Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những người thợ chụp ảnh ở Đà Nẵng gần 100 năm trước

Nghề chụp ảnh đã có mặt ở Đà Nẵng từ đầu thế kỷ XX. Những người thợ ảnh đã trải qua bao thăng trầm của lịch sử để giữ lấy cái nghề của mình.

Chuyen xua xu Quang anh 1

Một góc của chợ Cồn qua những bức ảnh đã nhuốm màu thời gian. Ảnh: Tư liệu.

Thật khó để xác định cư dân Đà Nẵng làm quen với máy ảnh, biết chụp ảnh, sang ảnh… từ lúc nào. Tuy nhiên vào đầu thế kỷ XX, khi Đà Nẵng còn là đất nhượng địa của thực dân Pháp với tên gọi Tourane, thì ở đây đã có một hiệu ảnh không đề bảng hiệu do ông Lê Văn Tập làm chủ. Hiệu ảnh này nằm trên đường Bd. Jule Ferry, tức đường Trần Phú hiện nay, vị trí gần nhà thờ Chánh tòa Đà Nẵng.

Bấy giờ, nhắc đến tên Lê Văn Tập, người địa phương không ai không biết. Đó là một nhà tư sản giàu có và nổi tiếng. Nhưng, nghề nghiệp chính của ông không phải là kinh doanh hiệu ảnh, mà là chủ một garage xe với tên gọi garage Lê Văn Tập. Garage này nằm trên đường Bd. De la République, tức đường Hùng Vương, sát với Sở Y tế thành phố Đà Nẵng ngày nay.

Càng lưu ý rằng, lúc bấy giờ, trên đất nhượng địa Tourane chỉ có vài garage như garage của hãng STACA, garage xe của một người Pháp thường được gọi là ông Mít… Xem đủ biết ông Lê Văn Tập giàu cỡ nào.

Thật ra, việc mở hiệu ảnh với ông Lê Văn Tập chẳng qua chỉ là thú chơi, không phải chuyện kinh doanh nhằm thu lợi nhuận. Ông Lê Văn Tập có một người em là ông Lê Văn Tư. Ông này theo anh mình học nghề ảnh. Hồi ấy, chụp ảnh không phải bằng phim mà bằng kính (gương).

Để ảnh đẹp, trước khi sang phải sửa kính. Nghĩa là sửa những chỗ có thể là ảnh bị xấu đi lúc sang ảnh. Do khéo tay, có khiếu thẩm mỹ, ông Lê Văn Tư là thợ sửa ảnh có tiếng ở Tourane. Mãi đến khi ông Lê Văn Tập không làm ảnh nữa mới giao lại cho em mình là ông Lê Văn Tư.

Khác với người anh, ông Lê Văn Tư treo bảng hẳn hoi, lấy tên là Photo Lê Văn Tư. Về thời điểm ra đời của hiệu ảnh Lê Văn Tư, theo cô Nguyễn Thị Phụng, hay còn gọi là cô Phụng Kí, sinh năm 1915 thì năm lên 12 tuổi, cô đã xin vào học ở hiệu ảnh Lê Văn Tư. Như vậy, hiệu ảnh Lê Văn Tư ra đời muộn nhất cũng vào giữa những năm 1920. Bấy giờ, ở hiệu ảnh Lê Văn Tư, ngoài chủ hiệu, còn có thợ làm công, thợ học việc.

Để chụp ảnh, phải có máy ảnh. Máy ảnh hồi ấy to và cồng kềnh, không nhỏ gọn như bây giờ. Người trong nghề như cô Phụng Kí gọi là máy Dix-huit-vingt-quart (18x24) với ống kính hiệu Tessar Zeiss, gọi tắt là Tessra. Khách hàng đến hiệu ảnh chủ yếu chụp chân dung. Đàn ông đa phần mặc đồ Tây, áo vest, mang giày. Phụ nữ thường mặc áo dài. Còn đám cưới họ hiếm khi chụp hình. Nguyên nhân chính là do tiền công đắt, không phải ai cũng đủ khả năng tài chính.

Thời điểm nghề chụp ảnh, các hiệu ảnh lần lượt ra đời ở đất nhượng địa Tourane là vào những năm đầu của thập kỷ 1930. Đó là các hiệu ảnh mang tên rất Tây là Photo Đà Giang, Photo Tân Mỹ, Photo Tourane, Photo Ánh Sáng rồi Photo Minh Long.

Chuyen xua xu Quang anh 2

Sách Chuyện xưa xứ Quảng của tác giả Phạm Hữu Đăng Đạt. Ảnh: Quỳnh Anh.

Chủ Photo Đà Giang là ông Kiếm. Chủ Photo Tourane là ông Trương Văn Minh. Ông này trước hành nghề chụp ảnh ở Huế, sau vào mở cửa hiệu ở Đà Nẵng, nổi tiếng thích ăn chơi, dù đã lớn tuổi nhưng không chịu lập gia đình. Chủ của Photo Tân Mỹ là ông Nguyễn Văn Chi, trước kia là thợ ảnh ở hiệu ảnh Lê Văn Tư.

