a |
Trả lời phỏng vấn độc quyền Hãng tin CNN, một tay súng IS với mật danh Abu Talha khẳng định các đợt không kích của liên quân Mỹ, châu Âu và Arab “không gây tổn thất đáng kể” đối với IS. Bởi IS đã có sự chuẩn bị từ trước để đối phó với các đợt không kích.
“Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng từ lâu. Chúng tôi biết các căn cứ của mình đã bị các hệ thống rađa và vệ tinh phát hiện, do đó chúng tôi có những căn cứ dự phòng”, Abu Talha tiết lộ.
Hắn chế nhạo việc liên quân bắn phá các cơ sở của IS ở Syria như phương tiện vận chuyển và nhà máy lọc dầu.
“Chúng tôi có nhiều nguồn thu khác ngoài dầu. Nguồn tài chính của chúng tôi sẽ không khô cạn chỉ vì việc mất vài nhà máy lọc dầu. Họ (liên quân) tưởng rằng mình biết tất cả mọi thứ. Nhưng tạ ơn thánh Allah, họ chẳng biết gì cả. Chúng tôi sẽ đánh bại bọn vô đạo”, Abu Talha tự tin.
Hắn cho rằng liên quân do Mỹ cầm đầu sẽ không thể ngăn cản IS xây dựng đế chế Hồi giáo ở Syria và Iraq. “Nếu họ tấn công chúng tôi ở địa điểm này, chúng tôi sẽ di chuyển đến địa điểm khác. Nếu bị đẩy lùi ở Iraq, chúng tôi sẽ tấn công ở bắc Syria”.
“Phần lớn các trại huấn luyện và căn cứ của IS đã bị bỏ trống trước khi bị đánh bom”, tay súng nổi dậy Mohammad Hassan ở đông Syria cho biết. Báo Wall Street Journal dẫn lời một số tay súng nổi dậy ở Syria đánh giá các cuộc không kích là vô hiệu quả.
Cư dân Syria và lực lượng nổi dậy khẳng định phiến quân IS đã rời khỏi các căn cứ quân sự và tòa nhà chính phủ chúng từng chiếm đóng, đưa vũ khí và con tin đến nhiều nơi khác nhau, rời bỏ các trại huấn luyện…
Ở cả Syria và Iraq, chúng ngừng giương cờ đen khi di chuyển và ngụy trang các xe quân sự. Chúng còn hòa vào đám đông thường dân các thành phố. Do đó, quân đội Mỹ và các nước liên minh rất khó xác định mục tiêu IS để bắn phá từ trên không.
Một vấn đề nữa là ngay từ ban đầu, Mỹ đã xác định mục đích của chiến dịch không kích là khá hạn chế.
Ở Iraq, mục tiêu chỉ là bảo vệ các cơ sở và lợi ích Mỹ và hỗ trợ quân đội Iraq. Ở Syria, cường độ các cuộc không kích không lớn mãi cho đến tận hôm qua 14/10.
Điều quan trọng nhất là đối với bất kỳ cuộc chiến nào, chỉ không kích là không đủ mà điều kiện tối thiểu để chiến thắng là phải triển khai cả không kích và bộ binh. Các cuộc không kích chỉ có hiệu quả khi lực lượng bộ binh tràn vào các khu vực mà phiến quân IS đã rút đi.
Các chiến dịch không kích của Mỹ ở Libya và Yemen đều không có hiệu quả cần thiết. Libya đã rơi vào hỗn loạn với nhiều nhóm phiến quân Hồi giáo hoạt động, trong khi Yemen trở nên bất ổn hơn bao giờ hết.
Điều đáng nói là chính quyền Mỹ, châu Âu và các nước Arab đều đã bác bỏ khả năng đưa bộ binh vào Syria và Iraq để chống IS. Chiến lược mà Tổng thống Mỹ Barack Obama công bố là đào tạo cho lực lượng Quân đội giải phóng Syria (FSA), nhóm nổi dậy lớn nhất tại nước này, và phát triển năng lực của quân đội Iraq.
Đó sẽ là các lực lượng bộ binh để chống lại IS. Nhưng vấn đề là phần lớn giới quan sát phương Tây đều đánh giá đây là nhiệm vụ đòi hỏi rất nhiều thời gian, tính bằng năm. Mỹ sẽ phải tốn rất nhiều tiền bạc và công sức trước khi FSA và quân đội Iraq đủ sức tấn công trực diện IS.
Một số chuyên gia Mỹ cho rằng nếu thật sự muốn “làm suy yếu tối đa” IS ở cả Syria và Iraq, liên quân Mỹ sẽ phải tăng cường đột biến các cuộc không kích. Nếu không, sẽ chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi phiến quân IS tiếp tục tung hoành ở Syria và Iraq.
Tỉnh Anbar ngay bên cạnh Baghdad đã sụp đổ, thành phố Kobani ở Syria cũng sắp bị phá hủy rồi.