Israel cho biết đối tượng có nguy cơ cao mắc Covid-19 được tiêm liều vaccine tăng cường từ hôm 12/7, bao gồm bệnh nhân ung thu cùng người được ghép tim, phổi và thận, AFP đưa tin.
"Nhiều bằng chứng cho thấy những bệnh nhân có hệ miễn dịch yếu không phát triển được đủ phản ứng kháng thể, ngay cả khi đã tiêm hai mũi vaccine", tuyên bố của Bộ Y tế Israel cho biết.
Trung tâm Y tế Sheba gần thủ đô Tel Aviv đã tiêm mũi Pfizer thứ ba cho hàng chục người được ghép tim vào chiều 12/7, một giờ sau khi Bộ Y tế cho phép.
Giáo sư Galia Rahav, người đứng đầu Khoa truyền nhiễm và Phòng thí nghiệm tại Trung tâm Y tế Sheba, cho biết họ sẽ kiểm tra và theo dõi người được tiêm mũi thứ ba để phục vụ mục đích nghiên cứu.
Israel sẽ tiêm liều vaccine thứ 3 cho nhóm nguy cơ cao. Ảnh: Reuters. |
Quyết định tiêm liều vaccine Pfizer tăng cường được đưa ra trong bối cảnh các ca mắc Covid-19 mới tại Israel không ngừng gia tăng.
Trước đó, Israel từng là một trong những quốc gia triển khai chiến dịch tiêm chủng nhanh nhất thế giới với hơn 85% dân số trưởng thành được tiêm đầy đủ.
Tuy nhiên, sự lây lan nhanh chóng của biến chủng Delta khiến số ca mắc mới trong tháng tăng từ một con số lên 450 ca/ngày.
Theo dữ liệu của Bộ Y tế Israel, hơn một nửa trong số 81 bệnh nhân đang nhập viện với triệu chứng nặng đã được tiêm vaccine.
Bộ trưởng Horowitz cho biết thêm Bộ Y tế sẽ bổ sung nguồn cung vaccine Pfizer đang thiếu hụt cho kế hoạch tiêm chủng sắp tới bằng vaccine của Moderna.
Tại Pháp, một số người có hệ miễn dịch yếu cũng được tiêm mũi vaccine thứ 3 từ tháng 4. Các nhà nghiên cứu Pháp gần đây báo cáo rằng số người ghép tạng có thể tăng kháng thể ngừa virus lên đến 68% trong 4 tuần sau khi tiêm liều tăng cường.