“Sau động đất, tôi liên hệ với một vài người bạn nhưng chưa có phản hồi. Đối với người Việt, tôi biết 2 người đang sống và lập gia đình ở ngay thành phố xảy ra động đất, cũng may họ đã được di tản tới nơi an toàn”, anh Bùi Xuân Mai (36 tuổi) - Trưởng hội sinh viên Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ - chia sẻ với Zing.
Anh cho biết thêm họ đã tới thành phố khác ở nhờ nhà bà con. Giờ đây, chỉ có một vài khó khăn như gas, điện, nước bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, họ phải chấp nhận cảnh nhiều người tập trung trong một nhà, không gian sinh hoạt không được như trước.
Dù vậy, “trong thiên tai, sống sót được là may mắn lắm rồi", anh Mai nói. “Có chỗ để trú còn hơn là ở ngoài trời, trong thời tiết giá lạnh với lớp tuyết dày tới 20 cm, nhiệt độ -5 độ C”.
Theo chia sẻ của anh Mai, dù cuộc sống ở nhiều nơi vẫn diễn ra bình thường do không nằm trong vùng ảnh hưởng bởi động đất, tâm trạng u buồn đang bao trùm cả Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong khi đó, theo anh Dương Nam Phương ở Istanbul, mặc dù công việc vẫn tiếp diễn, cuộc sống hầu như chậm lại.
“Nhiều người ưu tiên việc tham gia hoạt động tình nguyện hoặc ủng hộ để giúp đỡ người dân khu vực thảm họa, hơn là tập trung công việc riêng”, anh cho biết.
Hai ngày sau trận động đất hủy diệt đêm 6/2, ít nhất 9.578 người đã thiệt mạng và 37.011 bị thương ở khu vực biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Adelheid Marschang, quan chức cấp cao WHO, ước tính khoảng 23 triệu người, bao gồm 1,4 triệu trẻ em, có thể bị ảnh hưởng do trận động đất.
Nỗi u buồn bao trùm đất nước
Anh Mai hiện sống ở Istanbul, cách nơi xảy ra trận động đất khoảng 1.000 km nên may mắn không bị ảnh hưởng bởi thảm họa này.
“Công việc hàng ngày vẫn diễn ra bình thường. Nhưng với con số thương vong như thế, tâm trạng u buồn đang bao trùm cả đất nước. Tổng thống đã tuyên bố quốc tang 7 ngày đến hết 12/2”, anh nói.
Theo chia sẻ của anh, sống ở Thổ Nhĩ Kỳ 14 năm, anh đã chứng kiến nhiều trận động đất nhưng vụ việc hôm 6/2 gây ra thiệt hại đặc biệt lớn. “Đôi khi cũng có những trận động đất làm sập 3-4 tòa nhà gây thương vong, nhưng thảm họa lần này rất tồi tệ”.
Về tình hình hiện tại, anh Mai cho biết không xảy ra cảnh thiếu thốn trong các siêu thị. Hệ thống cung cấp lương thực của Thổ Nhĩ Kỳ có thể ứng phó với những sự cố như vậy, “năng lực ứng phó khẩn cấp của nước này rất tốt, họ từng tiếp nhận 3 triệu người tị nạn trong cuộc nội chiến Syria nhưng vẫn đảm bảo an ninh”, anh nói.
Hai người phụ nữ đau buồn sau thảm họa của trận động đất ở Kahramanmaras (Thổ Nhĩ Kỳ) ngày 8/2. Ảnh: Reuters. |
Cùng chung cảm nhận với anh Mai, chị Hồng Mến ở Bursa, cách Istanbul khoảng 1,5 tiếng di chuyển, cũng cho biết chị chưa từng chứng kiến trận động đất lớn như vậy ở Thổ Nhĩ Kỳ dù đã sống ở nước này 12 năm.
“Tôi nghe tin động đất vào sáng 6/2 khi mở thời sự nghe tin tức. Đây là trận động đất quá thảm khốc, gây ra thương vong lớn và quá nhiều tổn thất. Những dư chấn cũng xuất hiện liên tục suốt cả ngày”, chị Mến chia sẻ.
“Tôi rất buồn và sốc. Cả đất nước Thổ Nhĩ Kỳ giờ đau buồn tột độ, như để tang vậy, toàn một màu đen”, chị nói thêm.
"Đến nay, tôi vẫn chưa liên lạc được với một số người Việt khác (trong khu vực bị ảnh hưởng). Dù đó không phải bạn bè, tôi vẫn thường tham gia hoạt động giúp đỡ người Việt bên này. Từ hôm qua, tôi nhắn mà chưa ai trả lời, giờ không biết họ ra sao", chị nói.
Từ Istanbul, anh Dương Nam Phương cũng cho biết vì thành phố này không nằm trong vùng ảnh hưởng của động đất, mọi thứ vẫn hoạt động bình thường. Tuy nhiên, do tâm lý bị ảnh hưởng, mọi người chủ yếu vẫn theo dõi, tập trung vào người dân, khu vực chịu thảm họa.
