Bước đến "Siêu Thứ Ba" vào ngày 3/3, ngày bỏ phiếu có quy mô đến 14 bang và 1 vùng lãnh thổ để quyết định 1.344 ghế đại biểu cho Đại hội Toàn quốc đảng Dân chủ (DNC), cựu phó tổng thống Mỹ đối diện thực tế đầy thách thức.
Từ vị trí cái tên sáng giá cho tấm vé đại diện đảng Dân chủ tranh cử tổng thống, chính trị gia 77 tuổi phải đối đầu với các đối thủ ở thế tiền không nhiều mà hệ thống vận động tranh cử cũng khiêm tốn hơn hẳn, theo AP.
Cựu phó tổng thống Joe Biden phát biểu trước cử tri tại Los Angeles đêm 3/3 (giờ địa phương). Ảnh: AP. |
Lật ngược tình thế
Tất cả những khó khăn đó cuối cùng chẳng còn đáng kể. Joe Biden giành thắng lợi trong hàng loạt cuộc bầu cử sơ bộ ở các bang, từ vùng New England đến các bang chiến địa bờ Đông, từ vùng Trung Tây nước Mỹ đến các bang sâu trong miền Nam.
Liên minh ủng hộ Biden lộ diện vô cùng đa dạng, phủ rộng từ cử tri da màu, nữ giới, cử tri cao tuổi đến người có giáo dục đại học. Màn thể hiện ấn tượng của cựu phó tổng thống Mỹ khiến cú lội ngược dòng ngày "Siêu Thứ Ba" thêm ngoạn mục.
Cục diện bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ thay đổi với tốc độ chóng mặt. Từ vị trí một ứng viên với chiến dịch tranh cử đang bên bờ vực sụp đổ, Joe Biden bỗng trở lại vị thế cái tên sáng giá cho tấm vé đại diện đảng Dân chủ trong cuộc đua vào Nhà Trắng.
"Tôi ở đây để thông báo với các bạn, chúng ta vẫn sống rất tốt", cựu phó tổng thống Mỹ tuyên bố với những người ủng hộ tại Los Angeles đêm 3/3.
Dù để mất California, nơi đắt giá nhất trong những bang bầu cử sơ bộ vào "Siêu Thứ Ba" với 415 phiếu đại biểu DNC, ông Biden vẫn giành được Texas, bang có số phiếu nhiều thứ hai với 228 đại biểu.
Không chỉ vậy, ứng viên 77 tuổi còn chiến thắng ở 8 bang khác, trong đó có hai bang mang ý nghĩa quyết định là Virginia và North Corolina. Màn phô diễn sức mạnh của Joe Biden gần như biến bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ thành cuộc đua trực tiếp với Thượng nghị sĩ Bernie Sanders. Cử tri đảng giờ đây đứng trước câu hỏi: Giữa hai người, ai sẽ là người xứng đáng với lá phiếu của họ nhất vào tháng 11?
Thượng nghị sĩ Bernie Sanders giành chiến thắng quan trọng tại California trong "Siêu Thứ Ba". Ảnh: AP. |
Đoàn kết nội đảng
Bernie Sanders, thượng nghị sĩ thiên tả của Vermont, đã dành nhiều thập kỷ qua kêu gọi thay đổi toàn diện hệ thống kinh tế và chăm sóc y tế Mỹ. Trong khi đó, Joe Biden mang một hình ảnh trung lập hơn, được xem là ứng viên phù hợp cho việc "tái khởi động" nước Mỹ nếu kế nhiệm chính phủ của Tổng thống Donald Trump vốn nhiều chia rẽ.
Bernie Sanders đã có phần khai màn đầy thuyết phục trong đợt bỏ phiếu sớm của bầu cử sơ bộ, với hai chiến thắng ở New Hampshire và Nevada cùng kết quả hòa ở Iowa. Ở chiều ngược lại, Joe Biden bị vượt mặt tại 3/4 bang bỏ phiếu sớm và chỉ bắt đầu trở lại cuộc đua với chiến thắng tại South Carolina.
Tuy nhiên, khởi đầu mạnh mẽ của Sanders đã khiến những người Dân chủ theo lập trường trung dung chính trị, vốn cảm thấy vị thượng nghị sĩ thiên tả quá xa cách với một bộ phận lớn cử tri Mỹ, lo ngại đảng này sẽ đánh mất không chỉ Nhà Trắng mà cả lưỡng viện trong cuộc bầu cử năm 2020.
Nhiều người nhanh chóng nhận ra thực tế: Sanders đã hưởng lợi từ việc cử tri Dân chủ ủng hộ trung dung chính trị đang bị chia rẽ. Họ có quá nhiều ứng viên cùng lập trường để lựa chọn ủng hộ. Phải đến khi Joe Biden giành chiến thắng ở South Carolina ngày 29/2, đảng Dân chủ mới dần nhận thấy ông là phương án thay thế lý tưởng nhất.
Cuộc lội ngược dòng của cựu phó tổng thống Mỹ diễn ra với tốc độ gần như chưa từng có tiền lệ. Chỉ vài ngày sau South Carolina, những nhân vật nổi bật của đảng Dân chủ đổ về phe ông Joe Biden nhanh đến chóng mặt, trong đó có một số cựu ứng viên từng là được xem là đối thủ nặng ký.
