Đạo diễn người Nhật Bản Tsuyoshi Sugiyama từng gây được dư luận ở Việt Nam với cách xử lý độc đáo hai vở kịch kinh điển Cậu Vanya (Anton Chekhov) và Hedda Gabler (Henrik Ibsen) ở Nhà hát Tuổi Trẻ. Lần này, vẫn với tư duy sân khấu độc đáo đó, anh mang đến cho bản dựng Hồn Trương Ba da hàng thịt nhiều nét lạ.
Một tổng thể những nét lạ
Cái lạ đầu tiên là hóa trang và trang phục. Tất cả nhân vật đều ăn mặc khá hiện đại và có phần được Nhật hóa. Vợ chồng con cái nhà Trương Ba như những người nông dân đâu đó bên nước Nhật. Vợ anh hàng thịt, đặc biệt là đám tiên nữ nhà trời, không khác gì những vũ nữ tân thời trong một màn tạp kỹ (nói như một ông quan thiên đình trong kịch “thiên đình gì mà như cái chợ”, thì ở bản dựng này thiên đình gì mà như sân khấu tạp kỹ). Hai ông quan liêu tùy tiện ở thiên đình là Nam Tào Bắc Đẩu trang phục như công chức, nhưng được phân biệt với người hạ giới bằng cách đội trên đầu cặp sừng trâu và sừng dê, vừa như quỷ sống vừa như đám đầu trâu mặt ngựa.
Các nhân vật phần nhiều mang điểm nhấn hóa trang bôi mặt trắng như kiểu kịch Nô của Nhật, cũng có khi là những vạch vằn vện kiểu tuồng Tàu hoặc thổ dân đâu đó. Hóa trang và phục trang gây không khí Nhật hóa và gợi liên tưởng một câu chuyện dân gian không chỉ riêng một đất nước nào.
Cái lạ nữa là đạo diễn chuyển đổi giới tính cho một số nhân vật. Đế Thích cao cờ không phải là phi giới tính như cách thể hiện của nghệ sĩ Trần Tiến trong bản dựng đầu tiên gần bốn chục năm trước, mà là một… bà, bà tiên Đế Thích.
Lý trưởng bê bối tham nhũng ngày trước là nghệ sĩ Phạm Bằng thì nay là một người đàn bà, một bà có chức có quyền và cũng không hẳn là giới tính nữ. Một số nền văn minh cổ coi thần thánh mang trong mình cùng lúc nhiều giới tính, và kẻ tham nhũng trong kịch này có lẽ cũng đa sắc như vậy.
Đạo diễn dụng công tạo ra những mảng miếng lạ, chẳng hạn trong vở Cậu Vanya, ông để cho nghệ sĩ Lê Khanh và các diễn viên khác lăn lộn trong nhem nhuốc cát bụi. Cát thật. Cát mịt mù trên sân khấu. Còn ở Hồn Trương Ba da hàng thịt, lối sử dụng các nguyên vật liệu làm đạo cụ vẫn còn đó. Cái chậu tiết anh hàng thịt hất văng ra nhuộm đỏ một mảng sân khấu. Cốc nước của bà quyền chức cũng màu máu. Xô nước mà người con dâu hắt vào cái hồn-Trương-Ba-da-hàng-thịt để thức tỉnh phần hồn ông Trương Ba cũng là… nước thật.
Đạo diễn không ngần ngại để cho nước lênh láng trên sàn diễn, mà theo một quan niệm sân khấu nào đó thì không nhiều mỹ cảm. Nhưng chỉ có cách tự lý giải: đó là chủ ý của riêng đạo diễn Tsuyoshi Sugiyama. Các động tác lên thiên đình xuống trần gian của Đế Thích và bà vợ Trương Ba là ước lệ không gian kiểu chiếu chèo nhưng cũng là phép ước lệ của sân khấu dân gian nhiều nước.
Cuộc giằng co giữa thể xác hàng thịt và linh hồn của Trương Ba được cụ thể bằng một vật kết nối như sợi dây thừng, lại cũng như những khúc dồi hoặc dây xúc xích của anh hàng thịt. Ấy vậy, người xem vừa tưởng như có thể kết luận rằng sử dụng ước lệ và biểu tượng là căn tính của đạo diễn thì lại va ngay vào những động tác hình thể quá cụ thể như động chạm cầm nắm sờ soạng. Diễn viên đã làm thật, như có dụng ý bác bỏ ước lệ mà khẳng định họ đang làm dạng kịch truyền hình trong nhà ngoài phố.
Nhiệt tình mang đến cái lạ cũng có thể đã làm cho kịch thiếu đi những khoảng lặng, những phút lắng lại, trầm sâu trong tâm tưởng và gieo vào người đọc những cảm xúc mà kịch bản đã sẵn có. Những yếu tố kỹ thuật tân thời và sự mải mê thủ pháp mảng miếng lạ có khi đã khiến cho kịch thiên về tính kỹ nghệ và duy lý.
