Mới đây, Sơn Kim Retail và Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) đã ký kết thỏa thuận đầu tư trị giá 460 tỷ đồng (tương đương 20 triệu USD) nhằm mục tiêu phát triển kinh doanh của Công ty TNHH GS 25 Việt Nam (GS25 VN) - thuộc hệ sinh thái Sơn Kim Retail.
Đại diện doanh nghiệp cho biết đây được xem là một trong những cột mốc quan trọng trong kế hoạch thu hút thêm nhiều khoản đầu tư lớn vào Sơn Kim Retail nhằm chuẩn bị cho sự phát triển bứt phá của ngành bán lẻ tại thị trường Việt Nam trong những năm tới.
Cũng tại buổi lễ này, GS25 VN đã ký kết hợp đồng tư vấn với IFC nhằm nâng cao các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, giảm thất thoát và lãng phí thực phẩm.
Theo đó, trong thời gian tới, chuỗi cửa hàng tiện lợi này sẽ triển khai kế hoạch mở rộng chuỗi cửa hàng với độ phủ trên toàn quốc.
Thực tế, khoản đầu tư 20 triệu USD này đã được IFC cân nhắc hồi cuối năm ngoái. Theo thông báo trước đó, khoản đầu tư dự kiến được sử dụng để thúc đẩy việc mở rộng chuỗi cửa hàng GS25 tại Việt Nam trong 3 năm tới. Chi phí dự án ước tính là 1.056 tỷ đồng (tương đương 46 triệu USD), bao gồm chi phí xây dựng, thiết bị, công cụ, vật tư và tiền đặt cọc thuê cửa hàng.
GS25 (thuộc GS Retail - Tập đoàn GS Group) là chuỗi cửa hàng tiện lợi của Hàn Quốc ra mắt tại Việt Nam vào đầu năm 2018 thông qua liên doanh với Sơn Kim Retail thuộc Tập đoàn Sơn Kim. Theo IFC, Sơn Kim Retail đang sở hữu 70% còn GS Retail của Hàn Quốc đang sở hữu 30% tại GS25 Việt Nam. Sau 4 năm kể từ ngày cửa hàng đầu tiên ra mắt, GS25 trở thành thương hiệu có số lượng cửa hàng tiện lợi đứng thứ hai tại Việt Nam.
Tính đến nay, GS25 Việt Nam có khoảng 200 cửa hàng, chủ yếu ở TP.HCM và các tỉnh lân cận. Mục tiêu của chuỗi cửa hàng này là sau 10 năm gia nhập thị trường Việt Nam, GS25 sẽ có hệ thống 2.500 cửa hàng trên toàn quốc.
Những năm gần đây, thị trường cửa hàng tiện lợi tại Việt Nam chứng kiến sự gia tăng nhanh chóng về số lượng của nhiều thương hiệu như Circle K, FamilyMart, GS 25, 7- Eleven, Ministop... nhất là ở các thành phố lớn trên cả nước.
Về phía đơn vị đầu tư, IFC - một thành viên của Ngân hàng Thế giới, là tổ chức phát triển toàn cầu lớn nhất tập trung vào khu vực kinh tế tư nhân tại các thị trường mới nổi. IFC hoạt động tại hơn 100 quốc gia, sử dụng vốn, chuyên môn và tầm ảnh hưởng của mình để tạo ra thị trường và cơ hội tại các nước đang phát triển.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.