In 3D, phòng thử đồ ảo thay đổi cách bạn shopping thế nào?
Thứ hai, 9/12/2019 10:08 (GMT+7)
10:08 9/12/2019
Những tiến bộ công nghệ, sự bùng nổ của mạng xã hội trong thập kỷ qua đã mang đến nhiều thay đổi lớn trong cách người dùng mua sắm.
Nhờ sự phổ biến của Internet, 68% khách hàng Mỹ đang sử dụng hình thức đặt hàng trực tuyến, nhận tại cửa hàng (BOPIS). Cách này giúp khách hàng tiết kiệm chi phí vận chuyển nhưng vẫn chắc chắn có được món hàng ưa thích. Không chỉ tại Mỹ, nhiều nhà bán lẻ trên thế giới đã áp dụng hình thức đặt hàng này. Ảnh: Business Insider.
Năm 2015, Ralph Lauren là nhãn hàng đầu tiên triển khai phòng thử đồ thông minh tại các cửa hàng, bên trong là chiếc gương kiêm màn hình tương tác. Khách hàng có thể điều chỉnh ánh sáng phòng, yêu cầu đổi cỡ trang phục hoặc lựa chọn sản phẩm khác ngay từ màn hình này. Ảnh: Alizila.
Các cửa hàng còn hưởng lợi với nhãn sản phẩm áp dụng công nghệ RFID (radio-frequency identification). Với công nghệ này, nhân viên cửa hàng có thể kiểm tra giá bán, theo dõi hàng tồn kho và vòng đời sản phẩm. Ảnh: Business Insider.
Mã QR cũng đóng vai trò cực kỳ quan trọng, đặc biệt trong sự ra đời của các cửa hàng ảo như Amazon Go. Khi mua sắm tại đây, khách hàng sẽ sử dụng mã QR để check-in. Sau khi lựa hàng xong, quét mã một lần nữa để thanh toán trước khi rời cửa hàng. Ảnh: AP.
Không thể bỏ qua những tác động từ mạng xã hội. Instagram giới thiệu tính năng mua sắm vào tháng 11/2016. Rất nhiều cửa hàng, doanh nghiệp đã tận dụng nền tảng này để thu hút một lượng lớn khách hàng. Với tính năng đặt hàng trực tiếp, Instagram đang trở thành kênh mua sắm thực thụ. Ảnh: The National.
Một số nền tảng như Pinterest đã phát triển công nghệ "quét sản phẩm". Theo đó, người dùng chỉ cần tải lên bức ảnh bất kỳ, sau đó chọn khu vực chứa món đồ cần tìm xem nó bán ở đâu, có sản phẩm nào tương tự không. Ảnh: Pinterest.
Sự phát triển của in 3D đã tạo ra các sản phẩm độc đáo. Hãng thời trang Adidas đang sử dụng công nghệ này cho một số giày, áo khoác của mình. Ảnh: Getty Images.
Chatbot cũng là một trong những thay đổi quan trọng. Nhiều nhà bán lẻ đã sử dụng chatbot thay cho nhân viên tư vấn để hỗ trợ người dùng đặt hàng, giải đáp thắc mắc cơ bản một cách nhanh chóng. Ảnh: BI Intelligence.
Nhờ các dịch vụ thanh toán như Apple Pay hay Samsung Pay, người dùng có thể thanh toán nhanh chóng trên smartphone mà không cần tiền mặt hay thẻ tín dụng. Ảnh: Gap.
Thực tế tăng cường (AR) đã và sẽ trở thành một phần quan trọng của ngành thương mại. Với công nghệ AR, người dùng có thể thử màu son, phấn mắt với camera trên điện thoại mà không cần đến cửa hàng. Các công ty đồ nội thất có thể sử dụng công nghệ này để khách hàng chọn được món đồ phù hợp với không gian, ánh sáng nhà cửa. Ảnh: IKEA.
Không chỉ sân bay, quét cơ thể cũng đang đi vào lĩnh vực mua sắm. Các công ty như Naked Labs đã phát triển công nghệ quét cơ thể 3D cung cấp các thông tin cân nặng, chiều cao, chỉ số cơ thể và số đo 3 vòng. Kết hợp chúng với một chiếc gương thông minh, khách hàng có thể lựa chọn, thử những món đồ phù hợp với vóc dáng. Ảnh: Getty Images.