Thượng nghị sĩ Amy Klobuchar vào ngày 2/3, chỉ vài tiếng trước “Siêu Thứ Ba”, bất ngờ rút khỏi cuộc đua và ủng hộ ông Biden tại bang nhà Minnesota. Pete Buttigieg, ứng viên công khai đồng tính đầu tiên tranh cử tổng thống Mỹ, dù giành thắng lợi ở Iowa đã rút khỏi cuộc đua vào ngày 1/3, sau đó ủng hộ Joe Biden thay cho Bernie Sanders. Beto O'Rourke, cựu ứng viên tại bang Texas, rút khỏi cuộc đua từ tháng 11/2019 dù có sự ủng hộ lớn ở bang nhà, cũng công khai ủng hộ cựu phó tổng thống Mỹ.
Sự đoàn kết nội đảng đã góp phần tạo nên chuỗi chiến thắng đầy thuyết phục của Joe Biden. Ông giành chiến thắng bất ngờ tại hai bang Minnesota và Texas, đều là những nơi nhận được sự ủng hộ quý như vàng từ những cựu ứng viên đối thủ.
Thượng nghị sĩ Amy Klobuchar ủng hộ cựu phó tổng thống Joe Biden, trực tiếp tạo nên chiến thắng của ông tại Minnesota. Ảnh: Politico. |
Tiền nhiều không đồng nghĩa chiến thắng
Hỗ trợ tài chính cũng đổ về ủy ban tranh cử của Joe Biden, trong đó có một số mạnh thường quân giàu có nhiều tháng trước còn nghi ngờ về khả năng chiến thắng của chính trị gia kỳ cựu bang Delaware. Nguồn tài chính bổ sung này sẽ giúp Biden phát triển chiến dịch vận động tranh cử mạnh mẽ hơn cho giai đoạn hậu "Siêu Thứ Ba".
Khoảng cách về tiềm lực tài chính giữa Biden và một số đối thủ khiến cuộc lội ngược dòng của cựu phó tổng thống Mỹ càng thêm bất ngờ.
Tại hai bang Minnesota và Massachusetts, tỷ phú Michael bloomberg dốc túi đến 17 triệu USD cho quảng cáo chính trị trên truyền hình. Biden về nhất tại cả hai bang này mà không tốn xu nào, theo số liệu về quảng cáo truyền hình được công bố tuần trước.
Tại Virginia, Joe Biden chỉ dùng 291.000 USD cho vận động tranh cử, không bằng một góc của con số 12 triệu USD mà Bloomberg bỏ ra. Cựu phó tổng thống Mỹ vẫn về nhất tại Virginia với cách biệt 25 điểm phần trăm.
Kịch bản tương tự cũng xảy ra tại Texas, với Bloomberg đổ vào quảng cáo đến 47,8 triệu USD còn Biden vẫn chi vỏn vẹn 291.000 USD. Ở North Carolina, chi tiêu vận động trang cử của cựu thị trưởng New York cao hơn ông Biden đến 28 lần.
Cựu phó tổng thống Joe Biden cùng vợ Jill Biden tại sự kiện vận động cử tri ở Los Angeles đêm "Siêu Thứ Ba". Ảnh: AP. |
Cuộc đua song mã
Kết quả ngày 3/3 đồng nghĩa rằng Bernie và Sanders, hai người đàn ông da trắng đều đã ngoài 70, sẽ bước vào cuộc đua song mã để trở thành "tiêu chuẩn" mới cho một đảng Dân chủ ngày một đa dạng.
Bầu cử sơ bộ đảng Dân chủ năm nay khiến nhiều người liên tưởng đến cuộc đua Bernie Sanders - Hillary Clinton của năm 2016. Khi đó, cựu ngoại trưởng Mỹ được đánh giá là lựa chọn an toàn hơn, nhưng cuối cùng vẫn thất bại trước ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump vào tháng 11.
Thượng nghị sĩ Sanders và những người ủng hộ ông đang kêu gọi đảng Dân chủ đừng đi vào vết xe đổ 4 năm trước. Tuy nhiên, cuộc lội ngược dòng của Joe Biden cho thấy vẫn còn rất nhiều cử tri đảng Dân chủ lo sợ viễn cảnh ông Sanders giành được tấm vé ứng viên tranh cử tổng thống. Trong trường hợp tỷ phú Bloomberg rút khỏi cuộc đua, nhiều khả năng ông sẽ dốc hàng triệu USD hỗ trợ Biden và phản đối Tổng thống Trump qua quảng cáo chính trị.
Thực tế là cựu phó tổng thống Mỹ vẫn là một lựa chọn nhiều rủi ro. Ông gặp khó khăn trong việc lôi kéo cử tri trẻ tuổi và nhiều lúc hụt hơi trước phe thiên tả tràn đầy năng lượng của đảng Dân chủ. Joe Biden còn bị đánh giá là một ứng viên thiếu ổn định, với một vài lần diễn thuyết thiếu sức hút và lan man.
Tuy nhiên, tương lai chính trị xán lạn hơn có thể có thể giúp ứng viên 77 tuổi lấy lại sự tập trung của mình. Ông thể hiện rõ nhiệt huyết khi vận động tranh cử tại các bang "Siêu Thứ Ba", giành được sự ủng hộ từ những cử tri và lãnh đạo đảng mà mới vài ngày trước còn muốn cho ông về hưu hẳn.
"Đâu phải vô cớ mà mọi người gọi đây là Siêu Thứ Ba", Biden ngày 3/3 tự hào tuyên bố với cử tri ở Los Angeles.