Hồi cuối tháng 9, chẳng hạn, ông đã cự cãi các quan chức sàn chứng khoán Hong Kong. Alibaba Group của ông muốn phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) qua sàn chứng khoán Hong Kong. Nhưng các quan chức lại không đồng ý với các điều kiện do ông đưa ra. Ngay lập tức, Jack Ma thay đổi quyết định, không niêm yết trên sàn Hong Kong nữa mà thay vào đó là chuẩn bị hồ sơ để niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ. Nhiều người đã quá quen thuộc với cá tính quyết liệt ấy của Jack Ma. Đó cũng là nhân tố giúp Jack Ma, từ một giáo viên dạy tiếng Anh với bằng cấp không có gì nổi trội, trở thành ông chủ của một trong những tập đoàn thương mại điện tử lớn nhất thế giới.
Jack Ma được xem là biểu tượng của ngành internet Trung Quốc. |
Jack Ma được xem là biểu tượng của ngành internet Trung Quốc. Sau nhiều lần thi rớt đại học, cuối cùng ông đã được đại học Sư phạm Hàng Châu thu nhận. Ra trường năm 1988, ông đi dạy tiếng Anh được 5 năm trước khi lập ra công ty dịch thuật. Năm 1995, ông sang Mỹ và lần đầu tiên tiếp xúc với Internet. Khi quay trở lại Hàng Châu, ông đã lập ra China Yellow Pages, một danh bạ doanh nghiệp trực tuyến, vào thời điểm Internet vẫn còn rất xa lạ với người dân Trung Quốc. Jack Ma đã bán công ty này cho một doanh nghiệp viễn thông quốc doanh. Sau đó, ông có một thời gian ngắn làm việc cho Bộ Thương mại, nhờ đó thiết lập được mối quan hệ với các quan chức ngành internet Trung Quốc.
Năm 1999, ông đã bỏ ra 60.000 USD cùng 17 người bạn thành lập Alibaba. Rất nhanh sau đó, Alibaba đã nhận được các khoản rót vốn từ Goldman Sachs (Mỹ) và SoftBank Corp. (Nhật). Trong quá trình phát triển Alibaba, Jack Ma đã nổi tiếng trong giới công nghệ là một người không dễ chơi. Các đối thủ như eBay, thậm chí các đối tác như Yahoo! cũng thấy được điều đó khi họ tìm cách thiết lập chỗ đứng tại Trung Quốc.
Hồi năm 2004, khi nhận xét về những thách thức đến từ các đối thủ phương Tây, Jack Ma đã nói thẳng rằng: “eBay có thể là con cá mập ở đại dương nhưng tôi là con cá sấu ở sông Dương Tử (Trung Quốc). Nếu đánh trên biển, chúng tôi sẽ thua nhưng đánh trên sông, chúng tôi sẽ thắng”. Một năm sau, Yahoo! đã chuyển giao các cơ sở hoạt động tại Trung Quốc và 1 tỷ USD cho Alibaba, đổi lại việc nắm giữ 40% cổ phần trong một công ty chung. Năm ngoái, Yahoo! đã bán phân nửa cổ phần cho Alibaba (Yahoo! còn nắm 24% cổ phần).
Jack Ma một lần nữa lại là người chiến thắng khi Yahoo! cuối cùng đã đồng ý bán phân nửa số cổ phần còn lại và rút khỏi Alibaba sau khi tập đoàn thực hiện IPO. Còn eBay cũng phải ngậm ngùi rút khỏi Trung Quốc vào năm 2006, do đối mặt với cạnh tranh gay gắt từ phía Alibaba. Giờ đây, Alibaba gần như một mình một cõi tại Trung Quốc. Không dừng lại ở đó, Jack Ma còn muốn đưa Alibaba vươn ra biển lớn với đợt IPO sắp tới, dự kiến huy động được 15 tỷ USD. Tập đoàn hiện được các ngân hàng đầu tư định giá tới 120 tỷ USD.
