Lực lượng cứu hộ bế cậu bé Syria Mehtez Farac ra khỏi đống đổ nát sau trận động đất. Ảnh: Reuters. |
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan thông báo số người chết trong trận động đất hôm 6/2 đã lên tới 8.754, Guardian đưa tin ngày 8/2.
Trong khi đó, truyền thông Syria đưa tin số nạn nhân thiệt mạng trong trận động đất trên lãnh thổ nước này cũng tăng lên 2.470 người.
Như vậy, tổng số người thiệt mạng trong trận động đất kinh hoàng ngày 6/2 hiện lên tới 11.224 nạn nhân.
Trước đó, quan chức cấp cao thuộc Tổ chức Y tế Thế giới tại châu Âu, Catherine Smallwood, từng cho biết số người chết trong vụ động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria có thể tăng lên hơn 20.000.
“Có khả năng chúng ta sẽ chứng kiến những vụ sụp mới, do đó chúng ta thường chứng kiến con số ban đầu tăng gấp 8 lần", bà nói.
Tại Thổ Nhĩ Kỳ, đang có hơn 79.000 người tham gia vào công tác tìm kiếm và giải cứu các nạn nhân sau thảm họa ngày 6/2.
AFP đưa tin ở Gaziantep, các cửa hàng đã đóng cửa trong khi đường dẫn khí đốt bị ngắt để tránh xảy ra vụ nổ. Việc tìm kiếm xăng trở nên khó khăn. Khoảng 100 người quấn chăn ngủ trong phòng chờ của nhà ga sân bay.
Zahide Sutcu cùng hai con nhỏ ở sân bay chia sẻ: “Chúng tôi chứng kiến các tòa nhà sụp đổ nên chúng tôi biết mình thật may mắn khi còn sống. Nhưng bây giờ cuộc sống của chúng tôi có quá nhiều bất trắc. Làm thế nào để tôi chăm sóc những đứa trẻ này?”.
Trong khi đó, ở tỉnh Kahramanmaras gần tâm chấn của trận động đất, tiếng còi xe cấp cứu liên tục vang lên. Ông Erdogan cho biết lực lượng cứu hộ gặp một số vấn đề với đường xá và sân bay nhưng mọi thứ sẽ tốt hơn vào ban ngày.
Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đang đứng trước áp lực lớn từ người dân khi tiến độ của công tác tìm kiếm, cứu nạn vẫn còn chậm. Công tác cứu hộ gặp nhiều thử thách khi quy mô thiệt hại lớn và thời tiết lạnh giá, đe dọa đến những người sống sót đang bị mắc kẹt.
Tại thành phố Hama của Syria, đám tang một số gia đình thiệt mạng đã được tổ chức hôm 7/2.
"Đó là cảnh tượng đáng sợ", Abdallah al Dahan nói. "Cả đời tôi chưa từng thấy điều gì thế này".
Vấn đề Trung Đông
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách "Châu Phi - Trung Đông: Những vấn đề chính trị và kinh tế nổi bật". Cuốn sách giới thiệu cuộc cải cách thể chế chính trị và kinh tế ở châu Phi và Trung Đông từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay. Cuốn sách bao trùm nhiều vấn đề về sắc tộc, khả năng giải quyết mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo, chính sách của các nước lớn, dầu mỏ, khí đốt ở hai khu vực này…
>>Độc giả có thể đọc thêm tại đây.