Theo thống kê của Sở Giao thông vận tải, TP HCM hiện có tới hơn 2.500 tuyến đường không có vỉa hè với chiều dài 2.074 km (chiếm 51,3%). Điều này dẫn đến tình trạng dừng đậu xe dưới lòng đường gây ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố.
Trong số các tuyến đường có vỉa hè, thì chỉ có khoảng 27,47% chiều dài phần vỉa hè các tuyến đường có thể xem xét cho phép sử dụng tạm thời phần vỉa hè ngoài mục đích giao thông.
Vỉa hè Sài Gòn bị bao vây, lấn chiếm chủ yếu phục vụ mục đích kinh doanh. |
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, vỉa hè Sài Gòn đang bị bao vây, lấn chiếm chủ yếu phục vụ mục đích kinh doanh. Nhiều quán nhậu, quán cà phê mọc lên, tràn ra vỉa hè khiến người đi bộ phải đi xuống lòng đường.
Cũng theo báo cáo của Sở Giao thông vận tải, tình trạng buôn bán lấn chiếm vẫn diễn ra trên các tuyến đường Nguyễn Tri Phương (quận 10), Sư Vạn Hạnh (quận 11), Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh), Lê Văn Thọ (quận Gò Vấp)… Còn vỉa hè hai con đường chạy dọc kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè là Hoàng Sa và Trường Sa sau 6h chiều cũng biến thành quán nhậu.
Thế nên, theo ông Võ Văn Hoan, Chánh văn phòng UBND TP HCM, nếu chỉ ra quân trong 1-2 ngày thì không thể giải quyết được vấn đề. “Bây giờ người ta bán bằng xe Honda, cứ đến kiểm tra là họ chạy. Đây là một bài toán đô thị rất khó”.
Ông Hoan chỉ ra khó khăn lớn nhất hiện nay là giải quyết những khu vực giáp ranh giữa các quận. “Bên này kiểm tra gắt thì họ chạy sang bên kia, vì thế phải có cơ chế phối hợp đồng bộ để xử lý ở những khu vực này. Nếu TP Hồ Chí Minh có thẩm quyền mạnh hơn để có thể xử lý nghiêm khắc hơn thì vẫn đề này sẽ tốt hơn các đô thị khác”.
Vị chánh văn phòng UBND TP cũng nói thêm, “ý thức người dân rất quan trọng, mỗi người dân nên có trách nhiệm với lề đường, vỉa hè mà họ “sở hữu”.