Ông Nguyễn Quang Khai, nguyên đại sứ Việt Nam tại Iraq kiêm nhiệm Jordan và Yemen, là chuyên gia hàng đầu về Trung Đông. Bài viết thể hiện ý kiến cá nhân của riêng ông về việc Mỹ tuyên bố bắn rơi máy bay không người lái của Iran hôm 18/7.
Đại sứ Nguyễn Quang Khai. Ảnh: NVCC. |
Nhiều khả năng tàu đổ bộ USS Boxer của Hải quân Mỹ đã bắn nhầm chiếc máy bay không người lái của chính mình.
Ngày 18/7 tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố với các phóng viên: “Trong khuôn khổ các hành động phòng thủ, tàu đổ bộ USS Boxer của Mỹ đã bắn hạ một chiếc máy bay không người lái của Iran khi chiếc máy bay này tiếp cận rất gần tàu Mỹ, ở khoảng cách khoảng 1.000 yard (914,4 mét)".
"Máy bay Iran không những đã phớt lờ nhiều tín hiệu cảnh báo mà thậm chí còn đe dọa đến an toàn của con tàu và đoàn thủy thủ. Chiếc máy bay không người lái này ngay lập tức bị phá hủy và đây là vụ mới nhất trong nhiều hành động khiêu khích và thù địch của Iran đối với các tàu của Mỹ hoạt động trong vùng biển quốc tế. Mỹ giữ quyền bảo vệ các quân nhân, các cơ sở và lợi ích của mình", ông Trump nói.
Tình hình căng thẳng, dễ bùng nổ
Không lâu sau đó, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif đã nói với các phóng viên tại Liên Hợp Quốc rằng ông không biết việc này. Đồng thời, Bộ Ngoại giao Iran cũng tuyên bố Iran không mất một máy bay nào và sẽ công bố các bằng chứng cho thấy Hải quân Mỹ đã bắn nhầm chính chiếc UAV của mình.
Ngay khi nghe Tổng thống Trump tuyên bố tàu USS Boxer của Hải quân Mỹ bắn rơi chiếc máy bay không người lái của Iran do chiếc máy bay này "có hành động khiêu khích", tôi đã có ý nghi ngờ.
Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif (phải) và Thứ trưởng Seyed Abbas Araghchi. Ảnh: AFP/Getty. |
Iran đang cùng với các nước châu Âu thảo luận các biện pháp nhằm tháo ngòi nổ, cứu vãn thỏa thuận hạt nhân 2015 (JCPOA), đồng thời đưa ra sáng kiến mới về việc mở rộng phạm vi thanh sát các cơ sở hạt nhân của mình và sẵn sàng thực hiện Nghị định thư bổ sung của Hiệp ước Cấm phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT). Tehran cũng bày tỏ sẵn sàng đàm phán với Mỹ để giải quyết các bất đồng trong quan hệ giữa hai nước.
Trong bối cảnh như vậy, không có lý do gì Iran lại đưa máy bay của mình ra vùng biển quốc tế để khiêu khích, gây căng thẳng với Mỹ.
Tình hình khu vực Vùng Vịnh đang hết sức căng thẳng, dễ bùng nổ do sự hiện diện lớn về quân sự của Mỹ và một số nước khác.
Chính quyền Trump cũng đang chuẩn bị triển khai quân đến Saudi Arabia, đối thủ lớn của Iran tại khu vực, theo truyền thông Mỹ. Bất cứ hành động nào thiếu tính toán kỹ lưỡng đều có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường.
Vấn đề hiện nay là tập trung mọi cố gắng để ngăn chặn leo thang và tháo ngòi nổ. Iran tuyên bố sẵn sàng bảo vệ đất nước, nhưng vẫn tìm cách tránh một cuộc đối đầu quân sự với Mỹ. Tôi cho rằng Iran không có lợi ích gì để gây sự với Mỹ và gây bất ổn ở khu vực Vùng Vịnh, vì đây có thể trở thành cái cớ để Mỹ tấn công.
Hơn nữa, các nhà chỉ huy quân sự của Iran thừa hiểu rằng việc đưa một máy bay không người lái đến gần tàu đổ bộ USS Boxer vào loại hiện đại nhất của Mỹ thì không thể tránh khỏi bị bắn hạ. Trong mọi trường hợp, không ai lại đi đến một quyết định liều lĩnh như vậy.
Tàu đổ bộ USS Boxer của Hải quân Mỹ. Ảnh: AP. |
Cần thêm bằng chứng vụ việc
Cuối cùng, mặc dù Iran nói Hải quân Mỹ đã bắn nhầm chiếc máy bay không người lái của chính mình, đến nay Nhà Trắng vẫn chưa đưa ra phản ứng nào. Chúng ta cần đợi thêm các bằng chứng của phía Iran về vụ này.
Cũng cần phải nhắc lại rằng đây không phải là lần đầu tiên quan chức Mỹ và Iran đưa ra những tuyên bố trái ngược về sự cố liên quan đến máy bay không người lái tại khu vực eo biển Hormuz.
Tháng trước, lực lượng Iran đã bắn rơi một UAV do thám của Mỹ trong vụ việc suýt chút nữa dẫn đến hành động trả đũa quân sự từ Washington.
Mỹ nói máy bay - một chiếc Global Hawk có tầm bay cao - đang hoạt động trong không phận quốc tế. Ngược lại, Tehran khẳng định rằng máy bay Mỹ đã xâm phạm không phận cách bờ biển Iran 13 km và nằm trong lãnh hải 12 hải lý mà Iran tuyên bố.
Nếu đây là một sự nhầm lẫn thực sự, thì rõ ràng bộ máy thông tin của quân đội Mỹ có nhiều lỗ hổng. Còn nếu không phải là nhầm lẫn, thì có thể Iran đang áp dụng chiến lược mà họ áp dụng lâu nay: phủ nhận hợp lý, dù là với tàu chở dầu, tàu bị mất tích hay máy bay không người lái.