Báo Wall Street Journal đánh giá tuyên bố hôm 12/7 của nhóm bộ trưởng khối đồng euro sẽ trở thành một trong những sự trừng phạt ngoại giao tàn khốc nhất trong lịch sử Liên minh châu Âu (EU), một tổ chức ra đời với mục tiêu thúc đẩy hòa bình và sự hài hòa nội khối.
Giờ đây châu Âu đang công khai đe dọa một thành viên của "đại gia đình", buộc Hy Lạp phải chịu lệ thuộc hoặc bỏ đồng Euro.
Khối sử dụng đồng euro ép Athens thực hiện hàng loạt biện pháp thắt lưng buộc bụng còn khắc nghiệt hơn nhiều so với những biện pháp cử tri nước này đã phản đối từ cuộc trưng cầu ý dân. Chính quyền Hy Lạp sẽ phải bán tài sản nhà nước, chấp nhận để các chủ nợ nước ngoài kiểm soát chặt chẽ các hoạt động tài chính.
Đức, nền kinh tế hàng đầu châu Âu và là chủ nợ lớn nhất của Hy Lạp, chính là quốc gia thể hiện sự cứng rắn đối với Athens.
WSJ dẫn lời chuyên gia Wolf Piccoli thuộc tổ chức Teneo Intelligene nhận định các bộ trưởng khối đồng euro đang buộc Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras phải giao chìa khóa "cánh cửa đất nước cho châu Âu”.
Piccoli dự báo Thủ tướng Hy Lạp có thể sẽ từ chức nếu Athens chịu nhục chấp nhận “tối hậu thư” của châu Âu.
Thủ tướng Tsipras lầm tưởng việc người dân nước quyết liệt phản đối các điều kiện hà khắc của châu Âu sẽ giúp ông có lợi thế đàm phán với châu Âu, nhưng kết quả cuộc trưng cầu ý dân chỉ là một chiến thắng vô nghĩa. Ông chẳng có bất kỳ lợi thế nào sau đó. Các chủ nợ châu Âu tỏ thái độ cứng rắn đến mức "đất nước của các vị thần" buộc phải cúi đầu, đệ trình các biện pháp cải cách tài chính đầy gian khổ.
Nhưng giờ đây, dù Hy Lạp chấp nhận đáp ứng các đòi hỏi cũ của châu Âu thì các chủ nợ vẫn chưa thỏa mãn. Vấn đề có thể là châu Âu “ngứa mắt” với đảng Syriza. Một số nhà quan sát nhận định những diễn biến vừa qua cho thấy Syriza không quyết tâm chống thắt lưng buộc bụng mà thực tế muốn đất nước Hy Lạp tự quyết định số phận, tự đưa ra các giải pháp.
Có lẽ đó chính là lý do các nhà lãnh đạo châu Âu lo ngại. Nhiều khả năng khối đồng euro cho rằng đảng Syriza sẽ không thực hiện các biện pháp giảm chi một cách nghiêm túc.
Hơn nữa, nếu châu Âu tỏ thái độ mềm dẻo với Hy Lạp vì “nổi loạn”, rất có thể các nền kinh tế đang lao đao vì nợ nần và thắt lưng buộc bụng khác như Tây Ban Nha, Italy và Bồ Đào Nha cũng vùng dậy. Khi đó khu vực đồng Euro sẽ rắc rối to, Đức sẽ thiệt hại lớn. Vì thế Thủ tướng Đức Angela Merkel đã tỏ ra hết sức cứng rắn với Athens.
Sự cứng rắn của các bộ trưởng trong cuộc họp ở Brussels cho thấy Hy Lạp sợ phải rời khối đồng euro hơn Đức và một số quốc gia châu Âu khác. Vấn đề là Athens sẽ phản ứng tiếp theo như thế nào.
Cuộc sống bấp bênh ở Hy Lạp trong cơn khủng hoảng
Đời sống người dân Hy Lạp, quốc gia chìm trong cuộc khủng hoảng từ cuối năm 2009, sẽ càng khốn đốn nếu Athens phải rời khỏi khu vực đồng Euro.
Mỹ, Nhật hối thúc châu Âu cứu Hy Lạp
Giới chức Mỹ và Nhật Bản kêu gọi các nước thuộc Liên minh châu Âu tìm ra giải pháp để ngăn chặn viễn cảnh Hy Lạp phải rời khỏi khu vực đồng Euro.
Cuộc sống bấp bênh ở Hy Lạp trong cơn khủng hoảng
Đời sống người dân Hy Lạp, quốc gia chìm trong cuộc khủng hoảng từ cuối năm 2009, sẽ càng khốn đốn nếu Athens phải rời khỏi khu vực đồng Euro.