30/8 là ngày trọng đại đối với cô bé Akila Malawa, 12 tuổi, học sinh trung học tại thủ đô Jakarta của Indonesia. Đây là lần đầu tiên cô bé được đến lớp sau gần 18 tháng.
“Cháu thấy hơi lo”, Akila nói. “Nhưng cháu vui vì được gặp lại bạn bè”.
“Cháu hy vọng dịch bệnh sẽ chấm dứt ở Indonesia để được đến trường và gặp bạn bè mỗi ngày”, Amalwin Harjodisastra, bạn cùng lớp của Akila, chia sẻ.
Sau thời gian dài phong tỏa, Indonesia đang dần mở cửa lại đất nước khi số ca mắc mới Covid-19 có chiều hướng giảm rõ rệt. Tuy vậy, giới chức nước này vẫn đề cao cảnh giác, đề phòng tình hình diễn biến theo chiều hướng xấu đi.
Kế hoạch mở cửa
Để mở cửa trường học, chính phủ Indonesia phải giải quyết một vấn đề lớn: Làm sao để đảm bảo an toàn cho các em học sinh khi số ca mắc mới Covid-19 vẫn ở mức vài nghìn trường hợp mỗi ngày?
Mối lo ngại này đặc biệt lớn đối với những phụ huynh có con học ở khu vực dễ bị tổn thương. Ví dụ, trường trung học Jubilee tại Bắc Jakarta nằm gần bệnh viện Kemayoran, trung tâm cấp cứu bệnh nhân Covid-19 lớn nhất của thành phố.
Nhân viên y tế phun khử khuẩn trong một lớp học tại Indonesia. Ảnh: Reuters. |
Để giúp phụ huynh và các em học sinh yên tâm, các biện pháp phòng dịch chặt chẽ được áp dụng.
Tại trường trung học Jubilee, các phòng học đều được phun khử khuẩn trước và sau giờ lên lớp. Bàn học được sắp xếp lại để đảm bảo khoảng cách, trong khi học sinh bị hạn chế di chuyển bên ngoài lớp học. Học sinh cũng không được nói chuyện trong lớp và luôn phải đeo khẩu trang.
Theo quy định của chính phủ, trường học phải có đủ nhà vệ sinh, trang thiết bị rửa tay để được mở cửa. Bên cạnh đó, chỉ có tối đa 50% học sinh được tham gia học trực tiếp. Một số trường thậm chí còn đưa ra quy định chặt chẽ hơn. Trường trung học Jubilee chỉ cho phép 25% học sinh đến lớp.
Chính quyền thành phố Jakarta cũng dành ra 70 chiếc xe buýt chuyên chở học sinh đến trường để giảm nguy cơ nhiễm bệnh bên ngoài trường học.
“Chúng ta không thể để trẻ em trở thành ‘thế hệ bị bỏ quên’ sau thời gian dài phải học tập một cách nhàm chán và cô độc giữa đại dịch Covid-19”, các chuyên gia giáo dục Indonesia nhận định.
Ngoài mở cửa trường học, Indonesia cũng cho phép nhiều ngành nghề hoạt động với quy mô hạn chế.
Với việc được giảm cấp độ giãn cách từ mức 4 xuống mức 3, thủ đô Jakarta và phần lớn đảo Java - nơi sinh sống của hơn 100 triệu người - cho phép nhà hàng, quán ăn, quán cà phê mở cửa trở lại.
Nhà hàng tại thủ đô Jakarta của Indonesia được mở cửa đón khách tối đa 50% công suất. Ảnh: Reuters. |
Ban đầu, các nhà hàng chỉ được đón khách ở tối đa 25% sức chứa, trong khi thực khách chỉ được ăn uống không quá 30 phút. Khi tình hình dịch bệnh được cải thiện, những quy định này cũng được nới lỏng. Từ ngày 7/9, thời gian ăn được nới rộng lên một giờ, trong khi sức chứa tối đa tăng lên 50%.
Bên cạnh đó, chính phủ Indonesia cũng cho phép các địa điểm du lịch dần mở cửa trở lại. Trong thời gian thử nghiệm, những địa điểm này phải tuân thủ quy tắc phòng dịch và hướng dẫn y tế, cũng như không được đón trẻ em dưới 12 tuổi. Nhân viên và du khách đều phải tiêm vaccine.
Theo quy định về giãn cách mức 3 của Indonesia, chợ truyền thống và trung tâm thương mại bán hàng thiết yếu được mở cửa đến 21 giờ với 50% công suất tối đa. Những cửa hàng bán hàng không thiết yếu chỉ được mở cửa đến 17 giờ. Hiệu thuốc vẫn được mở cửa 24/24 giờ.
Các cơ quan, công sở hoạt động trong lĩnh vực không thiết yếu vẫn phải áp dụng hình thức làm việc từ xa. Trong khi đó, các lĩnh vực như tài chính, ngân hàng, thông tin, truyền thông, sản xuất hàng xuất khẩu… được hoạt động từ 10-50% công suất.
