Ở Việt Nam, đã có rất nhiều sách về Jack Ma được xuất bản, và đều được cộng đồng yêu sách đón nhận tích cực. Trong đó những cuốn như Jack Ma giày vải của Vương Lợi Phân và Lý Tường, Tôi là Jack Ma của Trần Vỹ, Mã Vân - Triết lý sống của tôi của Trương Yến... được lựa chọn và nhắc đến nhiều hơn cả.
Không chỉ là một hiện tượng, một biểu tượng của sự thành công, Jack Ma còn thu hút công chúng bởi những phát ngôn, hành động, mối quan hệ của mình. Do đó, càng có nhiều người muốn đọc các cuốn sách viết về ông để nghiên cứu con đường thành công của ông cũng như của tập đoàn Alibaba mà ông sáng lập, hoặc đơn giản, chỉ để hiểu thêm nhiều khía cạnh về con người ông.
Một số cuốn sách về Jack Ma đã được chuyển ngữ tiếng Việt. |
Nếu muốn tìm hiểu về con đường lập nghiệp của ông, các cuốn sách như Jack Ma giày vải, Mã Vân - CEO hàng đầu Trung Quốc (Chu Phủ), Đường tới thành công của Jack Ma (Debra Schepp, Brad Schepp) sẽ cung cấp đầy đủ các thông tin độc giả muốn biết. Nếu muốn hiểu về trí tuệ, quan niệm về sự thành bại, những điều tâm đắc của Jack Ma, cuốn Mã Vân - Triết lý sống của tôi sẽ là lựa chọn. Còn nếu muốn nhìn một Jack Ma từ cự ly gần, tìm hiểu những nét tính cách, thói quen của vị tỷ phú này, bạn nên đọc cuốn Tôi là Jack Ma.
Những tác giả gần gũi với Jack Ma, tiếp cận góc nào cũng hấp dẫn
Tác giả các cuốn sách về Jack Ma thường là những người gần gũi, có thời gian làm việc lâu năm với ông. Tác giả cuốn Mã Vân giày vải, bà Vương Lợi Phân, nguyên là phóng viên phụ trách chuyên mục lớn tại Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc. Bà từng nhiều năm làm phóng viên điều tra của ban thời sự, sau đó chuyển sang làm phóng viên ban kinh tế.
Năm 2005, bà xây dựng chương trình Win in China, và có tới 3 năm cộng tác với Jack Ma, khi ông làm giám khảo trong chương trình dành cho các doanh nhân khởi nghiệp này. Sau này, bà thành lập công ty riêng và tiếp tục nhận được sự cố vấn tận tình của Jack.
Đồng tác giả với Vương Lợi Phân là Lý Tường, một chuyên gia tiếng tăm trong ngành truyền thông Trung Quốc, do đó, Mã Vân giày vải là cuốn sách phân tích sự nghiệp và sự thành công của Jack Ma một cách chi tiết dưới góc độ truyền thông.
Trong khi đó, Trần Vỹ là học sinh của Jack Ma từ khi Jack còn đang là giáo viên dạy tiếng Anh ở Hàng Châu, tham gia khởi nghiệp cùng ông, trở thành trợ lý thân tín được ông ủy nhiệm nhiều "điệp vụ" quan trọng như giao tiếp với những danh nhân: Nhà văn Kim Dung, đạo diễn Trương Kỷ Trung, diễn viên Lý Liên Kiệt, Châu Tấn... Được coi như người trong nhà, Trần Vỹ có những thông tin "thâm cung bí sử" về Jack mà các tác giả khác không có được.
Mỗi tác giả đều tiếp cận Jack Ma một cách khác nhau. Tuy nhiên, với một nhân vật có sự nghiệp và tính cách đặc biệt như Jack Ma, cách tiếp cận nào cũng đưa ra một chân dung rất thú vị về nhân vật đặc sắc này.
Về sự nghiệp cũng như thành công của Jack Ma, hầu như các nét chính, những người quan tâm đến ông đều đã nắm được qua các bài báo được đăng tải suốt nhiều năm qua. Tuy nhiên, các sự kiện đó được Vương Lợi Phân đúc kết thành 27 bài học, qua những dấu mốc quan trọng trong cuộc đời và sự nghiệp của Jack, với những phân tích rất sâu sắc.
