Theo Bloomberg, cú đòn mới nhất của chính quyền Tổng thống Trump có khả năng hạ gục tập đoàn công nghệ Trung Quốc. Trụ sở của Huawei tại miền nam Trung Quốc rơi vào trạng thái khủng hoảng từ tháng 5, khi Bộ Thương mại Mỹ cấm bán silicon được làm với kỹ thuật hoặc công nghệ Mỹ cho công ty này.
Đây được xem là cú đòn giáng vào hoạt động sản xuất bán dẫn của Huawei, đồng thời ảnh hưởng nghiêm trọng đến những dự án tham vọng khác của công ty Trung Quốc, từ trí tuệ nhân tạo (AI) cho đến dịch vụ di động. Các chuyên gia công nghệ khẳng định kho dự trữ chip của Huawei - linh kiện cần thiết trong các thiết bị viễn thông - sẽ cạn kiệt vào năm 2021.
Nguồn tin Bloomberg tiết lộ các quan chức Huawei đã họp bàn nhiều lần nhưng chưa tìm ra được giải pháp xử lý vấn đề. Công ty Trung Quốc có thể mua chip di động từ các bên thứ ba như Samsung hay MediaTek, nhưng chừng đó là không đủ. Huawei nhiều khả năng sẽ phải chấp nhận việc chất lượng của nhiều sản phẩm cơ bản bị giảm sút.
Huawei đang đối mặt với vô vàn khó khăn vì lệnh cấm của Mỹ. Ảnh: Finacial Times |
Giới quan sát cho biết lệnh cấm mới của Washington là "cuộc không kích" đánh trúng HiSilicon, bộ phận nghiên cứu các lĩnh vực tiên tiến như chip AI của Huawei. Trước đó, HiSilicon được xem là cứu tinh của Huawei khi bị Mỹ cấm vận. Silicon của HiSilicon được đánh giá là có chất lượng ngang Qualcomm và đã có mặt trong nhiều sản phẩm của Huawei.
Nhưng tham vọng của Huawei đang bị cản trở. Mọi nhà sản xuất chip trên thế giới đều cần thiết bị từ các công ty Mỹ để sản xuất các nhóm chip. Nếu Washington thắt chặt lệnh cấm bán silicon, Huawei sẽ không thể đưa vào sử dụng các loại chip hãng này phát triển, đặc biệt trong lĩnh vực dịch vụ di động và 5G.
"HiSilicon sẽ không thể tiếp tục nghiên cứu và đổi mới cho tới khi tìm ra được giải pháp thay thế thông qua nỗ lực tự phát triển và hợp tác với các công ty trong nước. Điều đó sẽ phải mất nhiều năm. Kho dự trữ chip cao cấp của Huawei chỉ còn đủ dùng trong 12-18 tháng", Bloomberg dẫn lời nhà phân tích Charlie Dai của Forrester Research.
Về lâu dài, việc thiếu nguồn cung chip có thể đe dọa chiến dịch phát triển mạng 5G với quy mô 500 tỷ USD của Trung Quốc. Huawei đóng vai trò trung tâm trong sáng kiến Hạ tầng mới trị giá 1.400 tỷ USD của Bắc Kinh nhằm mục tiêu giành vị thế dẫn đầu về công nghệ 5G. Nhưng giờ, Huawei chưa chắc thực hiện được các hợp đồng xây mạng 5G cho các nhà mạng Trung Quốc.