Sơ đồ khu liên hợp sản xuất vũ khí hóa học Muthanna do CIA cung cấp. Ảnh: Daily Mail. |
Khu liên hợp Muthanna bị Mỹ dội bom năm 1991 trong chiến tranh Vùng Vịnh. Tuy nhiên, theo Liên Hợp Quốc, chỉ một phần vũ khí của khu liên hợp bị phá hủy. Sau đó, chính phủ Iraq nắm giữ Muthanna.
Hồi tháng 6, các quan chức Iraq thông báo cho Liên Hợp Quốc rằng khu liên hợp đã rơi vào tay phiến quân IS ngày 11/6. Ngày 30/6, Đại sứ Iraq tại Liên Hợp Quốc, Mohamed Ali Alhakim, thông báo những hình ảnh trên camera cho thấy các thiết bị bên trong khu liên hợp bị lấy đi. Sau đó, các tay súng Hồi giáo tháo gỡ camera quan sát của khu sản xuất vũ khí. Theo ông Mohamed, vũ khí hóa học nằm tại hầm số 13 và 41 bên trong khu liên hợp.
Muthanna là cơ sở sản xuất các loại chất độc thần kinh bao gồm Sarin vào đầu những 1980 và đầu những năm 1990. Mỗi năm khu liên hợp có thể sản xuất được 4.000 tấn chất độc hóa học. Sarin là một chất độc cực mạnh, được sử dụng như một chất độc thần kinh. Trong lĩnh vực quân sự, nó được dùng làm vũ khí hóa học và được Liên Hợp Quốc xếp vào loại Vũ khí hủy diệt hàng loạt. Năm 1993, Hiệp định Vũ khí hóa học đã cấm sản xuất và tích trữ Sarin. Khi xâm nhập cơ thể, Sarin sẽ tác động đến khả năng truyền tín hiệu của các tế bào thần kinh. Do các tế báo thần kinh không thể truyền tín hiệu điều khiển, các cơ bắt đầu mất kiểm soát và gây ra cái chết ngạt do cơ hoành không hoạt động.
Một góc bên trong khu liên hợp Muthanna. Ảnh: Getty. |
Thông tin IS đang giữ vũ khí hóa học đang khiến quốc tế lo ngại. Hôm 15/10, hãng tin Hufington Post dẫn thông tin từ báo cáo ngày 12/10 của Trung tâm Nghiên cứu Toàn cầu về Quan hệ Quốc tế, một nhánh của Trung tâm Liên ngành ở Herzliya, Israel, cho biết IS đã sử dụng vũ khí hóa học để tấn công binh sĩ người Kurd tại Kobani, Syria hồi tháng 7.
Cơ quan quốc tế về các vấn đề Trung Đông MERIA ngày 12/10 cũng công bố những bức ảnh cho thấy các nạn nhân người Kurd thiệt mạng trong cuộc đụng độ với IS có thể đã chết vì chất độc hóa học.
Nisan Ahmed, một quan chức y tế của cộng đồng người Kurd tại Kobani, kết luận rằng 3 thi thể của binh sĩ người Kurd không có vết đạn.
Tờ Al-Modon tiếng Ả Rập ngày 16/7 đăng tải bài viết có đoạn: “Các vết bỏng và nốt trắng trên thi thể các nạn nhân người Kurd cho thấy dấu hiệu của việc sử dụng vũ khí hóa học. Nạn nhân không bị thương và không chảy máu ngoài”.
Nếu thông tin IS đang sở hữu vũ khí hóa học là xác thực thì mối đe dọa của IS đối với an ninh thế giới càng lớn khiến nỗ lực toàn cầu chống lại tổ chức Hồi giáo này cấp bách hơn bao giờ hết.