Bà Vương khẳng định, Jack có tài năng xuất sắc khi ứng phó với truyền thông. Do đó, mỗi phát biểu của ông đều luôn thu hút sự chú ý của giới truyền thông và công chúng.
Jack Ma là người có khả năng truyền cảm hứng mạnh mẽ. |
Trong khi đó, Trần Vỹ dùng những lát cắt nhỏ để đưa ra một bức tranh đa diện, qua đó người đọc có thể "dựng" lại hình ảnh Jack Ma theo cách của mình. Những câu chuyện nhẹ nhàng, chân thực nhưng cũng rất hài hước của Trần Vỹ cũng giúp chúng ta hình dung về trí tuệ và tầm nhìn của Jack.
Bằng tài kể chuyện duyên dáng của mình, Trần Vỹ đưa ra nhiều câu chuyện, câu nói hài hước của Jack Ma khiến người đọc cảm thấy thú vị.
Những dấu mốc quan trọng của Jack Ma trong các cuốn sách
Theo đúc kết của Vương Lợi Phân, ba thành tựu quan trọng nhất của Jack Ma là: Tạo ra danh từ "doanh nghiệp kinh doanh online", tạo ra vị thế (sự kiện "Tây Hồ luận kiếm" với sự tham gia lần đầu của nhà văn Kim Dung và các doanh nghiệp Internet hàng đầu Trung Quốc) và tạo ra ngày bán hàng online nhân dịp lễ độc thân 11/11.
Jack Ma là người đã tạo nên khái niệm mới là doanh nghiệp kinh doanh online. |
Bà Vương cũng cho rằng dấu mốc quan trọng nhất đối với sự phát triển của Alibaba chính là sự góp mặt của Thái Sùng Tín, CFO và sau này là Phó chủ tịch tập đoàn. Ông Thái sẵn sàng từ bỏ công việc tại Goldman Sachs với thu nhập hàng triệu USD mỗi năm, để tham gia đội ngũ của Jack với mức lương chỉ 500 tệ mỗi tháng. Cuốn sách của bà giải thích rõ những đóng góp của ông Thái với sự phát triển của Alibaba như thế nào.
Vương cũng điểm lại những thời điểm khó khăn nhất của Jack Ma, như việc bị chỉ trích mạnh mẽ trong vụ chuyển cổ phần tại Zhifubao về tên cá nhân ông, khi ngân hàng trung ương Trung Quốc quy định các doanh nghiệp thanh toán trung gian phải là doanh nghiệp nội địa. Hoặc một "quyết định khó khăn" của ông: Yêu cầu nhà đầu tư Softbank giảm mức đầu tư vào Alibaba từ 40 triệu USD xuống còn 20 triệu USD!
Về việc sử dụng nhân tài, bà Vương điểm lại sự thất bại của Alibaba khi sử dụng lớp nhân tài tốt nghiệp bằng MBA nước ngoài, cuối cùng, Jack Ma đành quay lại tìm nhân tài từ trong nội bộ công ty. Ông kết luận: "Hệ thống dẫn đường của máy bay không phù hợp với máy cày".
Jacm Ma giày vải cũng tiết lộ, Jack Ma đã học tập các kế sách của Mao Trạch Đông, trong đó có chiến lược "Lấy nông thôn bao vây thành thị", liên minh các đồng minh nhỏ đánh lớn để thắng đối thủ khổng lồ là eBay, để cuối cùng, trở thành nhân vật trong bộ phim tài liệu kể về con cá sấu sông Dương Tử đã chiến thắng cá mập đại dương.
Trong khi đó, Trần Vỹ chỉ điểm qua một số thành tích kinh doanh của Alibaba qua các sự kiện ngày mua sắm của lễ hội độc thân 11/11, và đi nhiều hơn vào các thành tựu về trách nhiệm xã hội, từ thiện của Jack Ma và Alibaba.
"Một thương nhân giỏi không phải ở chỗ giấc mơ của người đó vĩ đại đến mức nào, mà là chỗ giác mơ của người ấy bắt buộc phải đặc biệt" - Jack Ma.
