Theo ông Ngọ Duy Hiểu, có nhiều kiến nghị liên quan đến tiền lương, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội cho người lao động.
Đề xuất giảm giờ làm việc thấp hơn 48 giờ/tuần
Tại Đại hội, Công đoàn đề xuất tiếp tục nghiên cứu, đổi mới chế độ lương tối thiểu vùng, hướng tới lương đủ sống cho người lao động. Đồng thời cần huy động nguồn lực toàn xã hội thúc đẩy đề án một triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030; quan tâm quy hoạch, xây dựng trường học, cơ sở khám chữa bệnh nơi có đông công nhân… Ngoài ra, cần sớm nghiên cứu, sửa đổi, điều chỉnh thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi của công nhân, lao động - thực hiện nội dung Nghị quyết số 101 kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV.
Đề xuất lao động nữ được nghỉ hưu sớm hơn. Ảnh: Như Ý. |
Cụ thể, nghị quyết này giao Chính phủ căn cứ tình hình phát triển kinh tế - xã hội, nghiên cứu đề xuất giảm thời giờ làm việc bình thường đối với người lao động thấp hơn 48 giờ/tuần và báo cáo Quốc hội xem xét vào thời điểm thích hợp, hướng tới đảm bảo sự công bằng giữa thời giờ làm việc của người lao động khu vực cơ quan, hành chính nhà nước (40 giờ/tuần) và khu vực doanh nghiệp (48 giờ/tuần).
Cùng với đó, cần nghiên cứu tăng ngày nghỉ lễ, tết hàng năm vào thời điểm thích hợp, vì số ngày nghỉ của nước ta đang thấp hơn bình quân chung của các nước Đông Nam Á và thế giới từ 5-6 ngày.
Nghiên cứu bổ sung tăng 2 ngày nghỉ lễ dịp Quốc khánh (nghỉ từ mùng 2-5/9), tạo cơ hội cho công nhân được đưa con đến trường trong ngày khai giảng. “Đây là nguyện vọng rất thiết tha của số đông công nhân có con đang tuổi đến trường. Những kiến nghị trên đây là mong muốn, nguyện vọng chung của đông đảo công nhân lao động và cán bộ công đoàn cả nước”, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu nêu.
Đề xuất lao động nữ nghỉ hưu sớm hơn lộ trình
Tham luận tại Đại hội, Chủ tịch Công đoàn Dệt May Việt Nam Phạm Thị Thanh Tâm cho biết, dệt may là ngành sử dụng nhiều lao động nữ, chiếm trên 67% tổng lao động toàn ngành. Bà Tâm đề xuất kết nối các ngành nghề phù hợp với từng lứa tuổi, để khi người lao động đã hết tuổi nghề ở những công việc nặng nhọc, các trung tâm dịch vụ việc làm có thể giới thiệu họ làm những công việc phù hợp để có thêm thu nhập và tham gia bảo hiểm xã hội, khi về hưu có mức lương đủ sống.
Chủ tịch Công đoàn dệt may đề nghị Bộ LĐTB&XH và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, làm cơ sở xét điều kiện về tuổi hưởng lương hưu của người lao động, trong đó có lao động nữ. Đồng thời, phân loại hợp lý nhóm lao động trực tiếp, lao động làm công việc nặng nhọc độc hại, để người lao động, lao động nữ được nghỉ hưu sớm hơn so với lộ trình tuổi quy định nhằm đảm bảo sức khỏe và an toàn lao động.
Trong khi đó, PGS.TS Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam phản ánh, để có chứng chỉ hành nghề và được đi làm tại các cơ sở y tế, một bác sĩ phải mất 7,5 năm, trong khi cử nhân chỉ học 4 năm. Tuy nhiên, khi ra trường, tiền lương ngạch, bậc, các chế độ phụ cấp hưởng như nhau.
Bà Bình đề nghị Chính phủ trình Quốc hội xem xét điều chỉnh việc xếp lương khởi điểm đối với bác sĩ, bác sĩ y học dự phòng sau khi tuyển dụng được xếp lương bậc 2 đối với tất cả các hạng chức danh. Bên cạnh đó, cần có cơ chế chi lương phù hợp, áp dụng cơ chế tiền lương doanh nghiệp đối với đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên.
Tại họp báo sau Đại hội, ông Ngọ Duy Hiểu cho biết, cách đây 4 tháng, tại phiên họp Hội đồng Tiền lương quốc gia, Tổng LĐLĐ đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng là 5%. Theo ông Hiểu, tại mỗi thời điểm, căn cứ vào tình hình kinh tế - xã hội, sức khỏe doanh nghiệp, mong muốn của người lao động, phía Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ tính toán mức tăng lương tối thiểu khác nhau.