Tá hỏa sau khi xem livestream của diễn viên Ngọc Lan chia sẻ về việc tư vấn không rõ ràng về sản phẩm bảo hiểm nhân thọ và thời gian đóng tới 74 năm, chị Hồng Nhung liền mở 3 hợp đồng bảo hiểm của gia đình mình đã ký kết với Manulife để kiểm tra.
"Tôi giật mình khi thấy một hợp đồng có ngày đáo hạn lên tới năm 2114, tức phải đến hơn 100 tuổi mới là ngày đáo hạn. Chưa kể sau khi gọi điện tư vấn lại thì mức lãi suất thực tế có thể nhận không như tư vấn ban đầu", chị bức xúc và khẳng định sẽ đóng hợp đồng.
Thực tế, không chỉ chị Nhung, diễn viên Ngọc Lan mà rất nhiều khách hàng khác cũng thừa nhận không tìm hiểu kỹ về sản phẩm bảo hiểm nhân thọ mà mình đang tham gia. Hơn nữa, sự "mập mờ" trong cách tư vấn của người bán khiến nhiều khách hàng cho hay họ đã nhầm tưởng rằng bảo hiểm nhân thọ là sản phẩm tiết kiệm đầu tư sinh lãi cao.
"Bẫy" trong bảo hiểm
Chị Nguyễn Thị Ngọc Anh, từng là đại lý bảo hiểm của Generali cho biết trong hợp đồng bảo hiểm sẽ có phần điều khoản và quy định rõ những trường hợp bị loại trừ, quy định trong bồi thường. Tuy nhiên, vì điều khoản liên quan đến bộ hợp đồng có thời hạn và thường trên 10 năm nên người mua phải nghiên cứu kỹ. Song vì muốn chốt được hợp đồng nên nhiều đại lý sẽ không nói rõ cho khách hàng, chưa kể nhiều khách mua vì lòng tin, không đọc cụ thể nên mới xảy ra các lùm xùm về bảo hiểm nhân thọ như vừa qua.
Theo chị Ngọc Anh, trong hợp đồng sẽ có phần minh họa lãi suất. Lãi suất ngày kết thúc hợp đồng có thể nhận lãi bằng theo phần minh họa nhưng cũng có thể thấp hơn, thường chỉ cao hơn một chút. "Vì là bảng minh họa nên mọi thứ có thể thay đổi theo thực tế phát triển của công ty. Điều này trong hợp đồng cũng ghi rõ", chị nói.
Theo chị khi tư vấn về vấn đề này, nhiều đại lý thường chỉ minh họa phần tỷ suất đầu tư cao để "che mắt" khách hàng, khiến họ nhầm tưởng giá trị hợp đồng sau vài chục năm rất cao so với mức thực tế đóng ban đầu. Thực tế, nếu tư vấn tính cụ thể thì sau nhiều năm, khoản tiền đóng thường sẽ không có nhiều lãi.
Diễn viên Ngọc Lan livestream chia sẻ về việc bị tư vấn không rõ ràng khi mua bảo hiểm nhân thọ của MVI Life với mức phí 700 triệu/năm. |
"Chẳng hạn, một hợp đồng bảo hiểm với mức phí đóng hàng năm là 24 triệu đồng, đóng trong 20 năm thì khoản tiền nhận về nếu khách hàng đóng đủ sẽ trong khoảng 400-415 triệu đồng và có thể thấp hơn tùy vào tình hình kết quả đầu tư của công ty bảo hiểm. Khi hủy bỏ hợp đồng trước hạn, khách hàng sẽ bị trừ 10-20% phí, tùy năm hủy", chị dẫn chứng.
Thường người tư vấn sẽ được chiết khấu khoảng 20-30%/hợp đồng ký được, thậm chí có nơi lên đến 40%. Do đó, nhiều đại lý, người tư vấn vì mức lợi nhuận cao mà "nói quá lên" để chốt được hợp đồng nên mới dẫn đến mất lòng tin ở nhiều khách hàng, làm cho họ mang cảm giác bị lừa, bị dụ.
Thực tế, nhiều khách hàng cho biết đã nhầm tưởng rằng bảo hiểm nhân thọ là sản phẩm tiết kiệm đầu tư sinh lãi cao. Sau vài năm đầu, khách hàng dừng đóng phí hoặc chậm đóng để hợp đồng mất hiệu lực - tức đơn phương hủy hợp đồng thì toàn bộ số tiền đã nộp sẽ không lấy lại được.
