5 năm trước, chính quyền Mỹ đã trừng phạt Huawei, cấm hãng Trung Quốc này sử dụng các công nghệ tiên tiến của Mỹ vì lo ngại theo dõi người Mỹ và các đồng minh.
Nhiều chuyên gia trong ngành cho rằng đây chính là chuông báo tử cho Huawei - một trong những tập đoàn công nghệ hàng đầu Trung Quốc.
Huawei thành đối thủ lớn nhất của công nghệ Mỹ
Quả thật, Huawei đã gặp khó khăn, nhưng điều này không kéo dài.
Năm 2021, doanh thu của hãng giảm gần 30% so với năm trước. Mảng thiết bị viễn thông cốt lõi của công ty cũng gặp khó khăn. Trong khi đó, iPhone chiếm lĩnh thị phần smartphone của Huawei.
Nhưng giờ đây tập đoàn công nghệ Trung Quốc đã hồi sinh mạnh mẽ.
Với số tiền lớn từ các chương trình tài trợ của chính phủ Trung Quốc, Huawei đã mở rộng sang các lĩnh vực kinh doanh mới, tăng lợi nhuận và tìm ra những cách thức mới để hạn chế phụ thuộc các đối tác cung ứng Mỹ. Hãng vẫn giữ vị trí dẫn đầu trên thị trường thiết bị viễn thông toàn cầu, bất chấp nỗ lực của Mỹ loại bỏ Huawei.
Wall Street Journal đánh giá Huawei đang phục hồi mạnh mẽ trên thị trường cao cấp, sử dụng những con chip mới, tự sản xuất để “cướp” người dùng Apple.
Huawei Mate 60 Pro và mẫu sedan điện Luxeed S7 tại một cửa hàng Huawei ở Bắc Kinh. Ảnh: Bloomberg. |
Sau khi Mỹ áp đặt các hạn chế, Huawei quay sang tìm kiếm các sản phẩm do công ty Trung Quốc phát triển. Các lãnh đạo Huawei tuyên bố rằng mọi sản phẩm tương lai của hãng sẽ dùng các linh kiện do các công ty Trung Quốc phát triển.
Trước đây, Huawei từng phụ thuộc vào hệ điều hành Android của Google cho các mặt hàng tiêu dùng. Nhưng giờ đây, hãng đã tự xây dựng hệ điều hành của riêng mình. Tập đoàn công nghệ thậm chí còn bước chân vào lĩnh vực xe điện và phát triển công nghệ Bluetooth của riêng mình.
Phát biểu trước công chúng năm ngoái, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi nhớ lại lời một giám đốc của Huawei từng nói với ông. “Mỹ không hiểu rằng với đòn này, họ đang biến người ủng hộ lớn nhất của Mỹ thành đối thủ đáng gờm nhất”, ông Nhậm kể lại.
Huawei giờ đây đã trở thành “báu vật công nghệ”, giúp Trung Quốc đẩy nhanh tiến trình loại bỏ các nhà cung ứng nước ngoài.
“Chiến dịch chống lại Huawei của chính phủ Mỹ đang vô tình củng cố khả năng phục hồi của Huawei, ứng nghiệm với câu nói ‘Điều gì không giết được ta sẽ khiến ta mạnh mẽ hơn’”, nhà phân tích Sameh Boujelbene tại công ty nghiên cứu Dell'Oro Group nhận định.
Theo Chris Pereira, cựu giám đốc cấp cao phụ trách mảng quan hệ công của Huawei, hãng công nghệ đã tập trung xây thêm chuỗi cung ứng của riêng mình và mở rộng sang các lĩnh vực mới có thể tạo ra doanh thu để giúp công ty duy trì hoạt động như điện toán đám mây.
“Trước đây, chúng ta theo đuổi lý tưởng toàn cầu hóa, quyết tâm phục vụ nhân loại. Mục tiêu của chúng ta bây giờ là gì? Đó là để tồn tại. Chúng ta sẽ kiếm tiền ở bất cứ nơi nào có thể”, nhà sáng lập Nhậm Chính Phi nói với nhân viên trong một bức thư nội bộ.
