CNBC đưa tin hôm 5/4, Ủy ban châu Âu đã đề xuất lệnh cấm sử dụng than của Nga nhằm trừng phạt Điện Kremlin vì cuộc chiến ở Ukraine.
“Chúng tôi sẽ áp đặt lệnh cấm nhập khẩu than từ Nga, trị giá 4 tỷ euro (4,39 tỷ USD) mỗi năm. Quyết định này có thể chặn một nguồn thu quan trọng khác của Nga", bà Ursula von der Leyen - Chủ tịch Ủy ban châu Âu - nhấn mạnh.
Việc áp đặt lệnh trừng phạt lên Moscow là một thách thức lớn với Liên minh châu Âu (EU). Bởi nhiều quốc gia thành viên của khối phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng từ Nga.
Năm 2020, EU mua của Nga 36,5% lượng dầu và 41,1% lượng khí đốt tự nhiên tiêu thụ. Ảnh: Reuters. |
Các biện pháp trừng phạt mới
Theo dữ liệu chính thức, EU nhập khẩu 19,3% lượng than từ Nga vào năm 2020. Trong cùng năm, EU mua của Nga 36,5% lượng dầu và 41,1% lượng khí đốt tự nhiên tiêu thụ.
“Các hành động tàn bạo không và sẽ không thể bị làm ngơ. Thủ phạm của những tội tác tày trời không thể không bị trừng phạt", bà Ursula von der Leyen nhấn mạnh.
Hôm 6/4, giới chức châu Âu sẽ thảo luận về các biện pháp trừng phạt mới và đưa ra quyết định cuối cùng.
Các đề xuất mới bao gồm lệnh cấm giao dịch hoàn toàn đối với 4 ngân hàng quan trọng của Nga, bao gồm VTB; lệnh cấm tàu Nga cập cảng châu Âu; lệnh cấm xuất khẩu 10 tỷ EUR những mặt hàng bao gồm máy tính lượng tử và chất bán dẫn tiên tiến.
Châu Âu chịu sức ép trong việc trừng phạt lĩnh vực năng lượng của Nga và chặn nguồn thu lớn của Moscow, nhất là khi các nước nhập khẩu năng lượng vẫn tăng mua dầu và khí đốt của Nga.
Chúng tôi đang thảo luận về các biện pháp trừng phạt bổ sung, bao gồm lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga
Bà Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban châu Âu
Điều này đang chia rẽ EU. Một số quốc gia ủng hộ lệnh cấm nhập khẩu năng lượng của Nga. Nhưng những nước khác cho rằng động thái đó sẽ tác động lớn tới nền kinh tế của chính họ mạnh hơn nền kinh tế Nga.
Hôm 4/4, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố EU nên tiến hành các biện pháp trừng phạt đối với dầu của Nga. Tuyên bố được đưa ra sau thông tin về những hành động tàn bạo của Nga ở các thị trần gần thủ đô Kyiv.
Cụ thể, Ukraine cáo buộc Nga sát hại gần 300 dân thường vô tội ở Bucha. Tuy nhiên, Nga khẳng định không hề có hành động bạo lực với dân thường trong thời gian kiểm soát thị trấn gần thủ đô Kyiv này.
"Chúng tôi đang thảo luận về các biện pháp trừng phạt bổ sung, bao gồm lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga", bà Von der Leyen tiết lộ. Tuy nhiên, giới quan sát nhận định các biện pháp này chỉ được đưa ra nếu cuộc chiến ở Ukraine leo thang hơn nữa.
Hôm 5/4, bà Annalena Baerbock - Thứ trưởng Bộ ngoại giao Đức - cho biết EU sẽ sớm chấm dứt hoàn toàn việc mua nhiên liệu hóa thạch của Nga, bắt đầu từ than đá.
Quyết định khó khăn
Việc chấm dứt nguồn cung khí đốt của Nga sẽ là quyết định thách thức lớn nhất đối với EU. Đức, Hungary và Austria đều e ngại trước lệnh cấm này.
Hôm 4/4, Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner cho biết trong thời gian ngắn, Đức muốn giảm phụ thuộc vào nhập khẩu năng lượng Nga. "Đức sẽ ủng hộ các biện pháp trừng phạt hơn nữa đối với Moscow", ông nhấn mạnh.
Theo ông, EU cần cô lập và cắt mọi mối quan hệ kinh tế với Nga. "Nhưng hiện tại, chúng ta vẫn chưa thể dừng nguồn cung khí đốt", ông thừa nhận.
Trước khi Nga phát động cuộc chiến ở Ukraine, khí đốt của Nga tương đối rẻ, dễ vận chuyển và có nguồn cung dồi dào. Cùng với đó, kế hoạch mở đường ống Nord Stream 2 tới Đức giúp châu Âu có thể giảm sản lượng năng lượng tại chỗ và bắt đầu đóng cửa các nhà máy than, lò phản ứng hạt nhân nhằm tập trung vào các nguồn sạch hơn.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), EU đã nhập khẩu khoảng 155 tỷ m3 khí đốt từ Nga vào năm ngoái. Do xung đột, khối này muốn cắt giảm 2/3 nhập khẩu khí đốt Nga trong năm nay.
Châu Âu muốn thay thế nguồn cung dầu khí của Nga. Nhưng kế hoạch này có thể kéo dài và tốn kém. Ảnh: Reuters. |
Để giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga, châu Âu đang gấp rút đẩy mạnh dòng chảy khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) và tăng cường sản xuất từ các nguồn tái tạo vào năm 2030.
Nhưng giới quan sát nhận định kế hoạch giảm phụ thuộc vào năng lượng Nga của châu Âu sẽ phải kéo dài và tốn kém. Bởi cuộc chiến ở Ukraine cũng khiến thép, đồng và nhôm trở nên khan hiếm, đắt đỏ.
"Chi phí xây dựng sẽ đắt hơn dự định của chính phủ. Một số dự án có thể bị trì hoãn vì giá nguyên vật liệu tiếp tục tăng cao", ông Grant Sporre - nhà phân tích của Bloomberg Intelligence - nhận định.
"Thế giới vẫn có thể sống mà không cần tới nguồn cung từ phía Nga. Điều đó là chắc chắn. Nhưng chúng ta vẫn cần thời gian để điều chỉnh", ông Andrew Forrest - nhà sáng lập Fortescue Group Metals - bình luận.