“Mặc dù công việc vẫn tiếp diễn, mọi thứ hầu như đang chậm lại. Nhiều người ưu tiên việc tham gia vào những hoạt động tình nguyện hoặc ủng hộ để giúp đỡ người dân khu vực thảm họa, hơn là công việc riêng”, anh Phương chia sẻ.
Trong khi đó, chị Tuyền - sinh sống ở Istanbul - chia sẻ chị nghe tin về trận động đất qua Internet. Dù tin tức về động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ khá thường xuyên, chị Tuyền vẫn rất “sốc vì thương vong quá nhiều”.
“Tôi ở xa nên không cảm nhận được hết sự mất mát to lớn thế nào. Bạn bè ở Việt Nam đều gọi điện hỏi thăm sau khi nghe tin. May mắn tôi đang sống ở thành phố khác”, chị nói.
“Tim tôi nghẹn lại”
Trao đổi với Zing vào rạng sáng 8/2, chị Kiều Loan, ở thủ đô Ankara, không khỏi trằn trọc khi nghĩ về những nạn nhân trong vụ động đất. “Tôi thấy khó ngủ. Nghĩ đến việc bao nhiêu người đang chịu cảnh không nhà, lạnh và đau khổ mà mình chăn ấm thực không biết nói sao. Hôm qua tôi cũng chỉ ngủ được 2 tiếng vì phải nhắn tin cho gia đình và bạn bè ở Việt Nam an tâm”, chị kể.
Hơn hai năm sống ở thủ đô Ankara, chị Loan chỉ chứng kiến vài cơn địa chấn nhẹ và mọi thứ vẫn nằm trong mức độ an toàn. “Tôi chưa từng thấy trận động đất nào mạnh như lần này”.
“Hiện tại, có lẽ khó khăn lớn với những ai sống ở khu vực này là vấn đề tâm lý. Họ lo lắng về sự an toàn và việc bắt đầu lại mọi thứ, rõ ràng khi tòa nhà sụp đổ tất cả tài sản của gia đình đều mất hết. Nhưng có lẽ mọi người rồi sẽ ổn định lại nếu bản thân và gia đình bình an”, chị hy vọng.
Theo chị Loan, hiện tại, các chuyên gia dự báo Ankara vẫn nằm trong khu vực an toàn và đưa ra cảnh báo địa chấn với một số thành phố khác như Istanbul, Izmir…
“(Song) tôi chủ yếu hướng về các thành phố gặp nạn. Vì hiện tại thời tiết khá lạnh và có tuyết rơi, rất khó khăn cho đội ngũ cứu hộ và nạn nhân. Đã qua hai ngày hai đêm, đội cứu hộ vẫn đang trong quá trình tìm kiếm nạn nhân dưới đống đổ nát. Tôi hi vọng nhiều người sẽ được cứu sống”, chị chia sẻ.
Người Việt dỡ hàng cứu trợ tại một địa điểm tiếp nhận. Ảnh: NVCC. |
Trận động đất khiến chị Loan hoảng sợ vì chỉ sau một đêm tỉnh dậy “đã có mấy nghìn cuộc đời kết thúc trong đau đớn và lạnh giá”.
“Hôm qua (6/2), tôi đã thấy trên tivi có những em bé được đội cứu hộ cứu sống, khi đưa các bé ra khỏi đống đổ nát, chúng còn đang khua tay chân hoảng loạn. Không biết cha mẹ các bé có còn sống hay không?”, chị nghẹn ngào.
“Xem những người đi cứu hộ đến từng tòa nhà đã bị hủy hoại, nghe tiếng gọi ‘có ai còn sống không’ thì tim tôi cũng nghẹn lại và rơi nước mắt theo. Thật sự rất cảm thông cho sự khó khăn của các nạn nhân”, chị trải lòng.
Trong khi đó, theo chia sẻ của anh Phương, một người bạn thân của anh đã mất cha mẹ sau trận động đất.
“Sau khi nghe tin, bạn tôi đã lái xe hơn 10 tiếng để trở về Hatay từ Istanbul. Các đội cứu hộ bị thiếu nhân lực nên toàn bộ đống đổ nát gần như vẫn nằm im. Đến đêm cậu bạn về được đến nhà, cùng với người nhà và đội ứng cứu cá nhân đưa cha mẹ khỏi đống đổ nát thì họ đã mất rồi”, anh Phương đau xót nói.
Trước nhiều lo ngại về cuộc sống người dân sau thiên tai, anh Phương chia sẻ rằng ở Thổ Nhĩ Kỳ không xảy ra tình trạng mua hàng tích trữ hay thiếu hàng hóa, “mọi thứ vẫn diễn ra bình thường”.
“Công tác đảm bảo an ninh ở khu vực thảm họa được thực hiện nên tình hình trật tự ở mức khá tốt”, anh Phương - sống tại Thổ Nhĩ Kỳ từ năm 2009 - chia sẻ thêm.