Carl Huttenlocher, Giám đốc đầu tư của quỹ đầu cơ Myriad Asset Management, cho rằng mức vốn hóa thị trường của Alibaba có thể lên tới 200 tỷ USD vào năm 2014 sau đợt IPO. Đợt IPO này đã được Jack Ma lên kế hoạch từ lâu. Thế nhưng, ông muốn chắc chắn rằng sau IPO, ông và các nhà điều hành khác vẫn nắm được quyền kiểm soát Công ty. “Jack Ma không muốn lặp lại sai lầm của Steve Jobs: cho người khác quyền kiểm soát doanh nghiệp của mình”, Gillis nhận xét. Đó chính là lý do Jack Ma đã gặp rắc rối với các quan chức thị trường chứng khoán Hồng Kông. Họ không thích cơ cấu nắm giữ cổ phần của các nhà điều hành tại Alibaba. Cơ cấu đó cho phép Jack Ma và một nhóm 27 nhà điều hành cấp cao khác của Alibaba quyền chỉ định ai là người sẽ ngồi trong Hội đồng Quản trị. Các quan chức Hồng Kông nói rằng, điều đó đi ngược lại nguyên tắc đối xử công bằng với cổ đông và vi phạm quy định cấm của thị trường liên quan đến cơ chế 2 loại quyền biểu quyết.
Theo cơ chế này, có 2 loại cổ phiếu được phát hành. Một loại ra công chúng với quyền biểu quyết bị hạn chế và loại kia dành cho các nhà điều hành, nhà sáng lập công ty với quyền biểu quyết cao hơn và thường là cho họ quyền kiểm soát công ty. Đối với Jack Ma, chỉ có cơ chế này mới cho phép ông và nhóm nhà điều hành kiểm soát được văn hóa doanh nghiệp và định hướng chiến lược của tập đoàn sau khi IPO. Có thể thấy, mặc dù Softbank Corp (nắm 35% cổ phần trong Alibaba) và Yahoo! (24%) đều có chân trong Hội đồng Quản trị gồm 4 người của Alibaba, nhưng không công ty nào nằm trong nhóm 28 đối tác (gồm Jack Ma và 27 nhà điều hành cấp cao khác của Alibaba). Thực tế, không có nhà đầu tư bên ngoài nào nằm trong nhóm trên. Quyền lực của họ có thể sẽ tăng lên sau IPO khi nhóm này, đứng đầu là Jack Ma, nắm quyền kiểm soát Hội đồng Quản trị đã được mở rộng thêm. Yahoo! sẽ mất ghế trong Hội đồng Quản trị khi bán đi phân nửa số cổ phần trong đợt IPO.
Theo cơ chế mới, cổ đông của Alibaba vẫn có quyền tán thành hoặc bãi bỏ thành viên hội đồng quản trị. Nhưng cơ chế này sẽ ngăn một nhà đầu tư chủ động (activist investor) nắm quyền kiểm soát Hội đồng Quản trị bằng cách chỉ định đa số thành viên trong Hội đồng Quản trị. Việc Jack Ma muốn duy trì cơ cấu sở hữu như thế sẽ khiến nhiều nhà đầu tư khó chịu. Tuy vậy, một số nhà đầu tư tổ chức cho biết họ đã mua cổ phần có quyền biểu quyết hạn chế ở những công ty áp dụng cơ chế 2 loại quyền biểu quyết và họ cảm thấy không có vấn đề gì.
“Quan điểm của chúng tôi là, nếu không thích điều gì ban quản trị làm, chúng tôi có thể bán cổ phần”, Dave Stepherson, Giám đốc đầu tư tại Hardesty Capital Management cho biết. Hơn nữa, sức hấp dẫn từ đợt IPO của Alibaba là quá lớn để họ có thể chối từ. Các chuyên gia phân tích ước tính Yahoo! có thể thu được tới 20 tỷ USD từ việc bán cổ phần trong đợt IPO sắp tới của Alibaba, trong khi hãng internet này chỉ bỏ 1 tỷ USD vào Alibaba hồi năm 2005.