Ngày 5/10, một hệ thống phân phối xăng dầu với hơn 50 cây xăng ở TP.HCM vội vàng gửi văn bản lên Sở Công Thương vì cạn kiệt nguồn cung trong khi đơn vị đầu mối đã ngừng cung cấp hàng. Thậm chí, đại diện 36 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu phía Nam phải gửi đơn "cầu cứu" Thủ tướng về những bất cập trong điều hành.
Đỉnh điểm đến ngày 8-9-10/10, 137 cửa hàng tại TP.HCM đóng cửa, nhiều cây xăng chỉ bán tối đa 30.000 đồng/xe máy và 200.000 đồng/ôtô. Hàng loạt cửa hàng tại khu vực phía Nam buộc tạm ngừng kinh doanh vì thiếu nguồn cung trầm trọng.
Người dân, doanh nghiệp chật vật
Nghe tin hàng loạt cây xăng tạm ngưng kinh doanh vì hết hàng, ngày 9/10, hàng trăm người dân ùn ùn đi tìm chỗ đổ xăng giữa đêm. Hầu hết đều muốn tranh thủ đổ đầy bình song họ chỉ được phép đổ tối đa 30.000-50.000 đồng.
Nhiều người phải mòn mỏi đi hơn 10 cây xăng để tìm được chỗ đổ, sau đó lại phải xếp hàng dài đợi tới lượt. Trao đổi với Zing, anh Bình (tài xế) cho biết anh đã đi lòng vòng tới cây xăng thứ 4 mới tìm được chỗ đổ. "Tôi đậu chờ ở đây được 20 phút rồi mà vẫn còn khá nhiều xe phía trước, thôi thì cố gắng chờ chứ bây giờ tìm được cây xăng còn đổ là mừng rồi", anh Bình chia sẻ.
Đa số người dân đều chung tâm trạng lo lắng khi nhiên liệu này cạn kiệt, họ chấp nhận xếp hàng đợi mua xăng "nhỏ giọt" hoặc mua xăng lẻ lề đường với mức giá cao gấp rưỡi.
Theo ghi nhận của Zing lúc gần 0h ngày 10/10, một cây xăng ở phường Hiệp Bình Chánh (TP Thủ Đức) vẫn đông kín người và xe chờ nạp nhiên liệu. Chỉ sau một ngày, cây xăng này đã giới hạn bán cho khách từ 30.000 đồng xuống còn 20.000 đồng/xe máy.
Đáng nói, nhiều sinh viên, nhân viên phải xin nghỉ làm, nghỉ học một ngày khi không thể đổ xăng do đa số cây xăng gần nơi ở đều trong tình trạng khan hàng, đóng cửa.
Không chỉ người dân mà doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cũng gặp khó trước tình hình thiếu nguồn cung, mức chiết khấu tiếp tục giảm sâu.
Là đơn vị có một cây xăng phải tạm ngưng hoạt động trong ngày 9/10 tại TP.HCM, ông Nguyễn Thanh Tùng - Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Dầu khí Đông Sài Gòn cho biết nguồn cung xăng dầu tê liệt hoàn toàn. Đến sáng nay (11/10), các cây xăng của doanh nghiệp gần như hết sạch xăng và dầu.
Ông Tùng cho biết đây là lần đầu tiên ông chứng kiến tình trạng cạn kiệt xăng dầu nghiêm trọng như hiện nay. Chưa kể chiết khấu rất thấp khiến doanh nghiệp phải kinh doanh lỗ 2.000 đồng/lít từ đầu năm đến nay. "Vài ngày nữa, chắc cũng không có giọt xăng dầu nào để bán. Chúng tôi chịu hết nổi rồi", ông than.
"Rốt ráo" bổ sung nguồn hàng, tăng chi phí, xử lý vi phạm
Nếu như hồi tháng 2, Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn giảm công suất từ giữa tháng 1 xuống còn 55-60% khiến nguồn cung xăng dầu trong nước thiếu trầm trọng thì lần này, việc doanh nghiệp đầu mối hạn chế nhập khẩu xăng dầu vì kinh doanh thua lỗ, một số bị tước quyền xuất nhập khẩu là khởi nguồn cho sự khan hiếm nguồn cung xăng dầu tại các tỉnh phía Nam.
Bà Trần Thị Tuyết Mai, đại diện Công ty TNHH Vận tải Thủy bộ Hải Hà, khẳng định nguồn cung xăng dầu không thiếu do doanh nghiệp đang lỗ lớn, xuất phát từ chi phí thực tăng cao nên không thể nhập khẩu về được.