Thận trọng sau thảm họa
Theo anh Phương, Istanbul là thành phố nằm trong bản đồ động đất trên toàn Thổ Nhĩ Kỳ. Anh kể lại trước đây, vào năm 1999, ở Istanbul xảy ra trận động đất lớn khiến khoảng 18.000 người thiệt mạng.
“Thảm họa lần này có thể còn khủng khiếp hơn cả Istanbul hồi xưa bởi nó trải ra trên 10 thành phố với bán kính là hơn 500 km”, anh cho biết. “Nó gây cảm giác kinh hoàng và nỗi sợ to lớn trong tâm trí của người Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay”.
Anh Phương cũng cho hay người Thổ Nhĩ Kỳ có ý thức rất cao về động đất. Hầu hết đều hiểu khi động đất thì họ cần phải làm gì.
“Nhưng khổ ở đây là trận động đất hôm 6/2 xảy ra vào giữa đêm khi mọi người đang ngủ. Vì vậy khi các tòa nhà sụp xuống, mọi thứ đổ vỡ, nhiều người không chạy kịp được”, anh nói. “Thảm họa này gây ra sự kinh hoàng rất lớn”.
“Mọi người xung quanh tôi còn lo lắng hỏi nhau là nếu bây giờ họ đang ngủ mà xảy ra động đất như thế thì phải làm gì”, anh kể lại.
Nhiều tòa nhà đã bị sập sau trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Reuters. |
Sau trận động đất, nhiều người Việt ở Thổ Nhĩ Kỳ cũng giữ tâm lý thận trọng hơn tại nơi mình đang sống. Anh Mai cho rằng Istanbul vẫn là thành phố có thể xảy ra động đất bởi nó nằm trên mạch gãy của biến đổi địa chất giữa châu Âu và châu Á.
Vì vậy, từ lâu, các chuyên gia Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa ra khuyến cáo về độ tuổi cũng như tiêu chuẩn của nhà, chẳng hạn “tòa nhà bao nhiêu năm thì phải dỡ đi xây lại, hay các căn nhà mới phải xây theo tiêu chuẩn chống động đất, như đảm bảo mức cân bằng cao bao nhiêu thì sâu bấy nhiêu”.
Ngoài ra, để tránh bị ảnh hưởng nặng trong các trận động đất, anh cho biết người dân ở Thổ Nhĩ Kỳ trước khi mua nhà cần xem độ tuổi của nhà và liệu nó có đảm bảo quy định, tiêu chuẩn xây dựng không.
Còn về phần cá nhân, chị Kiều Loan cho rằng qua sự việc này mỗi người, mỗi nhà nên lập kế hoạch để tiết kiệm và có khoản dự phòng nhất định về mặt tài chính, phòng trừ những lúc rủi ro, khó khăn.
“Tôi nghĩ nên dự trữ thêm tiền mặt trong nhà và cho các giấy tờ quan trọng vào tệp hồ sơ để ở một nơi thuận tiện dễ lấy”, chị nói. “Nếu có vấn đề gì thì mọi người chỉ cần mang theo giấy tờ và số tiền dự trữ, rồi nhanh chóng thoát ra ngoài, tránh khỏi những tòa nhà cao càng sớm càng tốt để bảo toàn mạng sống trước tiên”.
Chị chia sẻ thêm sau dịch bệnh Covid-19 cùng thảm họa thiên tai này, chị nhận ra sức khỏe và bình an là hai điều quan trọng nhất.
“Dù sao tính mạng vẫn luôn quan trọng hơn những thứ do con người tạo ra. Người còn sống, còn bình an thì mọi thứ đều có thể bắt đầu lại. Tôi mong những điều an lành sẽ đến với mọi người, mọi nhà”, chị nói.
Chị Kiều Loan cũng hy vọng từ sau dịch bệnh, thiên tai như lần này, “mọi người có thể thay đổi nhận thức và một vài thói quen, hành động trong cuộc sống, có lẽ đó là lời cảnh báo của thiên nhiên dành cho con người”.
Trong khi đó, chị Hồng Mến cũng hướng dẫn các con cách bảo vệ bản thân khi xảy ra động đất.
"Mỗi phòng của tụi nhỏ có một balo chuẩn bị trước cho động đất. Thiên tai ập đến lúc nào không hay nên khi có cảnh báo, người dân cần chuẩn bị tinh thần. Tôi và gia đình đã chuẩn bị từ vài năm trước", chị chia sẻ với Zing.
Vấn đề Trung Đông
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách "Châu Phi - Trung Đông: Những vấn đề chính trị và kinh tế nổi bật". Cuốn sách giới thiệu cuộc cải cách thể chế chính trị và kinh tế ở châu Phi và Trung Đông từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay. Cuốn sách bao trùm nhiều vấn đề về sắc tộc, khả năng giải quyết mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo, chính sách của các nước lớn, dầu mỏ, khí đốt ở hai khu vực này…
>>Độc giả có thể đọc thêm tại đây.