Bảo hiểm không phải kênh đầu tư sinh lời
Cũng tham gia bảo hiểm nhân thọ từ 3 năm trước, chị Thanh Hoa cho biết bản thân muốn mua bảo hiểm để bảo vệ sức khỏe chứ không vì mục đích đầu tư tài chính. "Tôi đóng mỗi năm 15 triệu đồng và trong thời hạn 15 năm. Khi gặp vấn đề về sức khỏe, bảo hiểm cũng chi trả rất nhanh", chị nói và cho biết lãi suất ở đơn vị bảo hiểm chị tham gia chỉ khoảng 6-7%.
Cũng nhấn mạnh quan điểm bảo hiểm không phải kênh đầu tư sinh lời, chị Ngọc Anh cho biết bảo hiểm như một khoản tiền để bảo vệ sức khỏe. "Khi mua bảo hiểm không nên mang tư tưởng có lãi hay gửi tiết kiệm, bởi bảo hiểm là phương án phân chia rủi ro cho bản thân, mua để phòng rủi ro. Cũng giống như bảo hiểm xe máy, ôtô thì đây là bảo hiểm con người", chị phân tích.
Nhiều khách hàng nhầm tưởng bảo hiểm nhân thọ là sản phẩm tiết kiệm đầu tư sinh lãi cao. Ảnh: Hoàng Hà. |
Trên thực tế, một hợp đồng bảo hiểm không phải đóng bao nhiêu thì sẽ còn đúng số tiền đó. Bởi trong vài năm đầu sẽ mất phí ban đầu và công ty dùng để duy trì hoạt động doanh nghiệp. Bản chất bảo hiểm là chia tiền của người này sang cho người bị thiệt hơn.
"Bảo hiểm nhân thọ chính là một hình thức huy động vốn của doanh nghiệp. Số tiền lãi mà công ty bảo hiểm trả cho khách hàng chính là từ nguồn vốn đó đem đi đầu tư vào các lĩnh vực khác để kiếm lợi nhuận", chị nhấn mạnh.
Tuy nhiên, người này cho biết cũng có nhiều khách hàng có ý định trục lợi từ bảo hiểm như khai gian tình trạng sức khỏe hoặc vừa phát hiện bệnh mới vội vàng mua bảo hiểm.
"Cần phải hiểu rất rõ sản phẩm"
Từng là luật sư cho một công ty bảo hiểm hàng đầu thế giới có hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, luật sư Lương Văn Trung, Công ty luật Lexcomm Vietnam LLC cho rằng bảo hiểm là một sản phẩm tốt về khía cạnh kiểm soát rủi ro hay sự an toàn hoặc an tâm cho tương lai (khó hoặc không thể kiểm soát).
"Tuy nhiên nó là một sản phẩm tài chính phức tạp, tinh vi mà sự thất bại chủ yếu nằm ở người mua thiếu hiểu biết, có thể do quá tin tưởng vào đại lý. Các nước phát triển đều có tỷ lệ người dân mua bảo hiểm rất cao (thường trên 60%)", ông nhìn nhận.
Cần cân nhắc kỹ lưỡng, không nên dùng quá 20% thu nhập để mua bảo hiểm. Bên cạnh đó, phải hiểu rõ sản phẩm đó có phù hợp với nhu cầu và khả năng tài chính.
Luật sư Lương Văn Trung, Công ty luật Lexcomm Vietnam LLC.
Theo đó, ông cho rằng khi muốn tham gia bảo hiểm nhân thọ, người dân cần cân nhắc kỹ lưỡng, không nên dùng quá 20% thu nhập để mua bảo hiểm. Bên cạnh đó, cần hiểu rõ sản phẩm đó có phù hợp với nhu cầu và khả năng tài chính.
"Trước khi mua bảo hiểm nhân thọ, khách hàng cũng cần chú ý yêu cầu in bản tính toán phí và quyền lợi hàng năm. Cần lưu ý giá trị hoàn lại theo năm để biết nếu mình chấm dứt hợp đồng hay không còn khả năng đóng phí thì mình sẽ được hoàn lại bao nhiêu tiền", ông lưu ý.
Đồng thời khách hàng cần lưu ý quyền chấm dứt hợp đồng trong vòng 14-21 ngày sau khi đóng khoản đầu tiên và được hoàn lại tiền sau khi trừ một số chi phí hành chính. Hơn nữa, phải xem xét kỹ các điều khoản về hạn chế, loại trừ trách nhiệm bồi thường bảo hiểm.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.