Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hương vị Hà thành đượm từng trang ký ức

"Hà thành hương xưa vị cũ" không chỉ là những tản văn kỷ niệm của một người Hà Nội, mà còn là một cuốn sách có thể tra cứu về những tập tục sinh hoạt, ẩm thực Hà Nội xưa.

Am thuc Ha Noi anh 1

Bộ sách hai tập Hà thành hương xưa vị cũ.

Một món ăn có thể khiến người ta nhớ mãi không quên đâu phải chỉ vì cái ngon của người nấu đem lại, mà còn bởi ở không gian ấy, thời gian ấy, đã có những ai chia sẻ cùng ta. Như là vị nước chè xanh hãm nước mưa những ngày cha mẹ còn đủ đầy và hơi ấm gia đình thân thương dưới mái nhà phố cổ Hà thành. Như là mùi canh dưa bà ngoại nấu trên bếp than quả bàng sôi lục bục trong một chiều chớm đông xa xưa. Là ngày còn thơ bé chí chóe chia nhau miếng nhỏ miếng to ầm bếp của mấy chị em mỗi khi vét xoong, trộn chảo, lau cối. Hay là mùi cháy cơm chấm muối vừng rang từ trong ký ức còn thơm mãi đến bây giờ...

Đó là những ký ức trong Hà thành hương xưa vị cũ của tác giả Vũ Thị Tuyết Nhung. Cuốn sách tập hợp những bài tạp bút và du khảo về đời sống Hà Nội, trong đó đa số là viết về ẩm thực đất kinh kỳ mà nhà phê bình Văn Giá đã chia sẻ: “Đọc các trang viết về ẩm thực Hà Nội của Vũ Thị Tuyết Nhung, tôi được hiểu thêm về Hà Nội. Và nhất là yêu thêm Hà Nội, ân cần với Hà Nội từ những điều tưởng như rất nhỏ”.

Thật vậy, những trang sách Hà thành hương xưa vị cũ đưa độc giả đến với miếng ngon Hà Nội một thời. Đó là cái ngon của đủ đầy như “thang, cuốn - cỗ Tết hóa vàng”, “canh bóng cúm hèm”, cháo cá cám, cuốn tôm, bún chả, nem rán, vịt giấm ghém, nộm cổ truyền, sủi cảo, mỳ vằn thắn... đến “hương vị kỳ diệu” trong những món ăn bình dị của một thời gian khó với “cái duyên cơm nguội”, “thức ăn mùa mưa bão”, chuyện cơm độn và gạo “bẩy nổi ba chìm”, “cái ngon vét xoong”, cơm cặp lồng, mía hấp... Mỗi miếng ngon ấy đều thấm đượm dư vị từ ký ức của tác giả mỗi khi nhớ về những món ăn từ căn bếp của bà, của mẹ.

Viết về ẩm thực nhưng không chỉ nghiêng về thưởng thức hay cảm nhận về các món ăn, quán ăn, mà đặc biệt ở chỗ tác giả Vũ Thị Tuyết Nhung là “người trong cuộc”. Chị đi từ vai trò người “phụ bếp” khi còn nhỏ đến sau này lập gia đình trở thành người “giữ lửa” căn bếp, cho nên, những nếp ăn Hà thành được bà, được mẹ dạy từ khi bé thơ, hay sau này nấu ăn trong gia đình đã được chị trải trên từng trang viết.

Giản đơn như một món dưa cà, cũng phải chọn dưa cà nào thích hợp với món ăn nào, hễ lấy nhầm “không đúng ý mẹ tôi là bà bắt đổ vào, lấy lại”. Hay mỗi món canh chua Hà Nội cũng “đòi hỏi một vài loại rau gia vị riêng”, có khi “nếu đàn bà, con gái Hà Nội đi làm dâu cho chính các gia đình Hà Nội, mà nghe bà mẹ chồng dạy một tràng như thế, hẳn sẽ hoa mắt chóng mặt đến phát ngất”...

Không phải sách dạy nấu ăn, nhưng dường như những trang viết của “Hà thành hương xưa vị cũ” đã truyền lại cho độc giả không ít “bí kíp” của nhiều món ăn, nếp ăn Hà Nội một thời.

Theo họa sĩ, nhà nghiên cứu văn hóa Phan Cẩm Thượng, Hà thành hương xưa vị cũ không chỉ là những tản văn về kỷ niệm của một người Hà Nội, mà còn là một cuốn sách có thể tra cứu về những tập tục sinh hoạt và ẩm thực đã có nhiều biến đổi theo thời gian và phần lớn đã chìm trong quá khứ.

Ẩm thực Hà Nội qua góc nhìn của người nấu

“Hà Thành hương xưa vị cũ” mang tới những khảo nghiệm thú vị về văn hóa ẩm thực Hà Thành của một người Hà Nội.

Vịt giấm ghém - món ngon Hà Nội đã bị thất truyền

Món này thường được ăn vào dịp tết Đoan ngọ mùng năm tháng năm âm lịch hay là ngày rằm tháng bảy xá tội vong nhân.

https://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/sach/1057333/huong-vi-ha-thanh-duom-tung-trang-ky-uc

Vân Lam/Hà Nội mới

Bạn có thể quan tâm