gì đang xảy ra ở Việt Nam do hai nước khi đó không có quan hệ ngoại giao. Sau này, ông phụ trách Việt Nam, Lào và Campuchia và từng thúc đẩy không thành việc tái khởi động đàm phán bình thường hóa Mỹ - Việt.

Từ 1964 tới 1997, Anderson có lẽ là nhân viên ngoại giao Mỹ theo dõi Việt Nam trong thời gian lâu nhất. Vì vậy ông luôn là ứng viên cho việc mở sứ quán Mỹ tại Hà Nội.

Khi ngoại trưởng Warren Christopher cho Anderson lựa chọn giữa một vị trí đại sứ và cơ hội được mở và điều hành sứ quán ở Việt Nam vào tháng 8/1995 với tư cách là đại biện lâm thời cho đến khi có đại sứ mới đến, Anderson đã “nhanh chóng chọn Hà Nội”.

Ông miêu tả lựa chọn này là “cơ hội đầy thách thức” khi Việt Nam là một cựu thù, “đất nước mà Mỹ từng có chiến tranh và không có quan hệ trong 50 năm”.

Thách thức trong nghi kỵ: Bắt đầu từ số không

Thách thức của Anderson khi đó là làm thế nào để vượt qua những ký ức của chiến tranh và thù địch kể từ năm 1945.

“Tôi quyết định ngay khi đó là phải cố gặp được càng nhiều người Việt trong chính quyền và ngoài xã hội càng tốt để khẳng định với tất cả rằng tôi ở đó là để xây dựng mối quan hệ mới mang tính xây dựng”, Anderson nói.  

Anderson đặc biệt nhớ cuộc gặp với ông Đào Duy Tùng, người đứng thứ 4 trong hệ thống chính trị Việt Nam khi đó và nổi tiếng là người cứng rắn với quan điểm về ý thức hệ.

“Trong cuộc gặp đó, tôi nhắc lại vài lời đồn ở Hà Nội khi đó nói chính phủ Mỹ âm mưu phá hoại chính quyền và xã hội Việt Nam, về những lời đồn về diễn biến hoà bình,... rồi cố gắng giải thích để bác bỏ từng lời đồn một. Đến cuối buổi thì ông Tùng gọi vài ly rượu nhỏ để chúc mừng quan hệ Việt - Mỹ”, Anderson kể lại. Ông Anderson cho rằng cuộc gặp đó đã giải toả được nhiều nghi ngờ giữa hai bên.

Những biến chuyển và cậu học trò cũ

Những nghi kỵ đó đã thay đổi nhiều với biến chuyển quan hệ hai nước, đặc biệt khi cả 3 tổng thống Mỹ gần đây nhất đều tới thăm Việt Nam. Quan hệ hai nước cũng đã được nâng cấp lên “đối tác toàn diện” kể từ 2013.

Với Anderson, ông nói vẫn ngạc nhiên về sự nồng hậu và ấm áp ông nhận được sau 23 năm Mỹ vắng mặt tại Việt Nam và 50 năm thù địch giữa hai nước. Ông đặc biệt ấn tượng với những người trẻ, những người quan tâm tới xã hội và văn hoá Mỹ - điều ông cho là có lợi cho “tương lai quan hệ hai nước”.

Desaix Anderson va chuyen tham cua Obama anh 2
Ted Oisus, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam hiện nay, là người học trò cũ của Desaix Anderson từ những năm 1990. 

Ảnh: 

Thanh Tùng

Dấu ấn của Anderson vẫn còn trong quan hệ hai nước khi cậu học trò trẻ của ông ngày nào giờ là đại sứ Ted Osius – người được coi là hiểu sâu sắc cả về văn hoá và tình hình Việt Nam.

Thomas Vallely, một cựu binh và là người đưa chương trình Fulbright đến Việt Nam, từng nói rằng Đại sứ Ted Osius có thể là một trong những đại sứ tốt nhất của Mỹ ở Việt Nam nhờ vào sự dìu dắt của Desaix Anderson ngày nào.

“Tôi biết rằng cậu ấy có thể đóng góp tích cực trong thúc đẩy quan hệ Việt - Mỹ, điều luôn là mục tiêu chính của tôi”, Anderson nói.

Anderson vẫn kể rằng khoảnh khắc rất đẹp của sự nghiệp ngoại giao của ông là dịp được gặp cựu thủ tướng, cố vấn Phạm Văn Đồng trước khi rời Hà Nội vào tháng 5/1997.

Anderson và cựu thủ tướng đã nói nhiều về lịch sử và về những sai lầm của quá khứ. Lúc cuối buổi, ông Anderson nói với cố vấn Phạm Văn Đồng, “tôi hy vọng là Việt Nam và Mỹ có thể xây dựng quan hệ đối tác chiến lược”.

“Ngài thủ tướng mỉm cười với tôi đồng ý”, Anderson nói. “Việc tôi có thể đóng vai trò trong sự thay đổi này là điều tôi cực kỳ hài lòng”.

Việt Nam: điểm nhấn trong Tái cân bằng châu Á của Mỹ

Trong bàn tròn trực tuyến với Zing.vn, ba nhà quan sát hàng đầu nhận định chuyến thăm của Tổng thống Obama khẳng định tầm quan trọng của VN trong chính sách Tái cân bằng của Mỹ.

Thanh Tuấn

Bạn có thể quan tâm