Những thói quen của Jack Ma
Tính cách mà Vương Lợi Phân nhớ nhất ở Jack Ma là không bao giờ trễ hẹn. Thậm chí, đúng ngày mà nghiệp vụ B2B của Alibaba xác định sẽ lên sàn giao dịch chứng khoán Hong Kong, Jack Ma mới nhớ ra rằng ở Diễn đàn kinh tế thế giới Davos, ông có hẹn với một doanh nhân là sẽ đến Đài Loan diễn thuyết, vậy là ông yêu cầu lùi việc lên sàn sang ngày hôm sau. Yêu cầu này khiến các nhân viên của ông phải "chạy bở hơi tai", tuy nhiên, thật may mắn, ngày mà ông hủy kế hoạch, thì cả thị trường lao dốc, đến hôm sau, thì tất cả đều tăng giá. Nhiều người cho rằng, đó là thành quả từ chữ tín của Jack.
Vương Lợi Phân ghi lại lời kể từ tài xế của Jack Ma, cho biết phần lớn thời gian Mã Vân đều đi giày vải, chỉ khi phải tham dự những sự kiện chính thức mới đổi sang giày da, nhưng khi xong việc trở về xe, anh lại lập tức xỏ vào đôi giày vải.
Bởi vì Jack Ma cho rằng đi giày vải rất thoải mái và tiện lợi, chắc chắn và thoáng khí, giúp người đi luôn trong trạng thái tối ưu để kiểm soát cơ thể, và còn có thể chuyển động nhanh bất cứ lúc nào mà không gây ra cảm giác khó chịu cho đôi chân. Giày vải chính là phong thái thường trực của cuộc đời Mã Vân, còn giày da chỉ là chút điểm xuyết không thể thiếu trong những trường hợp bắt buộc. Do đó, cuốn sách của Vương Lợi Phân lấy tên là Mã Vân giày vải.
Jack Ma biểu diễn Thái cực quyền trong buổi giao lưu với giới trẻ Việt Nam. |
Còn Trần Vỹ vẽ lên hình ảnh Jack Ma với rất nhiều sở thích: Đánh bài, thích chơi cờ vây dù đánh kém, chơi caro thì tự cho rằng "không ai là đối thủ", đánh piano "nghe như Lang Lãng".
Ngoài ra, Jack còn có rất nhiều đam mê khác: kiếm hiệp, tập Thái Cực Quyền, hóa trang, hát Bel Canto, xem và diễn ảo thuật, xem Việt kịch (nhạc kịch Quảng Đông), yêu chó, thăm hỏi nhân viên...
Jack Ma là người tích cực trong việc đưa Thái Cực Quyền vào Alibaba và ra thế giới. Ông đã cùng Lý Liên Kiệt lập ra Công ty Phát triển văn hóa quốc tế Thái Cực Thiền để thực hiện ước mơ này.
Jack Ma không sùng bái ai, nhưng ông thán phục nhiều người, như tài năng kiến trúc của pháp sư Nguyệt Chân, tài ăn nói của nữ văn sĩ Vu Đan, trí nhớ của đạo trưởng Lý Nhất, võ công của đại sư Vương Tây An, ảo thuật của Lưu Khiêm.
Ông cũng chơi thân với nhà biên kịch Thạch Khang, nhà văn Mạch Gia, tay vợt Đặng Á Bình, diễn viên hài Chu Lập Ba, đạo diễn Phùng Tiểu Cương, họa sĩ Phạm Tăng...
Đặc biệt, khi thuyết trình ở đâu, kể cả các trường đại học danh tiếng, ông cũng cho rằng ngôi trường tốt nhất là... Trường Đại học Sư phạm Hàng Châu. Đó chính là ngôi trường ông học!
Vương Lợi Phân chỉ dùng một mẩu chuyện nhỏ nhưng cũng chứng minh cho khả năng nhìn người của Jack Ma. Đó là lần Jack thử đi phỏng vấn vào vị trí COO của Sohu. Người phỏng vấn ông là CFO của Sohu, Cổ Vĩnh Tương. Sau cuộc phỏng vấn, Jack nói với ông Cổ: Thực ra vị trí COO hợp với anh nhất. Sau này, quả thật Cổ được bổ nhiệm là COO của Sohu.
Văn hóa Alibaba
Các cuốn sách đều khẳng định: Văn hóa của Alibaba là văn hóa đậm sắc thái võ hiệp.
