Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chuyện ly kỳ của nhạc sĩ Hồng Đăng và kịch tác gia Lưu Quang Vũ

Nhà viết kịch Lưu Quang Vũ và nhạc sĩ Hồng Đăng đều đã nhẹ bước ở cõi thênh thang nhưng chuyện về hai người thì vẫn còn được kể bởi người ở lại.

Nhac si Hong Dang anh 1

Nhạc sĩ Hồng Đăng và vợ là bà Lê Anh Thúy. Ảnh: GĐCC.

Bà Lê Anh Thúy - phu nhân của nhạc sĩ Hồng Đăng đã kịp ghi lại câu chuyện đầy ly kỳ của hai người nghệ sĩ tài hoa này.

Tháng 8 năm 1988, đám tang của gia đình nhà viết kịch Lưu Quang Vũ, nhà thơ Xuân Quỳnh và con trai Lưu Quỳnh Thơ được tổ chức ở 51 Trần Hưng Đạo (Hà Nội) - Trụ sở của Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật và nhiều hội văn nghệ, trong đó có Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam. Nhạc sĩ Hồng Đăng vừa chân ướt chân ráo từ phương xa về Hà Nội, nghe tin dữ, vội tới viếng. Từ xa, mọi người đã thấy nhạc sĩ Hồng Đăng, Dương Ngọc Đức đến với đôi mắt đỏ hoe, giọng thương cảm:

- Anh Đăng ơi! Tại sao anh đã khuyên Quỳnh và Vũ đừng đi chuyến xe ấy xuống Hải Phòng mà chúng nó vẫn cứ đi làm gì nhỉ? Không biết nghe lời khuyên của anh thật dại dột. Đúng là sai lầm, không thể nào cứu gỡ được nữa rồi. Thương chúng nó quá anh ạ!

Hồng Đăng ngơ ngác:

- Không có đâu anh ạ! Đã hai năm nay tôi chưa gặp lại Quỳnh và Vũ, làm gì có lời khuyên đó. Chắc là lời khuyên của ai đó, không phải của tôi đâu.

- Thế mà mấy hôm nay người ta cứ đồn ầm lên về chuyện ấy. Cả Hà Nội đều biết và tin chắc là vì anh đã khuyên mà chúng nó không nghe và ai cũng tưởng là nếu nghe lời khuyên của anh thì đâu đến nỗi.

- Không hiểu từ đâu lại có tin đó được nhỉ? Tôi vừa từ Sài Gòn ra mà, tôi chưa gặp Vũ và có biết gì đâu.

- Thế mà mọi người đồn anh vừa gặp chúng nó trước hôm đi Hải Phòng. Có thể vì Vũ hay nhắc đến anh và kể chuyện những lời khuyên của anh về đường đi nước bước của Vũ. Vũ nói nếu không có lời khuyên của anh thì lúc cùng quẫn nhất đã định tìm cách đi xuất khẩu lao động để kiếm sống rồi.

- Chuyện đó thì có. Nhưng để lúc khác tôi sẽ kể chi tiết. Rất lạ. Cho đến hôm nay, khi cuộc đời của Vũ kết thúc, chính tôi cũng bàng hoàng trước những quy luật ghê gớm của số phận.

Người đông nghẹt sân 51 Trần Hưng Đạo, xô đẩy hai người, Hồng Đăng và Dương Ngọc Đức chỉ kịp giơ tay lên vẫy chào rồi đi vào hội trường, nơi diễn ra tang lễ. Ba chiếc quan tài nằm trên hội trường, hàng vạn người tự động tìm đến tiễn đưa gia đình Lưu Quang Vũ, đủ các giới, đủ các lứa tuổi, có những người anh chưa từng gặp mặt, nghe tên.

Nhạc sĩ Hồng Đăng biết trước về sự nổi tiếng và cái chết của Lưu Quang Vũ?

Nhạc sĩ Hồng Đăng là bạn vong niên của nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Thuận. Ông mất đột ngột khi đang cùng vợ ngồi xem một vở kịch ở Nhà hát Lớn Hà Nội. Đến viếng Lưu Quang Thuận, Hồng Đăng gặp Lưu Quang Vũ đứng chủ tang. Ít lâu sau, Vũ tìm đến hỏi:

- Anh Đăng ơi, anh cho em một lời khuyên. Em bế tắc quá anh ạ! Em định tìm cách đi xuất khẩu lao động. Vợ làm thơ, chồng cũng làm thơ, kinh tế không thể vực lên được. Nhìn vợ con mà thương, thiếu thốn đủ thứ. Em đang phân vân, anh xem hộ em xem có nên đi không?

Sau khi lập và xem kỹ trên bản tử vi, Hồng Đăng nhẹ nhàng:

- Vũ ạ, thơ của cậu và Quỳnh rất khá, anh em đều yêu. Nhưng quả thực thơ không thể nào nuôi nổi được một gia đình. Nhưng yên tâm, cậu không phải đi xuất khẩu lao động làm gì. Vả lại, số cậu chưa đến ngày đi, xin chưa chắc đã được mà thêm vất vả. Nhưng theo bản tử vi của cậu đây, sắp tới cậu sẽ có một bước chuyển nghề và yên trí đi, sẽ rất tốt đẹp, rất tốt đẹp đấy!

