Ảnh minh họa về tin tặc tấn công mạng. Ảnh: EPA-EFE. |
Trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán từ ngày 20-26/1, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông - TTTT) đã ghi nhận và hướng dẫn xử lý 508 cuộc tấn công mạng, tăng 23% so với một tuần trước khi nghỉ Tết.
Bộ TTTT, trực tiếp là Cục An toàn thông tin đã tổ chức 3 nhóm trực 24/7 suốt kỳ nghỉ Tết gồm: nhóm giám sát, hỗ trợ ứng cứu xử lý tấn công mạng; nhóm giám sát thông tin trên không gian mạng và nhóm hỗ trợ xử lý tin nhắn rác.
Việc đảm bảo an toàn thông tin mạng trong kỳ nghỉ Tết được đánh giá tốt. Các cơ quan, đơn vị chuyên môn đã chủ động phối hợp với mạng xã hội, trang tin điện tử tổng hợp để xử lý kịp thời thông tin xấu độc, tin sai sự thật và tin giả.
Cục An toàn thông tin đã hỗ trợ ứng cứu 41 sự cố an toàn thông tin mạng trong dịp Tết. Các sự cố được đánh giá mức trung bình và thấp, không gây hậu quả nghiêm trọng do các đơn vị đã sớm triển khai giải pháp đảm bảo an toàn.
Hệ thống hỗ trợ xử lý tin nhắn rác đã tiếp nhận 394 phản ánh về tin nhắn rác suốt kỳ nghỉ Tết, tăng 11% so với năm ngoái.
Bộ TTTT cho biết trong kỳ nghỉ Tết đã bảo đảm tuyệt đối an toàn mạng lưới, thông tin liên lạc. Mạng lưới viễn thông hoạt động ổn định, đảm bảo lưu lượng dịch vụ tốt, không xảy ra sự cố.
Tính từ đầu kỳ nghỉ Tết, lưu lượng truy cập dữ liệu (data) tăng trung bình 34,7%, lưu lượng thoại giảm 6,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hệ thống kiểm soát tần số vô tuyến điện được tăng cường kiểm soát, duy trì hệ thống trực, bảo đảm an toàn, thông suốt trong dịp Tết. Hạ tầng kết nối, trung chuyển Internet, các hệ thống kỹ thuật tên miền, tài nguyên Internet quốc gia cũng được bảo đảm hoạt động thông suốt, ổn định.
Trước đó, đại diện dự án Chống lừa đảo cho biết 181 website được phát hiện và ngăn chặn từ ngày 19-27/1. Trong số đó, 166 trang lừa đảo chiếm đoạt tài sản và 15 website dụ dỗ đánh cắp thông tin.
Các trang web chủ yếu lợi dụng tâm lý trúng thưởng, mua sắm dịp Tết để lừa người dùng. Nhiều trang đặt tên miền có chữ “tet” hoặc “lixi”, mạo danh các game phổ biến hay sàn thương mại điện tử để dụ dỗ, chiếm đoạt tài sản.
Nhóm người săn lùng loại mã độc nguy hiểm nhất thế giới công nghệ
Trong quyển sách mới, Renee Dudley và Daniel Golden đưa độc giả đến gần hơn với cuộc chiến thầm lặng của những chuyên gia công nghệ toàn cầu, chống lại kẻ đứng sau ransomware.