Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hướng đến nền xuất bản chuyên nghiệp, hiện đại

Thực tiễn hoạt động xuất bản đang có nhiều thay đổi về tính chất, quy mô, loại hình, thị trường và công nghệ, đòi hỏi có giải pháp phù hợp để phát triển chuyên nghiệp, hiện đại.

Tiên phong trong lĩnh vực tư tưởng

Trong tiến trình lịch sử cách mạng Việt Nam, nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò quan trọng của hoạt động xuất bản, Đảng ta luôn xác định đây là một lĩnh vực hoạt động tư tưởng sắc bén. Theo Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm, từ năm 1920 đến trước khi thành lập Đảng, Yêu sách của nhân dân An Nam, Con rồng tre, Bản án chế độ thực dân Pháp, Đường Kách mệnh... - những tác phẩm tinh thần bất hủ trong việc lên án chế độ thực dân của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã được xuất bản và đưa về nước để truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, mở đường, dẫn lối cho cách mạng Việt Nam bằng hoạt động tuyên truyền, khơi dậy lòng yêu nước và tự hào dân tộc, mở đường cho sự nghiệp xuất bản cách mạng nước ta.

Sau khi thành lập Đảng, hàng loạt xuất bản phẩm được ra đời, như: Ngày Quốc tế đỏ mồng Một tháng tám, Lịch sử nước ta, Vượt ngục, Tự chỉ trích, Các quyền tự do dân chủ của nhân dân Đông Dương... góp phần tuyên truyền, cổ vũ tinh thần kháng chiến chống Pháp của cả dân tộc.

Nganh xuat ban anh 1

Ngành xuất bản đồng hành cùng lịch sử dân tộc. Ảnh: Th. Nguyên.

Cách mạng Tháng tám năm 1945 thành công, ngành xuất bản cách mạng đã góp phần đắc lực, khẳng định vai trò tiên phong trên lĩnh vực tư tưởng của Đảng, tuyên truyền, giáo dục nhân dân tham gia bảo vệ và xây dựng chính quyền non trẻ.

Ngày 10/10/1952, tại Thủ đô kháng chiến ở Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh 122/SL thành lập Nhà in Quốc gia với bốn nhiệm vụ liên quan đến việc quản lý và phát triển công tác xuất bản, in, phát hành sách báo. Lần đầu tiên ngành xuất bản có một cơ quan vừa là doanh nghiệp quốc gia vừa là cơ quan quản lý Nhà nước thống nhất trên cả ba khâu: xuất bản, in và phát hành. Đây là mốc đánh dấu ngành xuất bản cách mạng nước ta bắt đầu tạo dựng được nền móng. Cũng từ đó, ngày 10/10 được lấy làm ngày truyền thống của ngành xuất bản, in và phát hành sách Việt Nam.

Trải qua các thời kỳ, ngành xuất bản đã không ngừng lớn mạnh, trưởng thành. Theo thống kê, cả nước hiện có 57 nhà xuất bản; 119 công ty phát hành sách; trên 1.550 cơ sở in công nghiệp; 13.770 công ty, trung tâm, siêu thị, nhà sách, hộ kinh doanh sách; 9 văn phòng đại diện đơn vị nước ngoài hoạt động trên lĩnh vực xuất bản đặt tại Việt Nam. Năm 2021, mặc dù chịu tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, toàn ngành xuất bản vẫn đạt trên 40.000 đầu xuất bản phẩm, trong đó có trên 32.000 đầu sách, trên 460 triệu bản xuất bản phẩm, trong đó có 390 triệu đầu sách...

Giải quyết những vấn đề chiến lược

Thực tiễn hoạt động của ngành xuất bản đang có nhiều thay đổi về tính chất, quy mô, loại hình, thị trường và công nghệ. Sự phổ cập của các phương tiện nghe nhìn, mạng xã hội, sự can thiệp của các thiết bị hiện đại, phương thức phát hành tiên tiến và linh hoạt đang đặt ra cho hoạt động xuất bản sự lựa chọn mới theo hướng phải tăng cường ứng dụng công nghệ, nâng cao chất lượng ấn phẩm, tính cạnh tranh và mở rộng thị trường. Hoạt động xuất bản không thể chỉ bó hẹp trong các xuất bản phẩm truyền thống mà cần đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường về sản phẩm sách tương tác, sách điện tử, sách nói...

Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm cho rằng để xuất bản thực sự là vũ khí tư tưởng sắc bén của Đảng, Nhà nước, cần xây dựng nền xuất bản chất lượng, chuyên nghiệp. Tính chuyên nghiệp là yêu cầu cấp bách, trong đó nhấn mạnh các tiêu chí: Xây dựng mục tiêu phát triển dài hạn của nhà xuất bản về quy mô, năng lực, thương hiệu, đội ngũ, chủng loại sách, quan hệ thị trường...; nâng cao năng lực tổ chức bản thảo; tăng cường truyền thông quảng bá sách nhằm khẳng định, tôn vinh những giá trị tinh thần cao quý trong sách phục vụ bạn đọc.

Bên cạnh đó, hướng đến nền xuất bản tinh gọn, hiện đại: xây dựng ngành xuất bản độc lập, tự chủ, hiện đại, nâng cao chất lượng toàn diện xuất bản phẩm và hiệu quả xã hội của hoạt động xuất bản, in và phát hành; hoàn chỉnh quy hoạch tổng thể ngành xuất bản theo hướng xây dựng các tập đoàn xuất bản, tổ hợp xuất bản, khuyến khích các nhà xuất bản chuyên ngành, chuyên sâu...

Những người làm công tác xuất bản, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo nhà xuất bản phải đổi mới tư duy, bắt nhịp thời cuộc, nhạy bén xử lý những tình huống cụ thể, đồng thời giải quyết những vấn đề chiến lược, góp phần nâng cao năng lực hoạt động của ngành.

Khẳng định ngành xuất bản đang đứng trước những thời cơ và thách thức mới, theo Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Nguyên, để phát triển cần tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Trong đó, hoàn thiện thể chế trên cơ sở rà soát, sửa đổi, bổ sung và xây dựng các văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách đồng bộ, thống nhất để quản lý hoạt động xuất bản; đổi mới tư duy quản lý, ứng dụng công nghệ số để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý; tăng cường năng lực hoạt động của ngành phù hợp với xu thế chuyển đổi số; triển khai hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia bằng nguồn ngân sách Nhà nước kết hợp với các chương trình hỗ trợ xuất bản theo hình thức xã hội hóa; phát triển mạng lưới phát hành xuất bản phẩm.

Bên cạnh đó, có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghệ mới vào hoạt động xuất bản, phát triển nguồn nhân lực xuất bản đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số; đẩy mạnh hoạt động thông tin, quảng bá, đưa sách đến độc giả và phát triển văn hóa đọc... Đồng thời, phát triển xuất bản thành ngành kinh tế - công nghệ, chuyển đổi số thành công, đưa xuất bản điện tử thành mũi nhọn phát triển, khẳng định vị thế ngành xuất bản Việt Nam trong khu vực.

Phát triển xuất bản thành ngành kinh tế - công nghệ hiện đại

Qua 70 năm, ngành xuất bản, in và phát hành sách đang có bước chuyển mình mạnh mẽ, thực hiện chuyển đổi số, phát triển bền vững.

Hoạt động in đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng xuất bản phẩm

Sách ảnh "Xuất bản cách mạng Việt Nam - 70 năm đồng hành cùng đất nước" cho thấy quy trình in hiện đại, đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng xuất bản phẩm.

https://daibieunhandan.vn/van-hoa/huong-den-nen-xuat-ban-chuyen-nghiep-hien-dai-i303183/

Thảo Nguyên / Đại biểu Nhân dân

Bạn có thể quan tâm