"Phí nhập khẩu đang tăng cao. Đơn cử, quý I chi phí là 306 đồng/lít, quý II là 450 đồng/lít, quý III là 967 đồng/lít, tức bình quân, doanh nghiệp đang lỗ 667 đồng/lít. Sang quý IV, doanh nghiệp lỗ 1.100 đồng/lít. Khoản lỗ này ai gánh cho doanh nghiệp?", bà nói.
Ngay tối 9/10, khi nhận thấy tình hình nguồn cung tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam trở nên nghiêm trọng, Sở Công Thương TP.HCM đã đề nghị các đơn vị có chuỗi cung ứng lớn như Petrolimex Sài Gòn huy động 80 xe bồn vận chuyển xăng dầu từ kho về nhập cho các hệ thống cửa hàng bán lẻ. Đồng thời, kiến nghị Bộ Công Thương, Bộ Tài chính kịp thời điều chỉnh giá xăng, dầu phù hợp với thị trường, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng.
Cùng ngày, Tổng cục Quản lý thị trường cũng có văn bản khẩn chỉ đạo tăng cường kiểm tra, rà soát các đầu mối, phân phối, cửa hàng bán lẻ xăng dầu...
Bên cạnh đó, là cơ quan quản lý trực tiếp, Bộ Công Thương đã gấp rút đề nghị các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu trên nỗ lực tìm nguồn hàng để cung ứng xăng dầu cho các cửa hàng, đại lý bán lẻ trên địa bàn các tỉnh. Ngoài ra, Bộ cũng triệu tập cuộc họp khẩn với 31 doanh nghiệp đầu mối để tìm giải pháp gỡ khó.
Đồng thời, Bộ Công Thương cũng đã phối hợp với Bộ Tài chính kịp thời tăng chi phí để tính giá xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước trong công thức tính giá cơ sở với xăng RON 92 (xăng nền pha chế E5 RON 92), RON 95 tăng 350 đồng, lên 1.320-1.340 đồng/lít trong kỳ điều hành ngày 11/10.
Còn nhiều vấn đề trong điều hành xăng dầu
Đến ngày 13/10, TP.HCM và một số tỉnh thành khu vực phía Nam đã không còn cảnh chen chúc, xếp hàng dài chờ mua xăng dầu như những ngày trước. Nhiều cây xăng đã hoạt động trở lại, tình hình cung ứng đã trở lại bình thường.
"Cơn sốt" thiếu xăng dầu đã hạ nhiệt, nhưng liệu tình trạng này có xảy ra một lần nữa nếu các doanh nghiệp đầu mối than lỗ, tiếp tục hạn chế nhập khẩu? Bộ Công Thương thừa nhận hiện nay dù đã được điều chỉnh từ 11/10 nhưng chi phí tiếp tục tăng rất mạnh, theo đó Bộ sẽ tiếp tục tính toán với Bộ Tài chính tăng chi phí cơ sở cho các doanh nghiệp đầu mối thuận lợi nhập khẩu xăng dầu.
Cần rút ngắn lại thời gian điều hành còn 7 ngày, tức điều hành vào ngày thứ 2 hàng tuần thay vì 15 ngày như trước.
Lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối xăng dầu.
Ông Nguyễn Văn Tuấn Quỳnh - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Long Hưng kiến nghị đối với định mức premium nhập khẩu xăng dầu từ nước ngoài về, nên điều chỉnh hàng tháng để sát tình hình thị trường.
"Chi phí định mức trong nước đề nghị điều chỉnh 6 tháng, mặc dù đã điều chỉnh nhưng chưa đúng với thực tế vì đây là nền tảng cho việc tạo nguồn", ông đề xuất.
Nói với Zing, lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối cho rằng cần rút ngắn lại thời gian điều hành còn 7 ngày, tức điều hành vào ngày thứ 2 hàng tuần thay vì 15 ngày như trước. "Đặc biệt, để ràng buộc trách nhiệm giữa đầu mối và hệ thống phân phối thì cơ quan Nhà nước phải khống chế lại quyền của thương nhân phân phối, không được quyền ký hợp đồng tràn lan và chỉ được ký tối đa 2 doanh nghiệp đầu mối", ông nhìn nhận.
Trả lời về vấn đề nguồn cung xăng dầu tại hội nghị tiếp xúc cử tri Cần Thơ sáng 13/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng cho biết đã yêu cầu các cơ quan rà soát thật kỹ cơ chế, chính sách, quy định để sửa đổi, bổ sung phù hợp tình hình. Trong đó, nghiên cứu rút ngắn chu kỳ điều chỉnh giá cũng như điều chỉnh các quy định liên quan chi phí cấu thành giá xăng dầu...