Chế độ diệt chủng gây ra cái chết của khoảng 2 triệu người Campuchia. Ảnh: CNN. |
"Cơ thể tôi chỉ còn da bọc xương, không chút sức sống. Đã 4 năm liền tôi ăn gián, cóc, chuột, bọ cạp, châu chấu và mối để làm dịu những cơn đói do chế độ Khmer đỏ gây ra. Đã 4 năm tôi đi chân đất dưới mọi thời tiết, lội bì bõm trong bùn để cày, gieo, cấy, gặt, đào hố và đắp đê, với chỉ hai ba hạt muối và nước lã thay cho bữa ăn vào mỗi buổi sáng; thân thể phù nề và sốt rét nhưng tuyệt đối không được phàn nàn hoặc khóc những thân quyến qua đời..."
Đó là dòng hồi ức kinh hoàng của Denise Affonço, người đã sống sót sau 4 năm dưới chế độ Khmer đỏ.
Viết để phản bác lại những lập luận sai trái
Khmer đỏ cầm quyền Campuchia trong giai đoạn 1975-1979. Trong giai đoạn tồi tệ đó, 2 triệu trong tổng số 7 triệu người Campuchia đã chết vì đói, làm việc quá sức, bệnh tật mà không được chăm sóc, bị hành quyết dã man. Chính quyền Khmer đỏ cũng nhiều lần xâm lấn biên giới, giết hại dã man dân thường Việt Nam.
Để tự bảo vệ mình và làm nhiệm vụ quốc tế, giúp Campuchia thoát thảm họa diệt chủng, đáp ứng lời kêu gọi giúp đỡ của Mặt trận đoàn kết dân tộc của nước Campuchia, bộ đội tình nguyện Việt Nam đã phối hợp với lực lượng vũ trang của Mặt trận thống nhất giải phóng dân tộc Campuchia mở chiến dịch tấn công lật đổ Khmer đỏ, giải phóng Phnom Penh ngày 7/1/1979.
Denise Affonço tại một hội chợ sách ở Paris, Pháp, vào tháng 3/2009. Ảnh: Wiki. |
Denise Affonço, một người mang trong mình nhiều dòng máu, trong đó có dòng máu Pháp của cha và dòng máu Việt của mẹ, làm việc tại Đại sứ quán Pháp ở Campuchia trước khi quân Khmer đỏ chiếm Thủ đô Phnom Penh. Khi Khmer đỏ cầm quyền, Denise Affonço bị trải qua 4 năm trong các trang trại lao động khổ sai ở những vùng rừng núi hẻo lánh của Campuchia cùng gia đình mình.
Vào khoảng cuối tháng 1/1979, sau khi quân đội Việt Nam tiến vào Phnom Penh và giải phóng Campuchia khỏi ách Khmer đỏ, Denise Affonço được con trai dìu ra khỏi rừng rậm, nơi mà toàn bộ những thành viên khác trong gia đình bà cũng như khoảng 2 triệu người dân Campuchia đã bỏ lại mạng sống.
Được tự do, Denise Affonço "lê tấm thân 30 kg" đến ngôi làng gần nhất và được bộ đội Việt Nam đưa về Xiêm Riệp, Campuchia. Tại đây, một bệnh viện dã chiến được dựng lên để chăm sóc cho những thường dân lưu vong trong vùng. Một bác sĩ quân đội Việt Nam gặp và đề nghị Denise Affonço viết lại tất cả những điều bà đã tận mắt thấy và trải qua.
Khi sức khỏe dần hồi phục, Denise Affonço đã cố gắng rời xa Campuchia càng nhanh càng tốt. Về Pháp, bà làm việc ở Bộ Ngoại giao Pháp, rồi từ năm 1990 đến năm 2009 làm việc cho Viện Nghiên cứu an ninh của Liên minh châu Âu. Thời gian đầu về Pháp phải làm lại từ đầu, phần vì sợ trả thù nên Denise Affonço không viết lại những điều bà đã trải qua trong 4 năm kinh hoàng ở Campuchia.
Chỉ tới khi gặp một giáo sư, vị giáo sư lỗi lạc khẳng định "vấn đề Campuchia chưa từng tồn tại", Denise Affonço mới sửng sốt. Vị giáo sư khẳng định: “Tôi không hiểu sao người ta cứ nói về nạn diệt chủng Khmer. Khmer đỏ chỉ làm những điều tốt cho đất nước của họ. Tôi đã đến thăm Phnom Penh năm 1978 và tôi thấy mọi thứ đều rất đỗi bình thường, người Campuchia sống hạnh phúc và hoàn toàn khỏe mạnh”.
Denise Affonço tự hỏi tại sao một người có trình độ học vấn cao đến mức đó lại có thể để bị lừa phỉnh? Bà quyết tâm phải viết lại chặng đường 4 năm đã trải qua trong cảnh địa ngục, để phản bác lại lập luận của một số trí thức luôn cho rằng không tồn tại chế độ diệt chủng Khmer đỏ ở Campuchia.
Giúp thế hệ sau hiểu về một giai đoạn lịch sử
Cuốn sách Thoát khỏi địa ngục Khmer đỏ - Hồi ký của một người còn sống là cuốn hồi ký của Denise Affonço. Bà kể lại quãng thời gian ở trong những khu rừng, nơi bà và nhiều người "bị đày ải, bị đối xử như súc vật". Cuốn hồi ký đẫm nước mắt viết về những năm tháng kiệt quệ cả về thể xác lẫn tinh thần mà Denise Affonço đã phải trải qua.
Sách Thoát khỏi địa ngục Khmer đỏ mới được xuất bản tiếng Việt. Ảnh: NXB CTQGST. |
Những hồi ức kinh hoàng của riêng Denise Affonço chính là minh chứng cho một thời hung bạo mà Campuchia đã phải trải qua. Bà gọi 4 năm khổ sai ấy là thời gian bà và nhiều người "mắc kẹt trong địa ngục". Ngay trong lời nói đầu sách, bà viết lời đề tặng "Tôi dành tặng cuốn sách này cho con gái tôi, bị chết đói năm 9 tuổi, và cho tất cả những người thân thiết đã mất tích hay bị chôn vùi 'ở đâu đó, nơi ấy, trong sâu thẳm những khu rừng'".
Nhiều người sống sót qua chế độ khủng khiếp của Khmer đỏ đã viết hồi ký, nhưng lời chứng của Denise Affonço có sức thu hút riêng và có một giá trị đặc biệt. David Chandler, giáo sư lịch sử Trường đại học Công giáo - Tu viện Melbourne (Australia), nhận xét: "Giá trị của cuốn sách này nằm ở tính độc đáo trong tiểu sử tác giả, người đã phác họa thành công một giai đoạn đặc biệt và phi thường trong cuộc đời mình từ năm 1975 đến năm 1980. Bằng giọng văn ý nhị nhưng rõ ràng, tác giả kể lại những gì bà đã trải qua dưới thời Khmer đỏ cũng như trong thời gian 11 tháng sau khi bộ đội Việt Nam vào giải phóng nhân dân Campuchia".
Cuốn sách với lời văn sinh động, chân thực qua lời kể của một người từng trải qua những năm tháng địa ngục ở Campuchia giúp những thế hệ đi sau hiểu hơn một giai đoạn tang thương của người Campuchia dưới tội ác diệt chủng của chính quyền Khmer đỏ.
Sách cũng tôn vinh những đóng góp to lớn của bộ đội tình nguyện Việt Nam trong sự nghiệp quốc tế, giúp người dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho ZNews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. ZNews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.