Tạp chí quốc phòng Jane’s Defence Weekly, Anh đưa tin, Hải quân Indonesia (TNI-AL) đã ký hợp đồng mua hệ thống phòng thủ tầm cực gần Type-730 do Tổng công ty Công nghiệp Bắc Trung Quốc (NORINCO) sản xuất.
Hợp đồng được một nguồn tin trong TNI-AL xác nhận với Jane’s Defence Weekly vào ngày 23/8. Hệ thống Type-730 sẽ thay thế cho pháo AK-230 30 mm lắp ở phía trước trên tàu hộ tống KRI Silas Papare (386), lớp Parchim do Liên Xô chế tạo. Indonesia đã mua lại 16 tàu loại này từ Đông Đức.
Công ty đóng tàu nhà nước Indonesia PT PAL sẽ phối hợp với NORICO để tiến hành thay thế vũ khí Nga bằng vũ khí Trung Quốc tại cơ sở Surabaya vào năm 2017.
Sau khi thay thế thành công Silas Papare sẽ là con tàu thứ 2 của lớp tàu này được lắp hệ thống phòng thủ của Trung Quốc. Trước đó, Indonesia đã thay thế pháo AK-230 trên tàu hộ tống KRI Sultan Thaha Syaifuddin (376) bằng hệ thống Type-730 của Trung Quốc.
Hệ thống Type-730 sẽ thay thế cho pháo AK-230 (vòng tròn đỏ) trên tàu hộ tống lớp Parchim của Hải quân Indonesia. Ảnh: Jane's Defence Weekly |
Trong năm 2015, tàu 376 đã tiến hành thử nghiệm đánh chặn thành công mục tiêu giả định trên biển và trên không. Ngoài tàu hộ tống lớp Parchim, Type-730 cũng được lựa chọn để lắp trên tàu tên lửa tấn công nhanh KCR-60M do Indonesia chế tạo.
Type-730 là hệ thống phòng thủ tầm cực gần (CIWS) do Trung Quốc chế tạo. Hệ thống được thiết kế để đánh chặn tên lửa chống hạm, máy bay tầm thấp, vũ khí dẫn đường công nghệ cao và mục tiêu mặt nước cỡ nhỏ.
Hệ thống gồm pháo kiểu ổ quay Gatling 7 nòng, cỡ 30 mm, radar tìm kiếm mục tiêu và điều khiển hỏa lực TR47C, cảm biến quang điện OFC-3. Hệ thống được chế tạo dạng khép kín và có khả năng tác chiến độc lập cao.
Pháo có tốc độ bắn tối đa khoảng 5.800 viên/phút, tầm bắn hiệu quả khoảng 2,5 km. Type-730 là hệ thống phòng thủ tầm cực gần chủ lực trên hầu hết các tàu chiến hiện đại của Trung Quốc như tàu khu trục Type-052B, 052C, 052D, 051C, tàu hộ vệ tên lửa Type-054A.