Những hiệu ảnh trên nằm trên trục đường Quai de Courbet tức đường Bạch Đằng, rồi đường Đồng Khánh tức đường Hùng Vương. Nhưng, tất cả đều quanh quẩn ở những vị trí gần chợ Hàn, nơi được gọi là Trung tâm thương mại-dịch vụ thời bấy giờ.

Riêng Photo Ánh Sáng của ông Lê Văn Mẹo nằm trên đường Verdun, tức đường Trần Hưng Đạo hiện nay, gần garage ông Mít. Trong những hiệu ảnh ấy, Photo Tourane của ông Trương Văn Minh làm ăn một thời gian thấy không hiệu quả, phải dẹp bỏ bảng hiệu cũ, hùn vốn với một người khác tên là ông Long, mở hiệu ảnh mới tên là Photo Minh Long.

Đã có hiệu ảnh, tất nhiên phải có nơi bán dụng cụ để chụp ảnh, sửa ảnh và sang ảnh. Thế nên, tại Đà Nẵng lúc bấy giờ đã xuất hiện một cửa hiệu chuyên bán kính (gương) để chụp ảnh, rồi giấy ảnh…đó là cửa hiệu Huỳnh Phát Lợi. Riêng bàn rửa ảnh phải gửi từ Pháp sang.

Hiệu ảnh Lê Văn Tư, hiệu ảnh đầu tiên có đề bảng hiệu ở Đà Nẵng chấm dứt hoạt động vào năm 1935. Nguyên nhân là khi “Đà thành nữ công học hội” được thành lập, chị em lấy cửa hiệu làm nơi tập trung hoạt động. Trong đó, có chị Phạm Thị Hương Kì, thư ký của hiệu ảnh Lê Văn Tư là người rất năng nổ.

Ông Lê Văn Tư, dù không hoạt động gì, cũng sợ liên lụy, ảnh hưởng đến chuyện làm ăn. Thế nên, cứ làm ra đồng nào, ông lo đút lót để yên chuyện. Cuối cùng thấy không thể duy trì mãi tình trạng này, ông đành đóng cửa hiệu, chuyển qua đi xe cho anh mình là ông Lê Văn Tập. Ông đi tuyến Lào, bị nhiễm bệnh về mắt, chôn ở Nam Giao thuộc Huế.

Đặc biệt, trong số những người làm công cho ông Lê Văn Tư, có hai người là bà Nguyễn Thị Phụng và ông Hà Quốc Thể, lúc này đã thành vợ chồng, ra làm ăn riêng. Ông Hà Quốc Thể đi chụp ảnh dạo ở Quan Nam, Trường Định thuộc tổng Hòa An, huyện Hòa Vang. Còn cô Nguyễn Thị Phụng đến xin làm công cho hiệu ảnh Tân Mỹ của ông Nguyễn Văn Chi.

Đến 1/1/1940 họ mới mở hiệu ảnh riêng, lấy tên là Hiệu ảnh Phụng Kí, nằm trên đường Đồng Khánh cũ, nay là đường Hùng Vương. Cũng trong thời gian này, hiệu ảnh Phụng Kí là hiệu ảnh sử dụng máy ảnh Welta, chụp bằng phim, là loại máy ảnh tối tân nhất thời bấy giờ. Ngoài máy Welta, lại xuất hiện nhiều máy ảnh chụp bằng phim khác. Đây là bước phát triển mới của nghề chụp ảnh ở Đà Nẵng.

Cuối năm 1946, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trở lại xâm lược Đà Nẵng bùng nổ. Thực hiện chủ trương của trên, nhân dân thành phố tản cư ra vùng tự do. Các hiệu ảnh cũng tạm thời đóng cửa.

Riêng hiệu ảnh Phụng Kí vào Tam Kỳ mở cửa cũng mang cái tên đã có thương hiệu là Hiệu ảnh Phụng Kí. Đây là hiệu ảnh đầu tiên ở Tam Kỳ và cũng là hiệu ảnh phục vụ cho kháng chiến của công an Quảng Nam-Đà Nẵng. Năm 1953, khi cô Nguyễn Thị Phụng ra Đà Nẵng thì bấy giờ các hiệu ảnh mọc lên nhan nhản, ước chừng có vài chục cửa hiệu. Rõ ràng, nghề chụp ảnh ở Đà Nẵng đã bước sang trang mới.

Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Zing News

Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Zing News mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.

Trân trọng.

Món mít non nấu với cá chuồn xứ Quảng

Cá chuồn dễ ăn, dễ nấu, nhưng ngon nhất vẫn là nấu canh với mít non.

Bún mắm nêm nổi danh xứ Quảng

Dù chưa rõ gốc gác, canh bún chẳng phân biệt thực khách phương nào, còn bún mắm nêm thì ngon nhất, không đâu qua đất Quảng Đà.

Phạm Hữu Đăng Đạt/ NXB Kim Đồng

SÁCH HAY