7h sáng, Kim Uyên ra ban công tưới hoa như mọi ngày. Lại một tuần mới bắt đầu, chị chợt thấy nhen nhóm niềm vui trong lòng khi những chốt chắn gần nhà vừa được tháo gỡ đêm qua.
Mấy hôm nay, bạn bè của Uyên ai cũng bàn tán rất sôi nổi về bình thường mới. Nào là họ sẽ làm gì, ăn gì ngay sau khi thành phố mở cửa những dịch vụ thường ngày. Riêng Kim Uyên, chị chỉ mong được đi tập thể dục trở lại.
Mong chung cư mở lại phòng gym
Hơn 4 tháng, kể từ khi tình hình dịch Covid-19 trở nên căng thẳng ở TP.HCM, chị Kim Uyên (26 tuổi, cư dân River Gate, quận 4) chỉ ở nhà. Những hôm cuối tuần rảnh rỗi, cả hội bạn của Uyên rủ nhau gọi điện rồi tập mấy bài yoga cùng cô giáo đã đồng hành cùng họ suốt thời gian qua.
“Ở nhà nhiều xương cốt yếu đi hay sao ấy. Tôi mà không tranh thủ giãn cơ, tập thể dục thì sợ tới lúc thành phố mở cửa chẳng có sức mà đi chơi”, Kim Uyên hài hước nói.
Hồ bơi, phòng gym,... là những tiện ích bị đóng cửa trong suốt thời gian giãn cách vừa qua. Ảnh: NVCC. |
Thay vì ủ ê, chán nản, Uyên tìm cho mình cách thích nghi để tinh thần phấn chấn lên. Chị nhớ đến phòng gym dưới căn chung cư. Uyên tiết lộ nó là lý do chính để chị dọn về tòa nhà này.
Phòng gym vừa rộng, vừa đủ thiết bị lại có cái gương hỗ trợ trong quá trình tập luyện. Không cần phải trả thêm tiền cho các trung tâm ở ngoài, Kim Uyên ưu tiên dùng các tiện ích của tòa nhà.
“Những lúc như thế này, tôi mới thấy trân quý cuộc sống bình dị của mình. Tôi hy vọng chung cư mở lại phòng gym để những người trẻ như tôi có chỗ luyện tập. Có thêm hồ bơi nữa thì càng tốt, nhưng tôi không dám mong nhiều”, chị chia sẻ.
Dù vậy, Uyên cho rằng những khu vực công cộng này cần được bố trí thêm bảo vệ kiểm soát lượt người ra vào. Đồng thời, số lượng cũng nên hạn chế ở mức 50% so với trước đây.
Được đi siêu thị, đi bộ nội khu
Quốc Duy (25 tuổi, cư dân Masteri An Phú, TP Thủ Đức) cho biết đã tiêm đủ 2 mũi vaccine. Khu anh ở có chốt chặn các đầu, chỉ duy nhất một chốt xe lưu thông nhưng cũng phải khai báo với lý do chính đáng hoặc xuất trình giấy đi đường.
Nhờ kiểm soát dịch tốt, nơi đây hiện là vùng xanh an toàn. Duy mong muốn được đi siêu thị lại theo hình thức tem phiếu.
"Dịch thay đổi thói quen sống của chúng ta, từ đi chợ truyền thống sang hình thức đi chợ hộ và mua hàng qua mạng. Phương án tạm thời này tốt, nhưng không thể theo mãi được", Duy nói.
Quốc Duy quan niệm "khi yên tâm về lương thực, mọi chuyện mới suôn sẻ". Ảnh: NVCC. |
Theo chia sẻ của Quốc Duy, nhiều người không có thói quen trữ đồ ăn nhiều ngày trong tủ lạnh. Kể cả anh là người vốn rành rõi chuyện bếp núc cũng đau đầu vì việc lên kế hoạch, sắp xếp tủ lạnh. Do đó, Duy mong sớm được tự mình đi siêu thị, đi chợ mua thực phẩm.