Tầm quan trọng của Huawei
Trong quá trình đó, tiền nhà nước đổ vào Huawei rất quan trọng. Chính phủ Trung Quốc đã hỗ trợ Huawei kể từ những ngày đầu thành lập, nhưng sự hỗ trợ này càng tăng mạnh trong những năm gần đây. Lợi nhuận của Huawei đã tăng gấp đôi vào năm ngoái, cũng là mức tăng trưởng lớn nhất trong 20 năm trở lại. Khoảng 2/3 doanh thu của công ty đến từ đối tác nội địa.
Wall Street Journal tiết lộ hàng tỷ USD đã chảy từ túi chính phủ Trung Quốc sang Huawei thông qua các hợp đồng mua hàng ưu đãi và trợ cấp.
Theo báo cáo tài chính, Huawei đã nhận được hơn 1 tỷ USD tiền tài trợ của chính phủ vào năm 2023, gấp 4 lần số tiền hãng từng nhận được vào năm 2019. Tổng cộng, Huawei đã nhận được gần 3 tỷ USD trong 5 năm qua, chiếm 3% tổng chi phí R&D của công ty.
Một dây chuyền sản xuất của Huawei tại Đông Hoản năm 2019. Ảnh: Kevin Frayer. |
Chính quyền Trung Quốc còn chỉ đạo các cơ quan nhà nước mua thêm phần mềm, chip và thiết bị di động của Huawei. Đây là chính sách hỗ trợ Huawei đồng thời giảm phụ thuộc của Trung Quốc vào các công ty Mỹ, bao gồm cả Apple. Hiện các nhân viên chính phủ Trung Quốc không được phép dùng iPhone tại nơi làm việc.
Theo Wall Street Journal, một đơn vị nghiên cứu của chính phủ coi Huawei là một trong 4 gã khổng lồ công nghệ dẫn đầu kế hoạch loại bỏ công nghệ nước ngoài. Trong khi đó, một cơ quan chính phủ khác gọi Huawei là nhà cung cấp chip AI, máy chủ và phần mềm doanh nghiệp được nhà nước yêu thích.
Những điều này đều hoàn toàn trái ngược với 5 năm trước. Khi đó, các cơ quan chính phủ Trung Quốc yêu cầu sử dụng các sản phẩm từ các nhà sản xuất chip Intel hoặc AMD của Mỹ.
Với hàng loạt hỗ trợ của chính phủ, Huawei đã tránh được những đợt cắt giảm nhân sự lớn ảnh hưởng đến hoạt động R&D hay dẫn đến tình trạng nhân tài bị đào thải. Huawei đã tăng chi tiêu cho R&D lên gần 165 tỷ nhân dân tệ (23 tỷ USD) vào năm ngoái, từ mức 102 tỷ nhân dân tệ vào năm 2018. Hơn một nửa trong số 207.000 nhân viên của Huawei làm việc trong lĩnh vực R&D.
Huawei đang đi đầu trong nỗ lực phát triển chip tiên tiến của Trung Quốc nhằm giảm phụ thuộc vào Nvidia và Intel. Hãng sản xuất chip Nvidia của Mỹ đã gọi Huawei là đối thủ cạnh tranh hàng đầu hồi tháng 2.
Huawei cũng đang thực hiện một dự án được chính phủ tài trợ để phát triển bộ nhớ cho chip AI tiên tiến. Hiện có ít nhất 11 trung tâm dữ liệu AI quốc gia đang sử dụng chip Huawei.
Tháng 8/2023, Huawei đã ra mắt Mate 60 Pro, smartphone 5G sử dụng chip tự phát triển. Nhiều người dùng Trung Quốc xem lòng tự hào dân tộc chính là lý do để mua smartphone Huawei. Huawei cũng là một trong những yếu tố khiến doanh số bán iPhone của Apple tại Trung Quốc giảm mạnh trong năm nay.
Những câu chuyện ít được biết về tỷ phú công nghệ
Tủ sách Công nghệ đem đến cho độc giả những cuốn sách hay nhất, đúc kết hàng trăm giờ chia sẻ của Steve Jobs, Elon Musk và những người liên quan. Chúng chứa đựng những câu chuyện công nghệ thú vị, ít khi được bật mí.