Khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến thăm Anh hồi năm 2016, báo chí Trung Quốc rầm rộ nói về "thời kỳ vàng son" của quan hệ ngoại giao - thương mại giữa hai quốc gia.
Tuy nhiên, trong vài năm qua, gió đã đổi chiều khi khủng hoảng chính trị nổ ra ở Hong Kong, Huawei Technologies gây tranh cãi khi được giao dự án phát triển mạng 5G ở Anh, và việc chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump gây sức ép đòi các đồng minh ở châu Âu và châu Á phải tẩy chay Huawei.
Theo Nikkei, dịch Covid-19 càng đẩy nhanh xu hướng này. Tại Anh, nhiều chính trị gia công khai đặt câu hỏi về trách nhiệm của Trung Quốc trong việc dịch Covid-19 lan rộng và sự phụ thuộc trầm trọng của Anh vào nguồn vốn cũng như dòng hàng hóa từ Trung Quốc.
"Ngừng cúi đầu"
Đồng thời, Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng mong muốn ký một thỏa thuận thương mại tự do với Mỹ theo chiến lược "nước Anh toàn cầu". Giới chuyên gia nhận định chính quyền Tổng thống Trump sẽ đưa những yếu tố hạn chế Trung Quốc vào thỏa thuận thương mại này.
Vai trò của Huawei trong dự án phát triển hạ tầng 5G ở Anh sẽ bị hạn chế đáng kể. Ảnh: Tân Hoa Xã. |
Tuần trước, Anh lên tiếng chỉ trích Trung Quốc vì việc Bắc Kinh dự kiến ban hành luật an ninh tại Hong Kong. Nguồn tin báo chí Anh cho biết chính quyền Thủ tướng Johnson đang thực hiện "Dự án Bảo vệ" để xác định những điểm yếu của Anh trước một số "mối đe dọa từ nước ngoài", bao gồm nguồn cung thuốc men và thiết bị bảo hộ y tế. Khi dịch virus corona chủng mới lan rộng tại Anh, chính quyền ông Johnson buộc phải đặt mua ồ ạt thiết bị bảo hộ y tế từ Trung Quốc.
Đối mặt với sức ép từ chính nội bộ đảng Bảo thủ, Thủ tướng Johnson cũng phải hạn chế vai trò của Huawei trong dự án phát triển hạ tầng 5G tại Anh. ông Johnson cam kết sẽ loại bỏ hoàn toàn tập đoàn Trung Quốc ra khỏi dự án này vào năm 2023 bất chấp nguy cơ triển khai mạng 5G muộn hơn 1-2 năm so với kế hoạch ban đầu.
Trên Daily Telegraph, nhà bình luận chính trị nổi tiếng Charles Moore viết đã đến lúc Anh cần ngừng "cúi đầu" trước Trung Quốc và kết nối với các đồng minh truyền thống. "Tại sao chúng ta không thiết lập quan hệ đối tác công nghệ với Nhật Bản, Hàn Quốc, Phần Lan và Thụy Điển, thay vì vỗ béo doanh nghiệp Trung Quốc?", ông đặt câu hỏi.
"Đặt cược sai lầm"
Trước đó, trong nhiều năm, chính phủ Anh nỗ lực xây dựng quan hệ ngoại giao và thương mại thân cận với Trung Quốc. Cựu Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne từng tuyên bố London có thể trở thành thị trường giao dịch đồng nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc.
Một thập kỷ qua, đầu tư từ Trung Quốc ồ ạt đổ vào Anh, không chỉ tới những dự án hạ tầng quan trọng như nhà máy điện hạt nhân Hinkley Point mà còn tràn ngập thị trường bất động sản và bóng đá (những CLB như Aston Villa, Southampton và Wolverhampton Wanderers).
Việc Trung Quốc phát triển "quyền lực mềm" với những khoản đầu tư vào trường đại học ở Anh cũng gây nhiều quan ngại. Huawei hỗ trợ tài chính cho hơn 15 đại học Anh, bao gồm trường Imperial College danh tiếng.
Ông Tom Tugendhat, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Anh, cho rằng việc Anh "đặt cược" vào Trung Quốc trong quá khứ có thể được coi là hợp lý, nhưng những diễn biến vừa qua, đặc biệt là dịch Covid-19, cho thấy đây là chiến lược sai lầm.
Theo Nikkei, mọi dấu hiệu cho thấy cú "xoay trục sang Trung Quốc" của chính phủ Anh đã hạ nhiệt nghiêm trọng. Và thời kỳ "vàng son" của quan hệ Anh - Trung có lẽ đã chấm dứt.