Tình hình người lao động bị ngừng việc, giảm giờ làm, chấm dứt hợp đồng được đề cập trong báo cáo về hoạt động công đoàn năm 2022, tại Hội nghị Ban chấp hành của Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam sáng 16/12.
Tổ chức công đoàn nhận định trong năm qua, thu nhập của người làm công hưởng lương bình quân là khoảng 7,5 triệu đồng, tăng 12,1% so với cùng kỳ năm 2021. Việc này chủ yếu do tăng lương tối thiểu vùng và thu nhập ngoài lương trong dịp Tết Nguyên đán.
Tuy nhiên, thống kê chỉ ra có 122.100 doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động, nhiều lao động mất việc làm. Tình trạng cán bộ, công chức, viên chức thôi việc hoặc chuyển từ khu vực công sang khu vực tư với số lượng lớn.
Đồng thời, nhiều người phải chấp nhận tăng ca, làm thêm giờ để tìm nguồn thu nhập trang trải cuộc sống.
Đáng lưu ý, tình hình ngừng việc tập thể có xu hướng tăng. Trong đó, năm 2022, cả nước xảy ra 144 cuộc ngừng việc tập thể, tăng 53 cuộc so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, trên 98.000 lao động tham gia; chủ yếu ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến ngừng việc tập thể là người lao động trải qua thời gian khó khăn, giảm sút thu nhập, tích lũy sau hơn hai năm ảnh hưởng đại dịch Covid-19.
Ngoài ra, tiền lương tối thiểu chưa được điều chỉnh trong năm 2020, 2021; nhiều doanh nghiệp không tăng lương, thậm chí còn cắt giảm các khoản trợ cấp, phụ cấp, phúc lợi của người lao động...
Số liệu ngừng việc tập thể trong 4 năm | |||||
Nguồn: Tổng LĐLĐ Việt Nam | |||||
Nhãn | Năm 2019 | Năm 2020 | Năm 2021 | Năm 2022 | |
cuộc đình công tập thể | 121 | 125 | 91 | 144 |
Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết những tháng cuối năm, một một số doanh nghiệp chế biến gỗ, dệt may, da giày bị thiếu, cắt giảm đơn hàng dẫn đến nhiều người bị giảm giờ làm, chấm dứt hợp đồng, ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống.
Theo báo cáo của các cấp công đoàn, có 441 doanh nghiệp với tổng số gần 624.800 lao động tại 25 tỉnh, thành phố, bị ảnh hưởng. Trong đó, 562.400 lao động bị giảm giờ làm, trên 31.300 người bị chấm dứt hợp đồng và khoảng 31.000 người nghỉ không lương, tạm hoãn hợp đồng, nghỉ hưởng lương ngừng việc.
"Một bộ phận người lao động còn lo lắng về thu nhập, đời sống trước biến động giá cả các mặt hàng thiết yếu, tiền thưởng và các khoản phúc lợi trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023", Tổng LĐLĐ đánh giá.
Đồng thời, tình trạng người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần vẫn diễn ra chưa có các giải pháp thực sự hữu hiệu, ổn định, lâu dài; nhiều nơi tín dụng đen vẫn xâm nhập vào đời sống của công nhân.
Từ đó, tổ chức công đoàn cho biết người lao động mong muốn Nhà nước có thêm nhiều chính sách mới để cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động.
Trước tình hình trên, công đoàn cơ sở được chỉ đạo nắm chắc tình hình sản xuất, kinh doanh, đơn hàng và tình hình sử dụng lao động của doanh nghiệp; tham gia đối thoại, thương lượng với người sử dụng lao động duy trì việc làm, hạn chế việc chấm dứt hợp đồng lao động.
Đồng thời, tổ chức công đoàn báo cáo cấp ủy, chính quyền địa phương có biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhằm ổn định tình hình sản xuất, kinh doanh, chấp hành các chế độ đối với người đang làm việc, giảm giờ làm, chấm dứt hợp đồng lao động...
Tủ sách Xã hội giới thiệu những cuốn sách hay và mới về các chủ đề từ thời sự, chính trị, đến giao thông, hạ tầng... Tủ sách đồng thời cung cấp nhiều kiến thức, dữ liệu để độc giả hiểu nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội.