Trong nhiều năm, quán bar của Abu George ở thành phố Damascus phục vụ các loại bia nhập khẩu với chân dung của những nhân vật ngoại quốc nổi tiếng như Che Guevara hay Marilyn Monroe. Nhưng giờ đây, loại bia mà khách hàng thưởng thức ở quán bar này là bia 100% nội địa.
Khi nội chiến nổ ra vào năm 2011, hai nhà máy bia chính của Syria ngừng sản xuất, khiến người tiêu dùng phải tìm đến những loại bia nước ngoài, đắt tiền hơn. Rồi đến khi bạo lực lùi dần nơi đây, thị trường Syria lại được đón nhận những loại bia nội địa mới.
Dọc theo con hẻm chật hẹp ở trung tâm lịch sử của thủ đô Damascus là san sát những quán rượu nhỏ. Ở đó, một nhóm các cô gái mặc áo trắng đang phân phát miễn phí bia nhãn hiệu Afamia cho người qua lại.
Trong quán bar của Abu George, khách hàng cầm những chai bia nâu, được trang trí bằng một nhãn dán màu xanh và vàng với dòng tuyên bố Afamia là "Bia của Syria".
"Đó là sáng kiến hay", đồng sở hữu quán bar Ghassan Salloum nói. "Bia sẽ được đón nhận nồng nhiệt, ai cũng muốn có một loại bia của quốc gia".
Công nhân nhà máy sản xuất bia Arados. Ảnh: AFP. |
Người đàn ông 61 tuổi với bộ râu quai nón lướt qua từng bàn để đặt những bát lạc muối không thể thiếu cho bữa nhậu. Tiếng nhạc ồn ào làm át tiếng cụng bia. "Tôi đã ở đây 20 năm rồi, từ cái thời người ta rất chuộng bia Syria", Salloum kể.
Trước năm 2011, hai thương hiệu bia địa phương thống trị thị trường Syria: Barada với nhà máy nằm ở ngoại vi Damascus, và Al-Sharq, tại thành phố lớn thứ hai của đất nước là Aleppo.
Ước mơ đựng trong chai bia
Al-Sharq đã phải đóng cửa vì bạo lực ở Aleppo leo thang. Barada thì bị những trận chiến tàn phá. Chính phủ Syria quy trách nhiệm cho "những phần tử cực đoan" còn phiến quân lại buộc tội quân đội.
"Tôi rất buồn khi chiến tranh tàn phá các nhà máy bia, vì vậy hôm nay tôi rất vui khi lại được uống bia Syria", Elias, một khách hàng 27 tuổi, chia sẻ. Anh nhấm một ngụm Afamia mát lành, loại bia được đặt theo tên thành phố Apamea ở miền Trung của Syria.
Nhà máy sản xuất Afamia ở phía đông của Damascus đã chuẩn bị sẵn sàng để đi vào hoạt động năm 2010, nhưng sau khi cuộc xung đột ở Syria nổ ra vào đầu năm 2011, nhà máy đóng cửa và những chai bia đã tưởng như không bao giờ đến được các cửa hàng.
Thế nhưng hoạt động sản xuất đã được nối lại từ cuối hè năm nay. Bia Afamia hiện có mặt khắp nơi, từ Damascus đến Homs, rồi cả thành phố biển Tartus.
Bên trong một quán bar tại thủ đô Damascus. Ảnh: Reuters. |
Dọc "đại lộ bar" trong thành cổ Damascus, nhà sáng lập Afamia Sabbah Khaddur đang kiểm tra mọi thùng bia được đưa đến các quán rượu. "Tôi sợ sẽ không bao giờ được uống bia Syria nữa", Khaddur, 42 tuổi, nói với AFP. "Tôi thực sự muốn nếm một ly bia với một cái tên Syria".
Giấc mơ của ông là khiến Afamia trở thành "một trong những nhà máy bia lớn nhất khu vực", cạnh tranh với các loại bia sản xuất tại Lebanon hoặc Ai Cập.
Nguyên liệu từ Séc
Bên bờ Địa Trung Hải thuộc Syria, một nhà máy bia khác cũng đang hoạt động, với sự trợ giúp từ Cộng hòa Séc.
Sau khi chiến tranh bùng nổ, nhiều nước cắt đứt quan hệ ngoại giao với Syria, rồi các lệnh trừng phạt kinh tế của Liên Hợp Quốc và phương Tây đã phức tạp hóa thương mại ở đất nước này. Nhưng Séc là một trong số ít quốc gia vẫn giữ quan hệ với Syria, và chủ nhà máy bia Bassel Abbas đang tận dụng điều này.
Để tạo nên loại bia có tên Arados, Bassel Abbas mang về từ Séc đủ thứ nguyên liệu, từ hoa bia, lúa mạch đến nắp, nhãn, chai và cả kỹ năng sản xuất. "Đại sứ quán Séc mở cửa, do đó sự liên lạc giữa hai nước chúng tôi dễ dàng hơn". Abbas nói. Tuy nhiên, bia vẫn 100% là của Syria, ông khẳng định.
Các chai màu xanh được khử trùng và chất đầy trên dây chuyền băng tải tại nhà máy ở thị trấn Safita. Abbas cho biết ông chọn Safita bởi nó không nằm trong đường đi của làn sóng bạo lực đã xé toạc những vùng khác của Syria.
Bia Arados, với nhãn dán màu trắng đơn giản, được đặt theo tên một hòn đảo ngoài khơi Tartus.
Những tháng năm đợi chờ sự quay lại của bia nội địa đã kết thúc với người dân Syria. Ảnh: AFP. |
"Những nguyên liệu chính đều được nhập từ Séc và không nằm trong danh sách hàng cấm của các lệnh trừng phạt", người đàn ông 37 tuổi từng sống nhiều năm ở Séc cho biết.
Arados có mặt trên các quầy bar từ mùa hè và được bán với giá 0,8 USD. Bia nước ngoài thường có giá gần gấp đôi, khoảng 1,5 USD.
Cả Arados lẫn Afamia đều chưa công bố doanh thu bán hàng. Abbas cho biết ông gặp chút khó khăn trong việc quảng bá thương hiệu của mình ở một đất nước "không cho phép quảng cáo đồ uống có cồn".
"Nhưng đó không chỉ là vấn đề lợi nhuận", Abbas nói.
Nhắc đến quê hương Abbas, rất nhiều người trong khu vực và trên thế giới chỉ nghĩ đến chiến tranh, bom đạn và các nhóm thánh chiến. Vì vậy, ý nghĩa của những chai bia này còn lớn hơn rất nhiều bởi chúng "thể hiện hình ảnh một Syria cách xa chủ nghĩa cực đoan".