Tạo hình tiên Đế Thích và bà vợ Trương Ba trong vở kịch. Ảnh: Se sẽ chứ. |
Chiến trường của linh hồn và thể xác
Dù có tránh bớt liên tưởng đến cây cao bóng cả, thì cũng thấy sau mấy thế hệ của sân khấu kinh điển như Trọng Khôi, Mỹ Dung, Trần Tiến, Lan Hương (Quắm), Phạm Bằng… truyền thống dựng kịch kinh điển duy mỹ có thể đã dừng lại sau thế hệ của những Lê Khanh, Ngọc Huyền, Chí Trung, Anh Tú (và Thành Lộc ở Sài Gòn)…
Trong tình thế hiện nay, chạm đến những vở kịch kinh điển giàu tính biểu tượng và ẩn dụ, đạo diễn vẫn phải thỏa hiệp với lớp diễn viên mới để làm nên một thứ “tân cổ giao duyên” - chỉ nói về nghệ thuật diễn xuất. Phải chấp nhận pha trộn giữa động tác hình thể cách điệu và cách diễn tả thật, pha trộn lối diễn xuất giữa sân khấu và phim truyền hình. Đến thế mới thấy diễn viên đóng vai hồn-Trương-Ba-da-hàng-thịt nỗ lực rất nhiều mà cái gánh nặng ấy vẫn là quá sức.
Diễn viên không làm cho người xem thấy được cơn vật vã giằng giật của hồn bên trong xác, một khi hình thể khô cứng thiếu sinh sắc. Đài từ các diễn viên vốn quen được hỗ trợ khuếch âm của các phương tiện âm thanh hiện đại, khi bị khước từ dùng micrô, phải dùng giọng mộc, dùng âm thanh gốc, thì nỗi hoang mang không tự tin vào giọng mình bộc lộ qua những phát âm nhả chữ thiếu tròn vành, thậm chí nhiều khi díu và dính, nhòe và hụt hơi.
Trở lại với cách xử lý của đạo diễn. Kết thúc vở kịch, hồn ông Trương Ba chấp nhận cái chết và anh hàng thịt được sống lại. Đạo diễn Nguyễn Đình Nghi khi xưa đã để cho anh ta vùng dậy, nhìn quanh rồi thô lỗ quát mắng cô vợ - ngựa quen đường cũ, thói xưa khó bỏ.
Nhưng đạo diễn Tsuyoshi Sugiyama đã xử lý cách khác. Không chỉ ông Trương Ba chết, tất cả nhân vật từ anh hàng thịt, vợ chồng con cái nhà anh cho đến gia đình Trương Ba và bạn bè, cả tiên nữ và Đế Thích đều đi những bước giật lùi, họ đi ngược không gian và thời gian, để rồi tất thảy cùng đổ xuống, cùng lăn ra chết. Mới trước đó các nhân vật còn luận về chuyện hồn nọ xác kia, hồn không cần cậy nhờ cái xác, xác cũng chẳng phải mượn hồn, giờ thì hồn nào xác nào cũng chết. Tại sao vậy? Rằng không phải chỉ có một ông Trương Ba mới phải mượn thể xác người khác? Có khi cả thế gian này đều là hồn nọ xác kia, chẳng có ai được nguyên vẹn là mình, có khi ai ai cũng đều là những thực thể lắp ghép, để mà sống với đời?
Trên cái thế gian mà hóa ra chẳng có ai nguyên vẹn, chỉ còn lại một nhạc công ôm cây đàn ghi ta, đi như trên một bãi chiến trường sau trận đấu hồn và xác. Anh ta cũng là người dẫn chuyện bằng âm thanh trong suốt vở diễn. Và những âm thanh cuối cùng được cất lên, có thể là khúc cầu siêu, cũng có thể là khúc hoan ca.
Ở bản Hồn Trương Ba da hàng thịt của Tsuyoshi Sugiyama, đài từ và hình thể của các diễn viên nếu đạt chuẩn kịch kinh điển, sẽ chuyển tải nội dung trọn vẹn, và cái trải nghiệm sân khấu lạ lùng này sẽ thật sự là cách xử lý sân khấu kinh điển có ý nghĩa cho người xem hôm nay.
Tất nhiên sự tiếp cận ráo riết thế hệ người xem mới sẽ gây ra tiếng thở dài cho phần công chúng còn luyến nhớ những mẫu mực. Nhật hóa và quốc tế hóa một vở kịch Việt như vậy, không chỉ vì đạo diễn Nhật Bản nhớ quê hương, mà biết đâu Tsuyoshi Sugiyama cũng mong một ngày nào đó bản dựng này sẽ đến với người xem ở quê hương anh và cả đâu đấy bên ngoài đất Việt.
Hồn Trương Ba da hàng thịt, kịch của Lưu Quang Vũ, đạo diễn: Tsuyoshi Sugiyama, sản xuất: Nguyễn Hoàng Điệp, diễn viên của nhiều nhà hát: Chiều Xuân, Kim Oanh, Xuân Tùng, Hương Thủy, Hoàng Tùng, Mạnh Hoàng, Thanh Lê, Hirota, Trường Khang… Ba buổi công diễn tác phẩm diễn ra từ 12 đến 14/1 tại rạp Công Nhân, Hà Nội.