Phong tỏa và vaccine là chìa khóa
Để có thể dần đưa cuộc sống trở lại bình thường, Indonesia dựa vào hai biện pháp chính: phong tỏa đất nước và tiêm vaccine.
Khác với nhiều quốc gia khác, tình hình dịch bệnh tại Indonesia chưa bao giờ thực sự “lắng xuống” kể từ đầu năm 2020. Mỗi ngày, quốc gia Đông Nam Á này vẫn ghi nhận gần 10.000 ca mắc mới Covid-19.
Số ca mắc mới Covid-19 trong ngày tại Indonesia từ đầu năm 2021 đến nay. Đồ họa: Our World in Data. |
Số người Indonesia được tiêm ít nhất một mũi vaccine. Đồ họa: Our World in Data. |
Chính phủ Indonesia không muốn áp dụng biện pháp hạn chế mạnh tay vì lo ngại hậu quả với nền kinh tế. Thay vào đó, nước này chỉ áp dụng các lệnh phong tỏa rời rạc đối với từng khu vực.
Bước sang tháng 6, số ca mắc mới Covid-19 trong ngày tại Indonesia bắt đầu gia tăng đột biến, đỉnh điểm lên tới hơn 50.000 ca mỗi ngày.
Tình hình dịch bệnh chưa từng có buộc chính phủ nước này phải áp đặt các biện pháp phong tỏa mạnh mẽ. Các cơ sở thờ tự bị buộc phải đóng cửa. Nhà hàng chỉ được bán đồ ăn mang về. Nhiều người lao động phải làm việc tại nhà.
Bên cạnh đó, Indonesia cũng thúc đẩy tiêm chủng vaccine Covid-19 để tạo miễn dịch trong cộng đồng.
Chiến dịch tiêm chủng của Indonesia được Tổng thống Joko Widodo khởi động ngày 13/1 bằng vaccine Sinovac của Trung Quốc. Sinovac cũng là loại vaccine được sử dụng chủ yếu tại quốc gia Đông Nam Á này.
Bên cạnh những lô vaccine được nhập khẩu trực tiếp, một phần vaccine Sinovac mà Indonesia sử dụng được sản xuất bởi công ty dược phẩm nội địa Bio Farma sau khi nhận nguyên liệu thô từ Trung Quốc.
Ngoài ra, Indonesia còn sử dụng cả vaccine của AstraZeneca, Sinopharm, Moderna và Pfizer-BioNTech. Tính đến đầu tháng 9, nước này đã nhận tổng cộng 225,4 triệu liều vaccine các loại.
Theo dữ liệu của Bộ Y tế Indonesia, đến ngày 7/9, 68.815.815 người (tương đương với 33,04% dân số từ 12 tuổi trở lên) đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine. Trong đó, 39.444.076 người (18,94% dân số từ 12 tuổi trở lên) được tiêm đủ hai mũi.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo là một trong số những người Indonesia đầu tiên được tiêm chủng bằng vaccine Sinovac. Ảnh: Straits Times. |
Ngoài ra, Indonesia đã triển khai tiêm mũi vaccine thứ ba cho 726.589 người. Đây là những nhân viên y tế ở tuyến đầu chống dịch.
Bên cạnh đó, một số đối tượng như giáo viên hay học sinh được ưu tiên tiêm vaccine để trường học có thể mở cửa. Tính đến ngày 7/9, khoảng 659.000 (tương đương với 92,5%) thiếu niên từ 12 đến 17 tuổi và 85% giáo viên tại Jakarta đã được tiêm vaccine Covid-19.
Nhờ phong tỏa và vaccine, Indonesia đang dần thu được trái ngọt. Số ca mắc mới mỗi ngày đã giảm xuống mức 4 con số. Hôm 6/9, tỷ lệ mẫu xét nghiệm có kết quả âm tính lần đầu xuống dưới mức 5% kể từ tháng 3/2020. Trong đỉnh dịch, tỷ lệ này của Indonesia là 33,4%.
Tuy vậy, giới chuyên gia nhận định thách thức vẫn còn đó. “Tôi vừa vui mừng nhưng cũng vừa lo ngại trước sự suy giảm này”, chuyên gia dịch tễ học Dicky Budiman tại Đại học Griffith, Australia, nhận xét. “Chính phủ đã nỗ lực, nhưng điều này là chưa đủ để giúp chúng ta ra khỏi khủng hoảng.
Ông cũng chỉ ra tình hình cải thiện chủ yếu ở các thành phố lớn. Một số khu vực tại Indonesia như hòn đảo du lịch Bali vẫn phải áp dụng các biện pháp hạn chế ở cấp độ cao nhất khi dịch bệnh chưa được kiểm soát.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo cũng kêu gọi người dân đề cao cảnh giác.
“Mọi người cần nhận thấy Covid-19 luôn ẩn giấu”, ông nói. “Nếu chúng ta lơ là cảnh giác, số ca bệnh sẽ tăng trở lại”.