- Thì em cũng đã thử chuyển mấy nghề rồi còn gì. Anh xem, em kiếm ăn bằng đủ các thứ linh tinh, vặt vãnh. Từ vẽ pa nô cho nhà hát đến lao động chân tay mà vẫn không đủ sống. Bức bối lắm anh ạ, căn buồng của chúng em ở chỉ có 9 thước vuông, đến không khí còn không đủ để thở nói gì đến chuyện khác nữa hả anh. Gay lắm anh ạ!

- Cậu sẽ có chuyển biến rất lớn, mà lần chuyển biến này sẽ khác trước đấy. Không lâu nữa đâu. Không những tốt đẹp mà còn vinh quang, đừng sốt ruột.

Nhac si Hong Dang anh 2

Kịch tác gia Lưu Quang Vũ. Ảnh: TL.

Chia tay Lưu Quang Vũ, Hồng Đăng vẫn thấy ái ngại. Mãi đến ba năm sau hai người mới gặp lại nhau, quả có khác, Lưu Quang Vũ rủ Hồng Đăng đi uống cà phê.

- Sau lần gặp anh, ba bốn tháng sau, em tìm được con đường mới của mình thật anh ạ. Hiện nay, em không còn nhiều thì giờ để làm thơ mà lao vào viết kịch. Mấy vở em viết được dựng đều, rất ăn khách. Các vở đều gây xôn xao dư luận, nhưng anh nói thật cho em biết đi, số em có bị tù không?

- Sao cậu lại hỏi thế, định đi buôn lậu nữa à?

- Đâu, làm gì có chuyện đó. Em hỏi thế là vì các vở kịch em viết hiện nay đều động đến những vấn đề nóng bỏng trong cuộc sống, đụng chạm tới cả những thế lực lớn đang trì trệ, những vấn đề của bộ máy quyền lực, của xã hội. Nhiều lời nhắc nhở, răn đe xa gần là nên ăn nói cẩn thận, nghĩa là đừng đụng chạm. Nói thật, nhiều khi em cũng hơi "hốt", không hiểu rồi có việc gì không?

- Có một điều cực kỳ quan trọng cậu nên nhớ kỹ, trong bản tử vi của cậu không có sao về tù tội nhưng có mấy bộ sao uy hiếp rất lớn đấy. Số cậu sắp tới còn lên rất dữ, lên một cách rất đáng kinh ngạc. Trong giai đoạn này, tử vi của cậu tập trung tới hai bộ sao hung tinh đắc địa, nghĩa là sao dữ nhưng được đặt ở chỗ tốt, trong tử vi gọi là "phát dã như lôi". Đứng về mặt học thuật, mấy chữ này có nghĩa là phất lên dữ dội, phất lên như sấm như sét. Với người có một bộ hung tinh đắc địa là đã có thể phát dữ mà cậu còn có tới hai bộ tập trung thì lại càng ghê gớm. Nhưng phải hết sức dè chừng, vì đến lúc đã phát lên tuyệt đỉnh, sau đó sẽ rơi tõm như pháo thăng thiên hết đà vậy thôi.

- Em chỉ sợ không phát được thôi chứ phát được như pháp thăng thiên thì cũng thú, sau đấy có rơi cũng đành.

- Tất nhiên, làm nghề này phải dũng cảm và phải đi đến tận cùng. Thậm chí, phải chấp nhận hy sinh, vì trong tìm tòi sáng tạo, làm gì có chuyện nửa vời, dễ ăn. Đó là lời khuyên của một người bình thường làm văn nghệ, nhưng lời khuyên của một người biết về số mệnh thì cậu nên hết sức thận trọng.

- Vậy trong trường hợp của em thì nên xử lý như thế nào hả anh?

- Chỉ cần biết cách hạn chế đà lên cao một cách khéo léo, đừng ham quá thì sẽ có cách rơi nhẹ, không bị thương tổn.

- Khó đấy anh nhỉ?

Quả nhiên, sự nghiệp của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ sau đó lên vùn vụt. Trong vòng mấy năm, anh là tác giả của hơn 40 kịch bản nổi tiếng. Vở nào anh viết xong cũng được các đoàn tranh nhau diễn. Lúc nào anh cũng ngập trong các đơn đặt hàng của các đoàn nghệ thuật sân khấu khắp Bắc, Trung, Nam. Người đàn ông tài hoa, đã có những lúc tưởng chừng thất thế, bế tắc, cùng quẫn ấy đã thổi một luồng sinh khí mới cho sân khấu Việt Nam, góp phần đưa sân khấu vào thời kỳ thịnh vượng nhất. Cho đến tận bây giờ, sau anh, người ta chưa thấy một tài năng nào có sức ảnh hưởng lớn như thế.

Và cái chết của gia đình anh, có phải chăng là cú rơi của số mệnh hay chỉ là một tai nạn không may trên tuyến quốc lộ vốn nhiều tai nạn?

Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Zing News

Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Zing News mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.

Trân trọng

Hai bài thơ về căn nhà chật

Thơ ca Việt Nam thời hiện đại đã có tới 2 bài thơ rất đặc biệt về đề tài căn nhà chật. Đó là "Nhà chật" của Lưu Quang Vũ và "Viết tặng em trong ngôi nhà chật" của Trần Quang Quý.

Mối tình Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ

Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ ở bên nhau cho đến giây phút cuối cùng và cùng tạm biệt thế gian vào một ngày mùa thu cách đây 34 năm. Nhưng tình yêu của họ, thơ ca của họ thì vẫn còn.

https://danviet.vn/chuyen-nhac-si-hong-dang-biet-truoc-ve-su-noi-tieng-va-cai-chet-cua-luu-quang-vu-20230503135519199.htm

Lê Anh Thúy/Dân Việt

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm