Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Israel cứng đầu, Nhà Trắng bối rối

Israel đến nay vẫn từ chối cho chính quyền ông Joe Biden biết về kế hoạch trả đũa Iran, theo giới chức Mỹ, trong bối cảnh Washington lo ngại bùng nổ chiến sự trên toàn Trung Đông.

Israel đến nay vẫn từ chối cho chính quyền ông Biden biết về kế hoạch trả đũa Iran, theo giới chức Mỹ. Ảnh: New York Times.

Wall Street Journal đưa tin giới chức Mỹ đang thấy rất bực bội vì liên tục bị bất ngờ trước các hành động quân sự của Israel tại Gaza và Lebanon. Một số người đã hy vọng Mỹ có thể hiểu rõ hơn tính toán của Israel sau cuộc họp vốn sẽ diễn ra hôm 9/10 giữa Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant và người đồng cấp Mỹ Lloyd Austin tại Lầu Năm Góc, nhưng chuyến đi đã bị hoãn.

Chính Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã ngăn cản ông Gallant khởi hành đến Mỹ vào đêm 8/10, trong bối cảnh Israel tiếp tục lên kế hoạch cho chiến dịch ở Iran, một quan chức Israel cho biết. Giới chức Mỹ thừa nhận họ vẫn chưa biết Israel sẽ ra đòn vào thời điểm nào hoặc vào mục tiêu nào.

Nhà Trắng bị sốc

Tháng trước, Israel đã thực hiện đòn tập kích nhằm vào thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah mà không thông báo trước cho Mỹ. Vụ đánh bom là cú sốc cho quan chức cấp cao Nhà Trắng vì diễn ra ngay khi Washington đang kỳ vọng đạt được kế hoạch ngừng bắn giữa 2 bên.

"Xin lỗi, ông vừa nói gì cơ?", ông Austin thốt lên trong điện thoại khi nghe ông Gallant nói về vụ tấn công vào Nasrallah, theo quan chức thạo tin phía Mỹ. Trong cuộc gọi thứ hai cùng ngày, ông Austin đã hỏi ông Gallant rằng với việc không thông báo trước, liệu Israel có phải sẵn sàng "đơn thương độc mã" tự vệ hay không.

Giới chức quốc phòng cho biết ông Austin tỏ ra bực bội vì Mỹ không có đủ thời gian để bố trí lực lượng bảo vệ Israel hoặc bảo vệ quân đội Mỹ đồn trú gần đó.

Khi mà Israel đã tuyên bố sẽ đáp trả vụ Iran phóng gần 200 quả tên lửa ngay sau vụ ám sát Nasrallah, quan chức Mỹ hy vọng trong lần tới đây, họ sẽ được biết nhiều thông tin hơn về đòn tấn công có thể khiến Mỹ phải tăng cường can dự quân sự.

Trong năm qua, Israel cũng từng có lúc nghe theo lời khuyên của Mỹ. Chẳng hạn, Israel đã hạn chế chiến dịch ở thành phố Rafah tại Gaza sau khi Mỹ muốn đồng minh có kế hoạch thận trọng hơn. Mỹ từng thuyết phục Israel không tấn công Hezbollah dựa trên thông tin tình báo sai lệch chỉ vài ngày sau cuộc tấn công của Hamas vào ngày 7/10/2023.

Nhưng phản ứng của Israel trước Iran có thể thử thách giới hạn của nước này.

Israel anh 1

Khói bốc lên sau nhiều cuộc không kích của Israel nhắm vào vùng ngoại ô phía nam Beirut hôm 8/10. Ảnh: New York Times.

Hệ lụy khó lường

Hôm 6/10, tướng Erik Kurilla, Chỉ huy Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ (CENTCOM), phụ trách hoạt động quân sự ở Trung Đông, đã đến Israel. Tại đây, ông gặp Bộ trưởng Gallant và các chỉ huy quân sự cấp cao của Israel, một phần là để can ngăn đồng minh không tấn công các địa điểm hạt nhân hoặc cơ sở dầu mỏ của Iran.

Nhưng dường như phía Israel tới nay vẫn chưa cam kết sẽ thông báo trước cho Mỹ về cuộc tấn công dự kiến ​​vào Iran. Trong các phát biểu công khai, quan chức Mỹ chỉ nêu bật quá trình trao đổi thường xuyên giữa quan chức cấp cao hai nước. Ông Austin và ông Gallant đã trao đổi hơn 80 lần trong năm qua, người phát ngôn Lầu Năm Góc Sabrina Singh cho biết hôm 8/10.

Cuộc gặp mặt đã bị hủy của hai Bộ trưởng lẽ ra sẽ giúp Washington biết được một số chi tiết về kế hoạch tấn công, bao gồm các mục tiêu tiềm năng, theo giới chức Mỹ thạo tin. "Có một số điều họ không thể trao đổi qua điện thoại", một quan chức Israel cho biết.

Một số quan chức Mỹ cho biết, Israel có thể mở cuộc tấn công trả đũa lớn hơn cuộc tấn công hồi tháng 4 - vốn chỉ là màn phô trương hỏa lực nhằm vào radar của một hệ thống chống tên lửa ở Iran - nhưng sẽ không tấn công vào các địa điểm hạt nhân và cơ sở dầu mỏ. Lần này, Israel có thể tấn công cơ sở hạ tầng tình báo và quân sự của Iran.

Bất cứ cuộc tấn công nào của Israel cũng có thể gây ra hệ lụy trong chính trường Mỹ, khi mà cuộc bầu cử tổng thống đang đến gần và nền kinh tế là vấn đề hàng đầu của chiến dịch tranh cử. Giá dầu từng bật tăng vào tuần trước sau khi ông Biden gợi ý rằng phía Mỹ đang cân nhắc liệu có nên ủng hộ Israel tấn công vào các cơ sở dầu mỏ của Iran hay không.

Một ngày sau đó, Tổng thống Biden tham gia họp báo tại Nhà Trắng và tuyên bố rằng Israel nên kiềm chế tấn công các cơ sở dầu mỏ của Iran.

Vấn đề Trung Đông

Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách "Châu Phi - Trung Đông: Những vấn đề chính trị và kinh tế nổi bật". Cuốn sách giới thiệu cuộc cải cách thể chế chính trị và kinh tế ở châu Phi và Trung Đông từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay. Cuốn sách bao trùm nhiều vấn đề về sắc tộc, khả năng giải quyết mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo, chính sách của các nước lớn, dầu mỏ, khí đốt ở hai khu vực này,...

Ông Biden tuyên bố không ủng hộ Israel tấn công cơ sở hạt nhân Iran

Trong bối cảnh Israel có động thái đáp trả loạt tên lửa của Iran, Washington lo ngại viễn cảnh bất ổn gia tăng kéo theo một cuộc chiến toàn diện có thể nổ ra ở Trung Đông

Mỹ phản ứng sau khi Iran phóng tên lửa tấn công Israel

Tổng thống Joe Biden chỉ đạo quân đội Mỹ hỗ trợ phòng thủ Israel chống lại bất cứ cuộc tấn công nào trong tương lai vì Mỹ “hoàn toàn ủng hộ” đồng minh.

Lầu Năm Góc gửi thêm quân và phi đội chiến đấu cơ đến Trung Đông

Trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa Israel và Hezbollah, Lầu Năm Góc hôm 30/9 (giờ địa phương) cho biết Tổng thống Joe Biden đang gửi thêm "vài nghìn" quân đến Trung Đông.

Lạc Chi

Bạn có thể quan tâm