Theo dữ liệu của Trading Economics hôm 7/4 (theo giờ Việt Nam), trong vòng 24 giờ qua, giá dầu thô WTI có thời điểm rơi xuống hơn 95,5 USD/thùng - mức thấp nhất trong vòng gần 3 tuần qua - rồi bật tăng phần nào lên gần 98 USD/thùng.
Còn giá dầu thô Brent giảm xuống hơn 100 USD/thùng, rồi tăng nhẹ lên 102,7 USD/thùng. Đây cũng là mức thấp nhất kể từ ngày 17/3.
Nói với Zing, chuyên gia quốc tế giải thích giá dầu biến động sau thông báo của Cơ quan Năng lượng Thế giới (IEA) về việc xả kho dầu dự trữ.
Giá dầu thô Brent biến động trong vòng 24 giờ qua. Ảnh: Trading Economics. |
IEA xuất kho dầu
"Giá dầu lao dốc chỉ sau một đêm, sau khi IEA tuyên bố xuất kho 120 triệu thùng dầu thô. Như vậy, thị trường dầu đã bị tác động bởi tuyên bố của IEA và chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden", ông Jeffrey Halley - chuyên gia tài chính cấp cao, phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại OANDA - giải thích với Zing.
Hôm 6/4, IEA cho biết các nước thành viên đã đồng ý xả kho 120 triệu thùng dầu thô. Theo ông Fatih Birol - Giám đốc điều hành IEA, chi tiết về những khoản đóng góp sẽ sớm được công khai.
Con số 120 triệu thùng dầu đã bao gồm 60 triệu thùng do Mỹ đóng góp từ kho dự trữ dầu chiến lược (SPR) của nước này.
60 triệu thùng của Mỹ thuộc cam kết xuất kho 180 triệu thùng dầu do chính quyền Tổng thống Joe Biden đưa ra hồi tháng 3. Trước đó, Washington cho biết sẽ xả kho 1 triệu thùng dầu/ngày trong vòng vài tháng nhằm bù đắp tình trạng thiếu hụt nguồn cung do cuộc chiến ở Ukraine.
Sau khi giá dầu lao dốc nhờ thông báo của IEA, châu Á - vốn là một khu vực 'đói năng lượng' - đã tranh thủ mua vào với mức giá giảm, điều này đẩy giá dầu tăng nhẹ
Ông Jeffrey Halley, chuyên gia tài chính cấp cao, phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại OANDA
"Sau khi giá dầu lao dốc nhờ thông báo của IEA, châu Á - vốn là một khu vực 'đói năng lượng' - đã tranh thủ mua vào với mức giá giảm, điều này đẩy giá dầu tăng nhẹ", ông Halley giải thích.
Theo ông Halley, giá dầu còn chịu sức ép bởi các lệnh phong tỏa tại Trung Quốc - quốc gia tiêu thụ dầu lớn. "Nhu cầu dầu sụt giảm ở đất nước 1,4 tỷ dân là lực cản lớn nhất đối với đà tăng giá dầu", ông nhận định.
Thượng Hải - thành phố lớn nhất tại Trung Quốc - là một trong những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi làn sóng Omicron. Giới chức Thượng Hải vừa mở rộng phạm vi phong tỏa ra khu vực phía đông thành phố, đồng thời gia hạn phong tỏa đối với khu vực phía Tây, sau khi kế hoạch phong tỏa từng phần chưa thể làm giảm số ca mắc Covid-19 mới.
Khoảng 193 triệu người ở Trung Quốc hiện sống trong những khu vực bị phong tỏa một phần hoặc hoàn toàn. Theo báo cáo của ông Ting Lu - nhà kinh tế trưởng tại Nomura, các khu vực này chiếm khoảng 22% GDP của đất nước.
Các lệnh phong tỏa tác động mạnh tới hoạt động đi lại, vận chuyển và sản xuất tại Trung Quốc, vốn tiêu thụ lượng dầu lớn. Theo dữ liệu chính thức, trong kỳ nghỉ lễ kéo dài từ ngày 3/4 đến 5/4 vừa qua, những hạn chế đi lại và lệnh phong tỏa khiến người Trung Quốc khó đi du lịch.
Biến động liên tục
Theo trang đặt phòng Trip.com, hầu hết du khách đặt phòng nghỉ tại vùng nông thôn hoặc những điểm du lịch gần nhà. Dữ liệu của Cục Bưu điện Quốc gia cũng chỉ ra số kiện hàng được nhận và chuyển phát trong kỳ nghỉ lễ đã giảm khoảng 13% so với một năm trước đó.
S&P Global Commodity Insights đã hạ dự báo tiêu thụ xăng, dầu diesel và nhiên liệu máy bay của Trung Quốc xuống còn 1 triệu thùng/ngày trong tháng qua, tức giảm 600.000 thùng/ngày.
"Tôi cho rằng giá dầu Brent sẽ được duy trì ở phạm vi 100-120 USD/thùng, còn giá dầu WTI dao động trong vùng 95-115 USD/thùng", chuyên gia tài chính Halley dự báo.
Theo giới quan sát, việc IEA xả kho dự trữ và nhu cầu dầu lao dốc tại Trung Quốc giúp hạ nhiệt giá dầu, vốn đang trên đà tăng cao vì các lệnh trừng phạt của phương Tây nhắm vào Nga.
Hôm 5/4, Ủy ban châu Âu đã đề xuất lệnh cấm sử dụng than của Nga nhằm trừng phạt Điện Kremlin vì cuộc chiến ở Ukraine. Giới chức châu Âu cũng đang cân nhắc cấm dầu Nga để chặn nguồn thu quan trọng của Moscow.
Các lệnh trừng phạt bổ sung của EU đe dọa đẩy giá dầu tăng cao hơn nữa. Ảnh: Reuters. |
"Chúng tôi đang thảo luận về các biện pháp trừng phạt bổ sung, bao gồm lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga", bà Ursula von der Leyen - Chủ tịch Ủy ban châu Âu - tiết lộ.
Hôm 5/4, bà Annalena Baerbock - Thứ trưởng Bộ ngoại giao Đức - cho biết Liên minh châu Âu (EU) sẽ sớm chấm dứt hoàn toàn việc mua nhiên liệu hóa thạch của Nga, bắt đầu từ than đá.
Hôm 4/4, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng tuyên bố EU nên tiến hành các biện pháp trừng phạt đối với dầu của Nga. Tuyên bố được đưa ra sau thông tin về những hành động tàn bạo của Nga ở các thị trần gần thủ đô Kyiv.
Theo dữ liệu chính thức, EU nhập khẩu 19,3% lượng than từ Nga vào năm 2020. Trong cùng năm, EU mua của Nga 36,5% lượng dầu và 41,1% lượng khí đốt tự nhiên tiêu thụ.