Mỹ Dung (32 tuổi, cư dân The Pegasuite, TP Thủ Đức) là giao dịch viên tại một ngân hàng có tiếng. Ngoài công việc chính, chị còn bận rộn với cuộc sống "mẹ bỉm". Con gái 5 tuổi của chị Dung đã không đi học và gặp gỡ bạn bè suốt 4 tháng qua.
Ở độ tuổi này, chị lo lắng con cảm thấy bí bách vì ở nhà quá nhiều. Cộng thêm việc khu chung cư nơi gia đình chị ở đã là vùng xanh, chị hy vọng công viên nội khu mở cửa trở lại.
Hiện, quận 7 chạy thí điểm cho người dân đi bộ, tập thể dục nội khu. Ảnh: Y Kiện. |
“Thời điểm dịch bệnh, sức khỏe thể chất và tinh thần đều quan trọng. Nếu được ra ngoài hít thở không khí trong lành, chạy bộ vài vòng thì thích biết mấy”, chị Dung bày tỏ.
Là người mẹ, chị Dung trăn trở khi nhìn con nhỏ phải ăn thịt đông lạnh. Chờ ngày siêu thị hoạt động, chị sẽ đãi cả nhà một bữa linh đình với thịt, rau và cá.
Nới lỏng chốt kiểm dịch
Liên tục cập nhật tình hình dịch bệnh qua báo chí, Kimberly (26 tuổi, cư dân Masteri An Phú, TP Thủ Đức) tâm sự: “Thành phố cho phép mở cửa trở lại, tôi vẫn sẽ cân nhắc ở nhà”.
Hiện, chị chưa tiêm đủ 2 mũi. Bố mẹ lớn tuổi, em gái dưới 18 tuổi chưa được tiêm nên Kimberly lo ngại việc tiếp xúc người ngoài có khả năng mang bệnh về nhà.
Nếu muốn mua gì, cô gái 26 tuổi lại sử dụng ứng dụng giao hàng. Từ đồ gia dụng, điện tử,... cho đến thực phẩm tươi mỗi ngày đều có thể tìm thấy với một click chuột.
Các chốt kiểm soát dịch và rào chắn gây khó khăn cho lực lượng shipper. Ảnh: Duy Hiệu. |
Tuy nhiên, đường vào nhà Kimberly có nhiều chốt kiểm dịch và rào chắn. Điều này khiến các shipper gặp khó khăn trong việc định vị phương hướng. Kimberly cảm thấy rất ngại, cô thường phải gửi thêm cho tài xế một khoản "bồi dưỡng" sau mỗi cuốc xe.
“Giờ đây khi các shipper đã được tiêm phòng 1-2 mũi, test nhanh 2 ngày/lần và 95% cư dân được chích ngừa, tôi mong các chốt kiểm soát được nới lỏng”, Kimberly chia sẻ.
Với Hoàn Thiện (29 tuổi, cư dân chung cư Nhiêu Tứ, quận Phú Nhuận), anh bày tỏ mong muốn được mua thức ăn mang về.
“Nhà tôi nằm gần đường Phan Xích Long - khu phố ẩm thực. Từ khi TP cho phép các hộ kinh doanh ăn uống hoạt động, các hàng quán gần trong khu vực cũng rục rịch bán. Dù cách nhà 5 bước chân nhưng theo quy định, quán không bán cho cư dân. Muốn mua, tôi phải đặt qua app và chờ shipper nhận đơn. Quy trình cồng kềnh, chưa kể mức phí cao”.
Hoàn Thiện cho rằng các hàng quán mở bán mang về sẽ giúp giảm gánh nặng lên đội ngũ shipper. Về phần chủ các quán ăn và nhà hàng, họ có thể yêu cầu khách xuất trình giấy xác nhận tiêm 2 mũi vaccine.
Bạn đọc ở TP.HCM có câu chuyện muốn chia sẻ hay vấn đề cần phản ánh có thể gửi thông tin về hộp mail Saigontalk@zing.vn.