Với hơn 300 tài liệu lưu trữ và hình ảnh quý về các hội đấu xảo tiêu biểu có sự tham gia của Việt Nam, triển lãm tài liệu lưu trữ “Đấu xảo - Nơi tinh hoa hội tụ” (do Trung tâm Lưu trữ quốc gia I tổ chức mới đây) đã phác họa không gian các hội đấu xảo trong nước, quốc tế, nơi hội tụ tinh hoa Việt, từ cuối thế kỉ 19 đến giữa thế kỉ 20. |
Theo các tài liệu, hình ảnh từ triển lãm chúng ta biết được cuối thế kỷ 19 - đầu thế kỷ 20, ở Việt Nam, chủ yếu tại Hà Nội, Sài Gòn đã có nhiều hội đấu xảo được tổ chức. Hội đấu xảo Gia Định tổ chức Năm Tự Đức 19 (1865) được coi là hội đấu xảo lớn đầu tiên diễn ra tại Nam Kì thời Pháp thuộc. Hội đấu xảo lớn đầu tiên ở Hà Nội được tổ chức tại Trường Thi (năm 1887) giới thiệu các sản phẩm kĩ nghệ của nước Pháp tại Đông Dương. Hội đấu xảo Hà Nội tổ chức năm 1902 là dấu mốc đặc biệt về sự góp mặt của các gian hàng từ nước Pháp, các thuộc địa Pháp và một số nước châu Á. Trong ảnh là một áp phích giới thiệu Hội đấu xảo Hà Nội năm 1902. |
Các sản phẩm trưng bày tại Hội đấu xảo Hà Nội năm 1902 được chia ra làm ba nhóm chính: Nhóm 1: Khảo cổ, mỹ thuật, giáo dục, khoa học… Nhóm 2: Nông nghiệp, thương mại, kỹ thuật, mỏ… Nhóm 3: Xây dựng, cơ khí, hàng hải, vận tải, công chính, đường sắt… Trong ảnh là cảnh các phu khuân đồ chuẩn bị cho Hội đấu xảo Hà Nội năm 1902. |
Cũng trong năm 1902, Cung đấu xảo (nằm tại vị trí Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô, nay không còn nữa) được khánh thành. |
Các tài liệu, hình ảnh từ triển lãm cũng cho chúng ta biết các đồ trưng bày của Việt Nam không chỉ góp mặt ở các hội đấu xảo trong nước mà còn được phô diễn tại nhiều cuộc đấu xảo thuộc địa, đấu xảo thế giới ở các thành phố lớn của Pháp, Mỹ và nhiều quốc gia khác trên thế giới. Năm 1878, một số sản phẩm của Đông Dương, trong đó có Nam Kì đã có mặt tại Triển lãm thế giới Paris, nhưng phải đến năm 1889, lần đầu tiên trưng bày của Đông Dương có một vị trí quan trọng tại Triển lãm. Khu vực dành cho Đông Pháp chiếm vị trí quan trọng ở khu L’Esplanade des Invalides, gồm Nam Kì, Trung - Bắc Kì và Cao Miên. Mỗi xứ có một tòa trưng bày riêng dành cho các sản phẩm từ đất đai hoặc sản phẩm kĩ nghệ. Trong ảnh là Cổng chính Tòa Nam Kì. |
Ảnh bên trong Tòa Nam Kì ở khu L’Esplanade des Invalides. Có nhiều sản phẩm do người Việt làm ra được trưng bày trong tòa nhà này từ đồ thờ cúng, đồ gỗ chạm khảm đến đồ dùng hàng ngày của người An Nam. Ngoài ra còn có các mẫu lụa, kén tằm, vải the và mẫu gạo... |
Những chiếc đèn lồng hình chuồn chuồn, hình bướm, hình cá bằng giấy bóng với hình dáng nhẹ nhàng và đầy màu sắc được làm một cách khéo léo và tài tình. Những chiếc đèn lồng độc đáo nhất được lựa chọn đi dự Hội đấu xảo thế giới. |
Vào năm 1906, đấu xảo thuộc địa lần đầu tổ chức tại Marseille (Pháp) mở cửa ngày 15/4 và kéo dài khoảng sáu tháng tại Trường diễn tập Rouet. Sự kiện có sự tham gia của tất cả xứ thuộc địa và bảo hộ của Pháp, trưng bày sản phẩm nông nghiệp, kỹ nghệ và nghệ thuật. Trong số 21 hạng mục, thi công chính là Cung Đông Dương, các công trình còn lại là kiến trúc tiêu biểu của ba miền ở Việt Nam thời đó. |
Trong số các hội đấu xảo có sự tham gia của Việt Nam thời kì đó, hội đấu xảo thuộc địa năm 1931 đã giới thiệu hình ảnh, tiềm năng và các sản phẩm hàng hóa của Đông Dương một cách phong phú và đa dạng nhất. Ảnh áp phích Hội đấu xảo thuộc địa năm 1931 tại Paris. |
Các tác phẩm tham dự đấu xảo của Việt Nam tại Hội đấu xảo Paris 1931 thu hút người phương Tây bởi vẻ tao nhã, độ tinh xảo và sự độc đáo của chúng. Một số sản phẩm, hình ảnh và đồ trưng bày thực sự mới lạ đối với khách tham quan. Ảnh người Việt chuẩn bị các sản phẩm giới thiệu tại Hội đấu xảo. |
Cũng tại Hội đấu xảo thuộc địa năm 1931 tại Paris, các sản phẩm văn hóa của người Việt như nghệ thuật hát bội cũng được giới thiệu tới công chúng Pháp và quốc tế. |
Không chỉ dự đấu xảo ở Pháp, sản phẩm của người Việt còn xuất hiện tại nhiều hội đấu xảo thế giới hay đấu xảo kĩ nghệ ở các thành phố khác như Marseille, Lyon… (Pháp), San Francisco, New York (Mỹ) hay Bruxelles, Liège (Bỉ)… |