Trong khi mọi sự quan tâm đều đổ dồn vào cuộc bầu cử hồi đầu năm, các nhà dịch tễ học và chuyên gia y tế của Đài Loan đã sớm tập trung nghiên cứu những ca nhiễm virus corona đầu tiên, theo Nikkei Asian Review.
“Đầu năm 2020, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) cảnh báo các bác sĩ phải đặc biệt chú ý bệnh nhân có triệu chứng ho, sốt, đau họng và chảy nước mũi”, bác sĩ Lin ở Đài Bắc cho biết. “Chúng tôi phải yêu cầu các bệnh nhân này khai báo y tế chi tiết, đầy đủ”.
Kể từ đầu tháng 1, các bác sĩ Đài Loan bắt đầu sử dụng khẩu trang N-95 và nhiều thiết bị bảo hộ khác. Theo bản ghi nhớ nội bộ, bệnh nhân viêm phổi không rõ nguyên nhân đều được điều trị bằng phương pháp đặt nội khí quản.
Bệnh viện của bác sĩ Lin nhanh chóng thành lập khu vực cách ly bệnh nhân có triệu chứng liên quan đến virus corona. Tới đầu tháng 2, bệnh viện này dành riêng một toà nhà để điều trị các trường hợp nhiễm Covid-19.
“Tôi thấy giới chức và người đứng đầu các bệnh viện luôn suy tính để đi trước đại dịch nhiều bước. Nhờ vậy, chúng tôi được chuẩn bị kỹ càng để chống dịch ”, bác sĩ Lin chia sẻ.
Tính đến 8/4, Đài Loan ghi nhận 379 ca nhiễm và 5 ca tử vong do Covid-19.
Một người đàn ông được đo nhiệt độ thân thể ở bệnh viện tại Đài Loan. Ảnh: Nikkei Asian Review. |
Hành động sớm
Từ cuối năm 2019, hệ thống CDC Đài Loan đã gửi cảnh báo cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về dịch viêm phổi bí ẩn ở Trung Quốc đại lục. Tuy nhiên, WHO bỏ qua nỗ lực này và chỉ vài tuần sau, thành phố Vũ Hán bị phong toả do không kiểm soát được dịch bệnh.
Ngay từ giữa tháng 1, Đài Loan đã tiến hành rà soát và theo dõi sức khoẻ du khách trở về từ đại lục. CDC cũng cử 2 nhà dịch tễ học tới Vũ Hán để tìm hiểu thêm về chủng virus mới.
Tới ngày 6/2, đảo này cấm nhập cảnh đối với tất cả du khách mang hộ chiếu Trung Quốc đại lục và yêu cầu những người trở về từ Hong Kong, Macao phải cách ly 14 ngày.
Đến 19/3, Đài Loan tiếp tục có nhiều động thái mạnh mẽ như đóng cửa biên giới, không cho công dân nước ngoài nhập cảnh và yêu cầu người hồi hương phải cách ly 14 ngày.
Chuyên gia dịch tễ học Tony Chen Hsiu-hsi của Đại học Y tế Cộng đồng Đài Loan cho biết, “Chúng ta cần hành động sớm thì mới có thêm thời gian để kiểm soát dịch. Nếu Đài Loan đợi các ca tăng nhanh rồi mới phong toả và hạn chế đi lại thì sẽ quá muộn”.
Cũng theo ông này, người dân Đài Loan nhận thức rất rõ về sự nguy hiểm của đại dịch. “Mọi người luôn đeo khẩu trang và rửa tay thường xuyên. Tôi gọi đây là văn hoá phòng bệnh”.
Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Dữ liệu Sức khoẻ Arnold Chan cho biết: “Ký ức về thời chống dịch SARS năm 2003 vẫn còn ám ảnh nhiều y bác sĩ tuyến đầu. Lớp chiến sĩ thời ấy giờ đã trở thành giám đốc các bệnh viện, trung tâm y tế. Họ sẵn sàng truyền kinh nghiệm cho thế hệ đi sau”.
Nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn đi thăm một nhà máy sản xuất khẩu trang. Ảnh: Nikkei Asian Review. |
Quyết sách kịp thời
Chính quyền Đài Loan cũng đưa ra nhiều quyết sách thông minh trong quá trình chống dịch. Ngay sau khi Vũ Hán phong toả, lãnh đạo Đài Loan Su Tseng-chang đã tạm dừng xuất khẩu khẩu trang để bảo tồn nguồn cung nội địa.
Đến ngày 30/1, Đài Loan tiếp tục yêu cầu các nhà máy sản xuất phải chuyển giao việc phân phối khẩu trang cho cơ quan lãnh đạo. Trong khi đó, đảo cũng chỉ đạo nhiều đơn vị phối hợp làm việc để gia tăng sản xuất khẩu trang.
“Chúng tôi nâng sản lượng từ 1,8 triệu lên 15 triệu chiếc khẩu trang/ ngày. Dự án là công sức của khoảng 200 kỹ sư hàng đầu đến từ 28 doanh nghiệp”, Chủ tịch Hiệp hội Chế tạo công cụ và máy móc, ông Hsu Wen-hsien cho hay.
Đài Loan cũng phát triển một công cụ kỹ thuật số nhằm tích hợp dữ liệu, thông tin về sức khoẻ của người dân. Ứng dụng này còn cho phép mọi người đặt mua khẩu trang trực tuyến và nhận hàng ở các cửa hàng tiện lợi.
Đáng chú ý, nhà lãnh đạo Thái Anh Văn đang tận dụng thành tựu chống dịch để nâng cao uy tín của Đài Loan.
“Chúng tôi sẽ gửi cứu trợ 10 triệu chiếc khẩu trang cho các quốc gia thiếu hụt vật tư y tế”, bà Thái cho biết trong một cuộc họp báo hồi đầu tháng 4. “Chúng tôi muốn cho cộng đồng quốc tế thấy rằng Đài Loan có thể giúp sức và Đài Loan đang thực hiện điều này”.
Trung Quốc đã phản ứng lại việc này. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh lưu ý rằng Đài Loan đã cấm xuất khẩu khẩu trang khi dịch bệnh bùng phát ở Trung Quốc. Trung Quốc cũng nói rằng Đài Loan không nên chơi bất kỳ “thủ đoạn chính trị” nào để gia nhập WHO.
Kéo dài thời gian
Tuy nhiên, thành công bước đầu này không thể loại bỏ hoàn toàn nguy cơ bùng phát virus corona. Trên thực tế, làn sóng thứ hai đổ đến Đài Loan khiến 50 ca nhiễm tăng lên 370 trường hợp chỉ trong 1 tháng.
Trong kỳ nghỉ 4 ngày vừa qua, nhiều người dân đổ xô đến các điểm du lịch nổi tiếng của đảo này. Người đứng đầu cơ quan Y tế Chen Shih-chung cảnh báo hôm 6/4 rằng “việc tụ tập đông người chắc chắn sẽ khiến nguy cơ lây nhiễm gia tăng”.
Cũng theo ông Chen, Đài Loan có thể tránh được đợt bùng phát dịch sắp tới nếu thực hiện tốt các biện pháp giãn cách xã hội. Người dân cũng phải nghiêm túc tuân thủ quy trình kiểm dịch.
“Chúng tôi đang làm tất cả để kéo dài thời gian cho đến khi có vắcxin”, ông Chen cho biết.