Jack đặt tên các phòng ban trong Alibaba từ Quang Minh đỉnh, Đạt Ma viện, Đào Hoa đảo, La Hán đường, Tụ Hiền trang, đến nhà vệ sinh cũng được đặt tên là Thính Vũ hiên. Hệ thống giá trị của Alibaba được ông đặt tên là "Độc cô cửu kiếm" và "Lục mạch thần kiếm".
Trên mạng Taobao, Jack lấy biệt danh là Phong Thanh Dương (thậm chí ông còn bày tỏ mơ ước đóng vai Phong Thanh Dương trong Tiếu ngạo giang hồ), trong Alibaba, các nhân viên đều có biệt danh và tác giả Vương Lợi Phân khẳng định, nếu một nhân viên có biệt danh rất hay thì anh ta phải là một nhân viên gạo cội. Như CEO Lục Triệu Hy có biệt danh Thiết Mộc Chân, CRO Thiệu Hiểu Phong là Quách Tĩnh, Ngô Vĩnh Danh là Đông Tà...
Jack Ma hóa thân thành Michael Jackson thể hiện văn hóa của Alibaba. |
Cuốn sách của Trần Vỹ giải thích câu chuyện vì sao trong sân trụ sở Alibaba lại có một tượng kỳ cục: một người đàn ông Mông Cổ khỏa thân cao 3,6 m. Người ta gán ghép cho nó ý nghĩa: "Lõa thể đại diện cho sự minh bạch, cởi mở của Alibaba, cường tráng đại diện cho văn hóa 'hăm hở mà bền vững' của Alibaba".
Nhân viên tập đoàn từ lúc hết sức phản đối, đến cuối cùng, phiên bản thu nhỏ của nó trở thành món quà được nhân viên Alibaba mong chờ nhất, như tượng vàng Oscar.
Trong buổi học đào tạo nhân viên mới năm 2008, Jack Ma đã nói rằng: "Alibaba không hứa hẹn cho bạn mức lương cao và chế độ đãi ngộ tốt, ngược lại, đã vào Alibaba, chắc chắn bạn sẽ phải hứng chịu rất nhiều áp lực và thiệt thòi".
Thời kỳ nhân viên công ty phải cách ly vì dịch SARS, COO Quan Minh Sinh đã phát biểu về văn hóa Alibaba: "Văn hóa này là thứ mà một công ty phải mất hàng chục năm theo đuổi mới có thể xây dựng nên. Trong thời kỳ nguy nan, cả tập thể không ai chỉ trích ai, không ai oán trách ai, mà tất cả chúng tôi cùng nắm tay vượt qua khó khăn".
Alibaba cũng xây dựng một văn hóa tự giác rất cao cho nhân viên khi triển khai "căng tin tín nhiệm", mọi người tự nhìn bảng giá lấy hàng và trả tiền, nhiều năm hoạt động không bị thiếu nợ một đồng.
Khi các doanh nhân nổi tiếng hỏi Jack Ma vì sao họ cũng "coi trọng" văn hóa doanh nghiệp, nhưng nhân viên của họ tham gia không tích cực, Trần Vỹ đã lấy việc Jack Ma hóa trang biểu diễn tại các sự kiện nội bộ của Alibaba để giải thích: "Ông chủ phải là người đi đầu, đích thân tham gia mới gọi là coi trọng. Tấm gương mang lại sức mạnh vô cùng tận, chứ nếu chỉ dừng lại ở lời nói, thì bất cứ lời nói nào cũng đều là vô ích".
Tôi là Jack Ma kể về những sự kiện cứu trợ nhân dân vùng bị thiên tai của Jack Ma, các chương trình từ thiện lớn mà ông cùng Lý Liên Kiệt tổ chức, và rút ra hai nguyên tắc của Jack: Từ thiện không để đánh bóng tên tuổi, không làm phiền địa phương.
Đúc kết lại, Trần Vỹ cho rằng, tinh thần làm việc ở Alibaba là "ngốc nghếch và ngây thơ, hăm hở mà bền vững", tinh thần này không khác nhiều so với khẩu hiệu nổi tiếng của nhà sáng lập Apple, Steve Jobs "Stay hungry, stay foolist".